Mở đầu bài phát biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Phùng Quốc Hiển gửi lời chúc Ủy ban Kinh tế AIPA 41 sẽ có một phiên họp hiệu quả. Trong điều kiện làm việc trực tuyến của hệ thống mạng toàn cầu, các điều kiện kĩ thuật được bảo đảm để nghị sĩ các nước tham gia thảo luận thuận lợi; Ủy ban Kinh tế AIPA sớm đạt được các nội dung chương trình nghị sự mà mình đã đề ra.
|
|
Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu nước chủ nhà Việt Nam. |
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, hợp tác kinh tế trong AIPA là một trong những vấn đề then chốt, có ảnh hưởng sâu sắc đến các lĩnh vực hợp tác của Khu vực.
Tại Phiên họp Ủy ban Kinh tế AIPA, với chủ đề "Vai trò của Nghị viện trong việc thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau đại dịch COVID-19”, các nghị viện thành viên đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp vừa ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 vừa khôi phục nền kinh tế, sớm ổn định cuộc sống cho người dân trong giai đoạn bình thường mới.
Các đại biểu cho rằng chủ đề của Đại hội đồng lần này rất phù hợp với những gì đang diễn, nhằm hướng tới được một khu vực Asean gắn kết và chủ động thích ứng, sáng tạo trong một môi trường thế giới đang đối mặt với rất nhiều biến động.
|
|
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và đoàn Việt Nam. |
Đại diện Đoàn Myanmar phát biểu: Đã đến lúc chúng ta cần phải hợp tác cùng nhau để phản ứng trước những ảnh hưởng lớn của đại dịch, phục vụ cho lợi ích của người dân cũng như doanh nghiệp. Chúng ta cần phải có cơ chế, thiết lập kế hoạch phù hợp cho việc phục hồi kinh tế sau đại dịch. Quá trình phục hồi này không hề dễ dàng và hiện trạng bình thường mới đòi hỏi chúng ta phải có những cách tiếp cận mới. Không ai có thể thoát khỏi những ảnh hưởng kinh tế của covid-19 nhất là lĩnh vực du lịch, giao thông vận tải và thương mại.
Đại diện Đoàn Myanmar khẳng định ủng hộ dự thảo nghị quyết về vai trò của các Nghị viện trong việc Phục hồi kinh tế ASEAN sau đại dịch, đồng thời nhận định dự thảo nghị quyết này đóng vai trò rất quan trọng giúp thúc đẩy các nền kinh tế ASEAN vượt qua suy thoái.
Đại diện Đoàn Singapore cho biết, nước này đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ nền kinh tế đồng thời kêu gọi các nghị viện thành viên đoàn kết để bảo vệ cuộc sống, xây dựng lại sinh kế cho người dân.
Trong cuộc chiến chống đại dịch, mỗi nước đều có một cách xây dựng chính sách riêng để phù hợp với đất nước mình. Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ có những biện pháp khác nhau để có thể giải quyết những khó khăn. Singapore đã thông qua các gói cứu trợ để giúp người dân chống chọi với đại dịch như Quỹ kiên cường, Quỹ chống chịu, Quỹ đoàn kết và Quỹ thống nhất. Singapore cũng có các chính sách hỗ trợ việc làm được khởi động ngay khi đại dịch bùng phát để giúp các công ty giữ được việc làm cho người dân và hỗ trợ tiền lương. Chính sách này đã được gia hạn đến tháng 3 năm 2021.
|
|
Đoàn Việt Nam chụp ảnh lưu niệm. |
Trong khi đó, Thái Lan, với vai trò là một trong những nước soạn thảo và bảo trợ dự thảo nghị quyết về "Vai trò của Nghị viện trong việc thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau đại dịch COVID-19” cho rằng ASEAN và AIPA cần có sự phối hợp và hợp tác nhằm đưa ra những biệnpháp phù hợp giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế.
Đại diện Đoàn Thái Lan khẳng định: Trong bối cảnh COVID-19, chúng ta nhận ra rằng nếu không có công nghệ và các ứng dụng số hóa, chúng ta sẽ càng gặp khó khăn và thách thức hơn trong covid-19. Và việc số hóa đã giúp chúng ta thu hẹp các khó khăn do các lệnh phong tỏa và các biện pháp giãn cách xã hội gây ra, ảnh hưởng lớn đến việc làm và đời sống xã hội.
Việc quan trọng hiện này là, chúng ta cần phải có một cơ chế các chính sách để hỗ trợ việc số hóa trên diện rộng và những hỗ trợ về tài chính, để có thể vượt qua những khó khăn về kỹ thuật số và có những thay đổi về hành vi. Chúng ta cần phải tiếp tục thử nghiệm và đổi mới để có thể có những giải pháp số hóa, chúng ta cần nỗ lực để thu hẹp sự khác biệt về năng lực giữa các nước ASEAN cũng như năng lực ứng phó trước những thách thức.
Cùng chung quan điểm, Đoàn Brunei cũng cho rằng công nghệ số và ứng dụng số hóa là chìa khóa để giải quyết những khó khăn trong giai đoạn đại dịch khi hầu hết các nước đều áp dụng các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội gây gián đoạn nền kinh tế khu vực.
Đại diện Đoàn Brunei nhấn mạnh: Brunei đã mở rộng việc tư vấn và đào tạo cho các doanh nghiệp để có thể phản ứng thông qua kênh công nghệ số và công nghệ thông tin. Các doanh nghiệp của Brunei đã bắt đầu kênh thương mại điện tử đầu tiên của Brunei cũng như các kênh hậu cần, logistic để tiếp tục giúp các doanh nghiệp thực hiện việc kinh doanh trực tuyến.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu khác cũng khẳng định, trong thời khắc khó khăn này, AIPA phải gia tăng quan hệ đối tác với các nghị viện thành viên ở khu vực và toàn cầu, gia tăng năng lực nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19 bằng cách sử dụng những chính sách về tài khóa, tăng cường chia sẻ hỗ trợ thông tin và chia sẻ kinh nghiệm, từ đó có thể áp dụng những biện pháp phù hợp trên nguyên tắc dựa theo pháp luật, lấy người dân làm trung tâm hướng đến khu vực ASEAN duy trì kết nối từ đó tăng cường được khả năng thích ứng và chống chịu của ASEAN.
Phát biểu bế mạc phiên họp, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, với tinh thần đoàn kết, hiểu biết và hợp tác giữa các nước thành viên AIPA, phiên họp của Ủy ban Kinh tế AIPA 41 đã thành công tốt đẹp. Nghị viện các nước đã phối hợp chuẩn bị chu đáo, hiệu quả từ khâu chuẩn bị nội dung văn bản đến khâu thảo luận và thông qua nghị quyết trên tinh thần xây dựng, chủ động và thích ứng.
Ngay sau cuộc họp, nhóm thư ký của cuộc họp Ủy ban kinh tế AIPA sẽ rà soát kĩ thuật ngôn ngữ chuẩn bị báo cáo kèm theo dự thảo nghị quyết và được trình bày tại phiên họp toàn thể thứ 2 sẽ diễn ra ngày mai 10/9 để Đại hội đồng Aipa 41 phê duyệt .
Nghị quyết gắn kết và Phục hồi kinh tế Asean sau dịch bệnh COVID- 19, cộng đồng ASEAN thống nhất thực hiện một chuỗi giải pháp mang tính đột phá, khả thi. Trong đó có 6 nội dung quan trọng, đó là: Thực hiện thúc đẩy nhanh việc trao đổi thông tin liên quan đến du lịch và sức khỏe và các biện pháp cần thiết khác để kiểm soát sự lây lan của đại dịch COVID-19, đồng thời đưa khái niệm “du lịch cầu hàng không” giữa “các nước xanh lá cây”.
Nghị quyết cũng nêu rõ: Các nước thành viên ASEAN tiếp tục rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại; Thúc đẩy nhanh việc phê chuẩn các hiệp định, thỏa thuận thương mại trong khu vực; Tăng cường phát triển, chia sẻ thông tin cơ sở hạ tầng số, kết nối số, an toàn dữ liệu số, kiến thức và kỹ năng số gắn kết giữa các nước thành viên ASEAN; Xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối khu vực, tăng cường kết nối giao thông và sự cần thiết của việc tăng cường hợp tác tiểu vùng Mê Công và các tiểu vùng khác của ASEAN…