Có dấu hiệu trái luật!
Cục KTVBQPPL đã ban hành Kết luận kiểm tra số 11/KL-KTrVB đối với QĐ 78/2016/QĐ-UBND ngày 21/12/2016 của UBND tỉnh Bình Định, quy định điều kiện học sinh trên địa bàn tỉnh được hưởng chính skết luách hỗ trợ nấu ăn cho học sinh bán trú theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ, quy định về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Theo kết luận, QĐ 78/2016/QĐ-UBND có dấu hiệu trái pháp luật cần phải xử lý.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 116/2016/NĐ-CP thì học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở được hưởng chính sách hỗ trợ khi bảo đảm một trong 3 điều kiện:
Là học sinh bán trú đang học tại trường phổ thông dân tộc bán trú (điểm a);
Là học sinh mà bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn đang học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi; Các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Nhà ở xa trường Khoảng cách từ 4 km trở lên đối với học sinh tiểu học và từ 7 km trở lên đối với học sinh trung học cơ sở hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn: Phải qua sông, suối không có cầu; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá (điểm b);
Là học sinh mà bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi đang học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc xã khu vực II vùng dân tộc và miền núi. Nhà ở xa trường hoặc địa hình cách trở giao thông đi lại khó khăn cụ thể như quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này (điểm c).
Tuy nhiên, theo kết luận 11/KL-KTrVB, về vấn đề này, khoản 1 Điều 1 QĐ 78/2016/QĐUBND quy định: Bản thân học sinh mà bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
|
|
Quyết định số 78/2016/QĐ-UBND ngày 21/12/2016 của UBND tỉnh Bình Định. |
Trường hợp địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn, có thể gây mất an toàn, nguy hiểm đối với học sinh khi đi học, đường đến trường cách sông, suối không có cầu, qua vùng núi cao, qua vùng sạt lở đất, đá được xác định: đối với học sinh tiểu học có nhà cách trường từ 1 km trở lên, đối với học sinh trung học cơ sở có nhà cách trường từ 1,5 km trở lên.
Theo kết luận của Cục KTVBQPPL, quy định như QĐ 78/2016/QĐ-UBND có thể dẫn đến cách hiểu 01 trường hợp học sinh tiểu học, trung học cơ sở được hưởng chính sách hỗ trợ.
Đối chiếu với quy định tại Nghị định 116/2016/NĐ-CP, kết luận xác định, QĐ 78/2016/QĐ-UBND đã thu hẹp đối tượng học sinh tiểu học, trung học cơ sở ở xã, thôn đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách. Và như vậy, nội dung này của quyết định chưa phù hợp với quy định tại Nghị định 116/2016/NĐ-CP”.
Chỉ là sai sót về cách diễn đạt!?
Sau khi nhận Kết luận kiểm tra số 11/KL-KTrVB, ngày 13/5, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản giải trình, cho biết, cùng với Nghị định 116/2016/NĐ-CP, cơ sở ban hành QĐ số 78/2016/QĐ-UBND là Nghị quyết số 46/2016/NQ-HĐND ngày 09/12/2016 của HĐND tỉnh Bình Định.
Điều 1 Nghị quyết 46/2016/NQ-HĐND chỉ quy định những nội dung được phân cấp tại điểm a khoản 5 Điều 11 Nghị định 116/2016/NĐ-CP, trong đó quy định HĐND cấp tỉnh “Căn cứ vào quy định tại Điểm b Khoản 1 và Khoản 2 Điều 4, Điểm d Khoản 2 Điều 5 của Nghị định này và điều kiện thực tế của địa phương để quy định cụ thể về khoảng cách và địa bàn làm căn cứ xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày; quy định cụ thể về tỷ lệ khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh để nhà trường chủ động trong việc tổ chức nấu ăn cho học sinh tại trường”.
Theo UBND tỉnh Bình Định, các nội dung khác không được phân cấp, địa phương vẫn tổ chức thực hiện theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP. Như vậy, nội dung quy định về điều kiện học sinh trên địa bàn tỉnh hưởng chính sách hỗ trợ (khoản 1 Điều 1 của QĐ 78/2016/QĐ-UBND) cũng chỉ quy định những nội dung được phân cấp tại điểm a khoản 5 Điều 11 Nghị định 116/2016/NĐ-CP (đã cụ thể hóa tại Điều 1 của Nghị quyết 46/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Bình Định).
Mặt khác, tại khoản 7 Điều 1 của QĐ 78/2016/QĐ-UBND cũng quy định theo hướng mang tính chất nguyên tắc: “Các chính sách hỗ trợ khác cho học sinh và các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông không quy định tại quyết định này thì thực hiện theo đúng Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ”.
Do đó, đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại điểm a, điểm c khoản 1 Điều 4 Nghị định 116/2016/NĐ-CP không được quy định tại Nghị quyết 46/2016/NQ-HĐND, QĐ 78/2016/QĐ-UBND đương nhiên được hưởng chính sách theo quy định Nghị định 116/2016/NĐ-CP mà không nhất thiết phải quy định cụ thể tại văn bản của tỉnh.
Từ lập luận trên, UBND tỉnh Bình Định thống nhất, tiếp thu nội dung Kết luận kiểm tra của Cục KTVBQPPL “vì cách diễn đạt, kỹ thuật xây dựng về mặt nội dung của QĐ 78/2016/QĐUBND là không rõ nghĩa, có thễ dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau”.
Giải trình của UBND bình Định cũng “mở ngoặc”, mặc dù quy định điều kiện như vậy, tuy nhiên, quá trình ban hành và tổ chức thực hiện chính sách này trên địa bàn tỉnh, các cơ quan có thẩm quyền đều áp dụng theo đúng các quy định của Nghị định 116/2016/NĐ-CP về đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ, điều kiện thụ hưởng chính sách hỗ trợ và mức hỗ trợ.
Các địa phương trong tỉnh cũng đều thực hiện đúng quy định về đối tượng thụ hưởng, điều kiện để thụ hưởng chính sách, mức hỗ trợ và không phát sinh trường hợp khiếu nại và điều quan trọng là chưa xảy ra hậu quả pháp lý và làm ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước cần phải xử lý trách nhiệm theo quy định.
Từ những nội dung giải trình nêu trên, UBND tỉnh Bình Định cho rằng, nội dung của QĐ 78/2016/QĐ-UBND chỉ quy định trên cơ sở nội dung tại Điều 1 Nghị quyết 46/2016/NQHĐND của HĐND tỉnh Bình Định theo phân cấp tại điểm a khoản 5 Điều 11 Nghị định 116/2016/NĐ-CP và chỉ sai sót về mặt kỹ thuật, không trái pháp luật về mặt nội dung, thẩm quyền và không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các đối tượng thụ hưởng chính sách, ngân sách nhà nước (!).
Từ giải trình như trên, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Cục KTVBQPPL xem xét, thống nhất cho địa phương tiếp tục thực hiện QĐ 78/2016/QĐ-UBND và không nhất thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung theo quy định về xử lý văn bản có dấu hiệu trái pháp luật.
Trong trường hợp không thống nhất cho địa phương tiếp tục thực hiện và cần phải xử lý QĐ 78/2016/QĐ-UBND, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Cục KTVBQPPL xem xét, hỗ trợ địa phương trong việc tham gia ý kiến đối với dự thảo nghị quyết và quyết định thay thế Nghị quyết 46/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và QĐ 78/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Định, để làm cơ sở trình HĐND tỉnh trong kỳ họp sắp tới.