Khó khăn trong chứng minh tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt 

Những năm gần đây, số vụ án tham nhũng bị khởi tố điều tra, truy tố và xét xử có chiều hướng gia tăng, với giá trị tài sản tham nhũng, thất thoát ngày càng lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước. Quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc chứng minh tài sản bị thất thoát, bị chiếm đoạt và những tài sản phải thu hồi.

Quá trình điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng thường mất rất nhiều thời gian, bị cắt khúc do nhiều cơ quan có chức năng khác nhau thực hiện dẫn tới việc các cơ quan có thẩm quyền không kịp thời áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để thu giữ, kê biên tài sản của các đối tượng phạm tội theo đúng quy định của pháp luật.

Khó khăn này phần nào xuất phát từ việc kiểm soát kê khai minh bạch hóa tài sản của cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan có thẩm quyền chưa được tiến hành một cách quyết liệt, triệt để; thậm chí có đơn vị, địa phương chỉ tiến hành công việc này manh tính chất hình thức. Điều này đã tạo điều kiện cho các đối tượng phạm tội lợi dụng để dễ dàng tẩu tán tài sản tham nhũng dưới nhiều hình thức khác nhau.
Quá trình điều tra, truy tố, xét xử cho thấy, trong nhiều vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng rất khó khăn trong việc cá thể hóa trách nhiệm hình sự của từng đối tượng trong các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng tập thể. Bởi trong các vụ án này, các đối tượng phạm tội thường có sự thống nhất cao về mục đích vụ lợi và thông qua nhiều hình thức khác nhau mà các đối tượng có thể dễ dàng chuyển tài sản chung thành tài sản riêng của một nhóm người có liên quan đến hành vi sai phạm.

leftcenterrightdel
 VKSND TP Hà Nội trực tiếp kiểm sát tại Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội.

Vì vậy, có những vụ việc, các cơ quan tiến hành tố tụng không đủ căn cứ để xử lý đối tượng với tội danh tham nhũng mà chỉ có thể xử lý về một trong những tội danh như cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng hoặc các tội phạm kinh tế khác. Do đó, việc thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án hầu như không thể thực hiện được.

Bên cạnh đó, tội phạm tham nhũng có yếu tố nước ngoài vẫn có xu hướng gia tăng về số vụ, số đối tượng với tính chất phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng. Đối với những vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài, việc điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có thẩm quyền gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định số dư tài khoản và kê khai tài sản của cá nhân ở nước ngoài do có nhiều quốc gia mà Việt Nam chưa ký kết hiệp định tương trợ tư pháp cũng như chưa có những văn bản pháp lý quy định riêng về vấn đề này.

Nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thu hồi tài sản 

Để công tác thu hồi tài sản thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng đạt hiệu quả tốt nhất, trước tiên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử đến thi hành án dân sự. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Phòng Kiểm sát thi hành án dân sự (Phòng 11), VKSND TP Hà Nội đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, luôn có sự phối hợp chặt chẽ với Cục THADS TP Hà Nội rà soát các tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế có đủ điều kiện thi hành án nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hồi tài sản.

Kết quả thu hồi tiền, tài sản bị thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đã đạt được trong năm 2023: Tổng số vụ việc 92 vụ/7.696 tỉ đồng; đã thi hành 24 vụ/1.965 tỉ đồng; số còn chuyển sang năm sau là 5.731 tỉ đồng.

Đối với các vụ án tham những liên quan đến Công ty AIC, ngay từ khi tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm, các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ, đề ra các biện pháp hữu hiệu thu hồi triệt để tài sản bị thiệt hại. Mặc dù, đối tượng Nguyễn Thị Thanh Nhàn bỏ trốn trước khi bị khởi tố, tuy nhiên, Cơ quan điều tra đã kịp thời phong tỏa hơn 100 tỉ đồng trong tài khoản của Công ty AIC và kê biên nhiều biệt thự, nhà đất để bảo đảm thi hành án.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên phối hợp với Chấp hành viên tiến hành kiểm tra hiện trạng 6 căn hộ tại Tòa nhà Pacific 30A Lý Thường Kiệt của Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Để có được kết quả trên, Phòng 11 VKSND TP Hà Nội đã đề ra những biện pháp, đổi mới phương thức kiểm sát nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Đơn vị đã kiểm sát chặt chẽ từ khi có quyết định thi hành án, đối chiếu quyết định thi hành án với bản án về số tài sản cần phải thu hồi tránh việc xác định thiếu tài sản hoặc xác định tài sản phải thu hồi không đúng. Phòng 11 cử Kiểm sát viên có kinh nghiệm phối hợp với Chấp hành viên trong quá trình xác minh điều kiện thi hành án nhằm đẩy nhanh tiến độ việc thu hồi tài sản theo quy định của pháp luật.

Phối hợp với Cơ quan THADS yêu cầu Cơ quan điều tra, Tòa án cung cấp lệnh kê biên, hồ sơ, tài liệu có liên quan, trực tiếp phối hợp tống đạt các thủ tục liên quan cho người phải thi hành án đang chấp hành án tại các trại giam theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, làm tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo VKSND TP Hà Nội phối tổ chức quán triệt, triển khai thi hành Luật THADS và các văn bản pháp luật có liên quan.

Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục nâng cao hơn nữa trách nhiệm, nghiệp vụ chuyên môn trong công tác kiểm sát thu hồi tài sản nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả việc thu hồi tài sản đã bị thất thoát và chiếm đoạt trong các vụ án hinh sự về tham nhũng, kinh tế.

Phan Hải