Nhìn vào bảng thống kê cơ cấu đất đai có thể thấy được thực trạng về điều kiện tự nhiên, mức độ phát triển của một tỉnh. Điều này đặt ra vấn về mấu chốt quan trọng trong sửa đổi Luật Đất đai là phải nghiên cứu phân loại rõ các loại đất, từ đó góp phần quản lý chặt chẽ đất đai, phát huy nguồn lực này cũng như tạo điều kiện cho người dân trong sử dụng đất đúng mục đích. Quan tâm vấn đề này, các đại biểu đã cho nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện Điều 11 của Dự thảo Luật về Phân loại đất đai.
Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên), việc Điều 11 của dự thảo Luật quy định đưa đất lâm nghiệp vào trong nông nghiệp sẽ gây rất nhiều phức tạp trong quản lý; không thể dùng đất nông nghiệp để quy chiếu sang các loại đất khác. Do đó, đại biểu đề nghị 2 loại đất này cần phải phân tách riêng biệt và trong mỗi loại đất này cũng phải chia nhỏ cụ thể hơn nữa để điều chỉnh các chính sách tương thích.
|
|
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) phát biểu thảo luận tại Tổ 6, sáng 3/11. |
“Từ trong đất nông nghiệp sẽ có đất lúa sản xuất riêng, đất trồng cây hàng năm, lâu năm. Trên thực tế sẽ có sự hoán đổi linh hoạt giữa việc chuyển trồng cây lúa sang trồng cây trồng lâu năm hoặc chuyển trở lại. Theo tôi, nếu quy định như thế này thì xử lý như thế nào?... Cần có nghiên cứu phân định lại rõ ràng để chia nhỏ các nhánh đáp ứng theo từng điều khoản của luật quy định hay chính sách quyết định để điều chỉnh tương thích với mỗi loại đất” - đại biểu Nguyễn Lâm Thành bày tỏ.
Cùng góp ý về nội dung này, đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng) đề nghị, bên cạnh quy định chia nhỏ cụ thể hơn các loại đất thì cần bổ sung thêm loại đất mang tính chất hỗn hợp lưỡng dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng đất trong khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai.
“Hiện nay, người dân đang ở trên đất mục đích là sử dụng đất ở nhưng do nhu cầu cuộc sống họ kết hợp cả kinh doanh, buôn bán kể cả làm thêm một số phòng cho thuê dịch vụ, cho thuê. Ngay cả các vùng nông thôn cũng đang kết hợp loại hình du lịch homestay trên những thửa đất nông nghiệp mà hiệu quả sản xuất không cao, họ kết hợp tổ chức dịch vụ để khai thác hiệu quả hơn nguồn lực đất đai trong phát triển kinh tế cá nhân mà không có sự phân loại cho loại đất này, không được quy định trong luật dẫn đến người dân sẽ vi phạm” - đại biểu Trần Chí Cường phân tích.
|
|
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 6 sáng 3/11 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Thái Nguyên, Nam Định, Đà Nẵng, Trà Vinh). |
Bên cạnh đó, qua nghiên cứu, nhiều đại biểu nhận thấy, việc chia nhỏ các loại đất như dự thảo Luật sẽ dẫn đến nhiều khó khăn cho người dân trong sử dụng đất, cũng như quản lý nhà nước trong xác định giá đất bồi thường giải phóng mặt bằng.
“Hiện tại, đang chia phân loại đất thành 3 nhóm đất. Riêng đất nông nghiệp có 7 mục và phi nông nghiệp có 11 mục. Chúng ta chia ra rất nhỏ, như vậy, khi cấp quyền sử dụng đất rồi người sử dụng đất sẽ chỉ được sử dụng dưới hình thức đó. Tuy nhiên chia nhỏ thì chi phí tuân thủ cao, khi người dân muốn chuyển đổi thì phải làm thủ tục chuyển đổi mất chi phí thời gian, nguồn lực nhiều. Bên cạnh đó hạn chế sáng tạo của người dân trong sử dụng đất, ban soạn thảo nên nghiên cứu không nên chia quá nhỏ việc sử dụng đất như thế này” – Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) đề xuất.