|
|
Đồng chí Nguyễn Đức Thái, Thành ủy viên, Viện trưởng VKSND TP Hồ Chí Minh phát biểu chỉ đạo hội nghị. |
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại trụ sở VKSND thành phố và kết nối trực tuyến đến 22 điểm cầu VKSND quận, huyện và TP Thủ Đức.
Tham dự hội nghị, tại điểm cầu trung tâm có đồng chí Nguyễn Đức Thái, Thành ủy viên, Viện trưởng VKSND thành phố, chủ trì Hội nghị; đồng chí Huỳnh Thị Ngọc Hoa, Phó Viện trưởng VKSND thành phố, điều hành tham luận.
Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Thành ủy, Thanh tra, Cục THADS; Tòa án nhân dân, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Hải quan, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, Sở Tư pháp, Bộ đội Biên phòng, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và môi trường, Cục Thuế thành phố…
Cùng dự còn có các đồng chí là lãnh đạo, Kiểm sát viên trung cấp các Phòng 1, 2, 3, 7, 11 và Văn phòng tổng hợp VKSND Thành phố.
|
|
Đại biểu tham dự hội nghị. |
Tại điểm cầu VKSND quận, huyện và thành phố Thủ Đức có sự tham dự của Viện trưởng, đại diện lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra, Tòa án, Chi cục THADS và các Kiểm sát viên, cán bộ tổng hợp được giao nhiệm vụ quản lý công tác thu hồi tài sản.
Báo cáo chuyên đề tại hội nghị khẳng định công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ ngày càng cao, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Qua đó, đã khẳng định “quyết tâm chính trị” của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, kinh tế với nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, và không chịu sự tác động không trong sáng của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”.
|
|
Đồng chí Huỳnh Thị Ngọc Hoa, Phó Viện trưởng VKSND thành phố, chủ trì tham luận. |
Thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt có ý nghĩa then chốt và là một trong những tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của thành phố và của từng đơn vị. Bên cạnh việc đánh giá thực trạng công tác giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng và thu hồi tài sản, chuyên đề còn đề cập đến những tồn tại, hạn chế giữa các cơ quan khi thực hiện thu hồi tài sản, tìm ra nguyên nhân khách quan, chủ quan; những khó khăn, vướng mắc về quy định của pháp luật, chức năng nhiệm vụ, trách nhiệm của cán bộ thực thi công vụ và mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tố tụng và cơ quan liên quan.
Chuyên đề đã đề ra những giải pháp, kiến nghị nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng và chức vụ; các giải pháp có ý nghĩa vô cùng lớn, là mục tiêu quan trọng và là thước đo hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế, tham nhũng và chức vụ trong tình hình hiện nay trên phạm vi cả nước nói chung và tại địa bàn TP Hồ Chí Minh nói riêng.
|
|
Đồng chí Phùng Văn Hải, Phó Chánh án TAND TP Hồ Chí Minh trình bày tham luận. |
Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị phát biểu tham luận, tập trung vào những khó khăn, vướng mắc; những hạn chế, thiếu sót cần rút kinh nghiệm trong công tác thu hồi tài sản trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới. Qua đó cũng đề nghị Liên ngành các cơ quan tố tụng và cơ quan chức năng liên quan cần nghiên cứu, xây dựng “Quy chế phối hợp giữa các cơ quan tố tụng và cơ quan chức năng trong việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ việc, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng” nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tại địa phương.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Thái, Viện trưởng VKSND TP Hồ Chí Minh xác định để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong thời gian tới, từng ngành phải thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ của mình. Theo đó trước tiên phải đề cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo nhất là người đứng đầu, có quan tâm thì mới có chỉ đạo sát, đúng, từ đó mới có chuyển biến trong thực tế.
Nếu thủ trưởng đơn vị không quan tâm mà chỉ chú trọng làm rõ sai phạm, không đồng thời làm rõ hậu quả để thu hồi thì sẽ không đạt hiệu quả. Trong phạm vi công tác, mỗi đơn vị phải quán triệt, thực hiện nghiêm việc truy tìm, áp dụng biện pháp ngay từ giai đoạn đầu tiên khi đối tượng chưa tẩu tán tài sản, nếu cần thiết thì các cơ quan tố tụng và cơ quan chức năng phải phối hợp ngay từ đầu để cùng trao đổi, đánh giá, đưa ra các yêu cầu trên cơ sở quy định của pháp luật để thực hiện, nhất là việc kịp thời phong tỏa tài khoản để tránh việc tẩu tán.
|
|
Đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh trình bày tham luận. |
Ngoài những biện pháp áp dụng trong giai đoạn nguồn tin, cần tiếp tục áp dụng các biện pháp khác, lưu ý phải xác minh hiện trạng tài sản trên thực tế; các cơ quan tố tụng phải giải thích, động viên để bị can, bị cáo, người thân tự nguyện nộp khắc phục hậu quả, để làm được điều này cần phải có chính sách vận động, đảm bảo mục tiêu “xử lý được và thu hồi được”; thực hiện tốt chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thành phố và Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trong công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng và cơ quan tố tụng, đề nghị cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện các yêu cầu của cơ quan tố tụng (xác minh tài sản, thông tin tài liệu làm rõ sai phạm)…
Kết quả hội nghị lần này cũng là cơ sở để VKSND thành phố chủ trì xây dựng Dự thảo “Quy chế phối hợp giữa các cơ quan tố tụng và cơ quan chức năng trong việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ việc, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng” gửi đến cơ quan tố tụng và cơ quan chức năng đóng góp, thực hiện trong thời gian tới nhằm nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản nói chung và thu hồi tài sản nói riêng tại TP Hồ Chí Minh.