Thông tư số 32/2016/TT-NHNN quy định đối tượng được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng chỉ gồm cá nhân và pháp nhân là không hợp pháp, hạn chế quyền của các tổ chức không có tư cách pháp nhân đã được pháp luật quy định trong việc mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, cũng như hạn chế quyền của ngân hàng trong việc cung ứng dịch vụ mở tài khoản thanh toán cho các tổ chức không có tư cách pháp nhân.

Bộ Tư pháp vừa có văn bản kết luận kiểm tra Thông tư số 32/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 23/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

leftcenterrightdel

Theo Cục Kiểm tra văn bản, Khoản 6 Điều 1 Thông tư số 32/2016 (sửa đổi Điều 11 Thông tư số 23/2014) quy định: “Đối tượng được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng chỉ gồm cá nhân và tổ chức là pháp nhân”. Đồng thời, điểm c khoản 2 Điều 4 Thông tư số 32/2016/TT-NHNN quy định: “Sau 12 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, thực hiện đóng tài khoản đối với những tài khoản thanh toán của khách hàng là hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân chưa hoàn thành việc chuyển đổi hình thức tài khoản theo quy định tại điểm b khoản này” là không hợp pháp.

Lý do là Thông tư số 32/2016 xác định: Chỉ cá nhân và pháp nhân có quyền mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, các tổ chức không có tư cách pháp nhân không có quyền mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Các tài khoản thanh toán của tổ chức không có tư cách pháp nhân đã mở trước ngày Thông tư số 32/2016 có hiệu lực (ngày 1/3/2017) phải chuyển đổi sang hình thức tài khoản thanh toán của cá nhân hoặc tài khoản thanh toán chung hoặc đóng tài khoản; nếu không thực hiện việc chuyển đổi hình thức tài khoản thì sau 12 tháng (sau ngày 1/3/2018) sẽ bị đóng tài khoản.

Qua rà soát pháp luật liên quan cho thấy, pháp luật hiện hành không có quy định cấm (hay không cho) các tổ chức không có tư cách pháp nhân mở (giao kết hợp đồng) tài khoản tại ngân hàng. Ngược lại, quyền ký hợp đồng của doanh nghiệp (trong đó có doanh nghiệp tư nhân là loại hình tổ chức kinh doanh không có tư cách pháp nhân) đã được ghi nhận tại khoản 4 Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Quyền mở tài khoản của tổ chức không có tư cách pháp nhân còn được quy định rõ trong một số luật điều chỉnh các lĩnh vực cụ thể, như: Văn phòng luật sư (do một luật sư thành lập, được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân) có con dấu, tài khoản theo quy định của pháp luật (Điều 33 Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012); Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam có quyền mở tài khoản bằng ngoại tệ, bằng đồng Việt Nam có gốc ngoại tệ tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam (khoản 4 Điều 17 Luật Thương mại năm 2005); Văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) có con dấu; được mở tài khoản, tuyển dụng lao động, ký hợp đồng (Khoản 2 Điều 49 Luật Đầu tư năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2016).

Như vậy, việc Thông tư số 32/2016/TT-NHNN quy định đối tượng được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng chỉ gồm cá nhân và pháp nhân là không hợp pháp, hạn chế quyền của các tổ chức không có tư cách pháp nhân đã được pháp luật quy định trong việc mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, cũng như hạn chế quyền của ngân hàng trong việc cung ứng dịch vụ mở tài khoản thanh toán cho các tổ chức không có tư cách pháp nhân.

Hơn nữa, quy định “sau 12 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, thực hiện đóng tài khoản đối với những tài khoản thanh toán của khách hàng là hộ gia đình tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân chưa hoàn thành việc chuyển đổi hình thức tài khoản…” là trái pháp luật (trái Bộ luật dân sự năm 2015), xâm phạm quyền lợi hợp pháp của các tổ chức không có tư cách pháp nhân đã mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại ngân hàng theo quy định của pháp luật trước ngày Thông tư số 32/2016 có hiệu lực.

Việc quy định không cho các tổ chức không có tư cách pháp nhân được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng còn thể hiện sự không thống nhất ngay trong các quy định của Thông tư số 32/2016 và Thông tư số 23/2014. Cục Kiểm tra văn bản cho biết, việc không cho các tổ chức không có tư cách pháp nhân, trong đó có các chủ thể kinh doanh, tổ chức hành nghề được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng sẽ gây khó khăn lớn, tiềm ẩn rủi ro pháp lý cho các tổ chức này trong tổ chức hoạt động, nhất là thực hiện pháp luật về thuế, giao kết hợp đồng… của hàng chục nghìn doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư.

Việc hạn chế này cũng không phù hợp với chính sách phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước ta hiện nay, trong đó có phát triển kinh tế tư nhân theo Nghị quyết số 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ.

Hoàng Thanh