Thu hồi tài sn tham nhũng là nhiệm vụ cấp bách

Ngày 11/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP Hồ Chí Minh phối hợp Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức tọa đàm “Giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng tại địa bàn TP Hồ Chí Minh”.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Ngô Minh Châu, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TP Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi tọa đàm.

Đồng chí Ngô Minh Châu, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP Hồ Chí Minh (Ban Chỉ đạo) thông tin, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng nói riêng luôn được Thành ủy, Ban Chỉ đạo quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.

Theo Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TP Hồ Chí Minh, các vụ án tham nhũng, tiêu cực không chỉ gây thất thoát nghiêm trọng về tài sản của Nhà nước, mà còn ảnh hưởng đến lòng tin của người dân vào Đảng. Chính vì vậy, việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ việc, vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng từ các cấp lãnh đạo, các cơ quan chức năng và toàn xã hội.

Tại TP Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP Hồ Chí Minh kể  từ khi thành lập đến nay đã triển khai nhiều biện pháp hiệu quả trong việc xử lý và thu hồi tài sản từ các vụ án kinh tế, tham nhũng trên địa bàn thành phố. Trong thời gian qua, công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng tại TP Hồ Chí Minh đã có những bước tiến quan trọng. “Chúng ta đã thành công trong việc kê biên, phong tỏa và thu giữ tài sản từ nhiều vụ án nghiêm trọng, tiêu biểu là các vụ án xảy ra tại Cục Đăng Kiểm Việt Nam và các Trung tâm đăng kiểm ở nhiều địa phương; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát...” đồng chí Ngô Minh Châu phát biểu.

Đồng chí Ngô Minh Châu cho biết, tài sản được thu hồi không chỉ đóng góp trực tiếp vào ngân sách Nhà nước mà còn góp phần củng cố lòng tin của người dân vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong một số vụ án lớn, các bị can đã tự nguyện nộp lại tài sản để khắc phục hậu quả ngay trước và trong quá trình xét xử. Đây là kết quả đáng khích lệ, phản ánh sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan chức năng và những biện pháp truy vết tài sản chặt chẽ, kịp thời.

Tăng cường phối hợp để thu hồi tài sản tham nhũng

Tại buổi tọa đàm, đồng chí Ngô Phạm Việt, Phó Viện trưởng VKSND TP Hồ Chí Minh cũng nhận định, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản bị thất thoát, thiệt hại, chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng và chức vụ trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ cấp bách, phải tiến hành kiên trì, kiên quyết nhằm tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Ngô Phạm Việt, Phó Viện trưởng VKSND TP Hồ Chí Minh phát biểu.

VKSND TP Hồ Chí Minh với nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động điều tra các vụ án hình sự và kiểm sát hoạt động tư pháp trên địa bàn thành phố, đơn vị đã cùng các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan chức năng liên quan thực hiện các nhiệm vụ, chức trách được giao bảo vệ pháp luật, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội góp phần nâng cao thành phố. Công tác đấu tranh, xử lý các loại tội phạm về tham nhũng luôn được các cơ quan xác định là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, trong đó có việc không ngừng nỗ lực, nâng cao trách nhiệm trong việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, chức vụ và kinh tế, đảm bảo thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.

Ban cán sự Đảng VKSND TP Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều kế hoạch, thông báo tổ chức, quán triệt các chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Đảng và hướng dẫn của VKSND tối cao đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế cho Viện kiểm sát hai cấp chú ý các nội dung quán triệt của Ngành kiểm sát trong công tác thu hồi tài sản.

Lãnh đạo Viện kiểm sát hai cấp phải tập trung chỉ đạo giải quyết các vụ việc, vụ án về tội phạm kinh tế, tham nhũng và chức vụ nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực TP Hồ Chí Minh để góp phần xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật, nhằm thu hồi triệt để tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt, thất thoát.

Ngay từ khi kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, Kiểm sát viên, cán bộ kiểm sát phải chủ động nghiên cứu đề ra yêu cầu xác minh, kiểm tra thu thập tài liệu, chứng cứ làm rõ dấu hiệu hình sự, xác định tài sản bị chiếm đoạt; đồng thời tiến hành xác minh, kiểm soát, ngăn chặn tài sản liên quan đến dấu hiệu tội phạm, xác minh quan hệ nhân thân đối tượng nhằm truy vết tài sản liên quan cần xác minh; vận động, thuyết phục đối tượng tự nguyện nộp khắc phục hậu quả. 

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Phó Viện trưởng VKSND TP Hồ Chí Minh nêu rõ, trong quá trình xét xử vụ án hình sự, Viện kiểm sát và Tòa án cần chú trọng việc xét hỏi, tranh luận làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo và tài sản bị thiệt hại, chiếm đoạt đã được sử dụng, chuyển hóa để áp dụng các biện pháp thu hồi chính xác, triệt để. Cần chỉ rõ việc tự nguyện khắc phục hậu quả là cơ sở để xem xét là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo và được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, để bị cáo, người liên quan, gia đình họ tích chủ động, tích cực khắc phục hậu quả hơn…

Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan tố tụng và cơ quan chức năng trong phát hiện, điều tra, xử lý và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ. Xác định công tác phối hợp và thực hiện thu hồi tài sản là nhiệm vụ trọng tâm của người đứng đầu đơn vị và công chức các cấp trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Từng đơn vị, cá nhân thực hiện việc trao đổi thông tin phối hợp trong thẩm quyền, chức trách, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý của từng ngành theo quy định của pháp luật, tránh việc né tránh, chậm trễ, lộ, lọt thông tin ảnh hưởng đến việc xác minh và thực hiện các biện pháp thu hồi tài sản. Chủ động phát hiện, đề xuất với cấp thẩm quyền rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình giải quyết án và thu hồi tài sản./.

Phi Sơn - Đại Lánh