leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 7 chiều 19/6.

Thảo luận tại Tổ 7 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Thái Nguyên, Đắk Nông, Thừa Thiên Huế, Long An), các đại biểu đồng tình với sự cần thiết xây dựng luật và đóng góp thêm các ý kiến để dự thảo luật được xây dựng phù hợp với thực tế và mang tính khả thi, hiệu quả hơn...

Cần siết chặt quản lý các thiết bị điện kém chất lượng

Phát biểu thảo luận tại Tổ 7, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên khẳng định, việc xây dựng luật PCCC&CNCH là rất cần thiết và quan trọng...

leftcenterrightdel
 Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên phát biểu thảo luận tại Tổ 7.

Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết, có rất nhiều nguyên nhân gây ra cháy nổ, trong đó, có nguyên nhân các thiết bị điện không đảm bảo chất lượng (hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng – PV) hoặc bị hư hỏng do môi trường, điều kiện thời tiết, thời gian sử dụng...

Cùng với các giải pháp về PCCC&CNCH theo quy định, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, cần tập trung, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, trang bị kiến thức, kĩ năng về PCCC&CNCH cho người dân. Song song với đó, theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, các cơ quan chức năng cũng cần có những phương án PCCC&CNCH hiệu quả ở các tình huống cháy, nổ phức tạp, khó lường…

Cùng quan điểm với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, đại biểu Hoàng Anh Công – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên nhất trí cho rằng, cần phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng của các thiết bị điện bởi một trong những nguyên nhân quan trọng gây cháy nổ, chập điện là do nhiều thiết bị điện là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng…

leftcenterrightdel
 Đại biểu Hoàng Anh Công – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên phát biểu thảo luận.

Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Anh Công cũng cho rằng, các thiết bị PCCC rất dễ trang bị cho các hộ gia đình như bình chữa cháy mini sẽ có hiệu quả rất cao, có thể dập tắt được ngay khi có cháy xảy ra nếu như phát hiện kịp thời. Tuy nhiên, theo đại biểu, hiện nay, các thiết bị PCCC được trang bị ở các hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh còn rất hạn chế...

Cùng với đó, theo đại biểu Hoàng Anh Công, cần tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp PCCC&CNCH rất cụ thể. “Cháy từ tầng dưới lên thì thoát hiểm thế nào? Cháy từ tầng trên xuống thì thoát hiểm ra sao?" - đại biểu nói và kiến nghị cần có phương án hướng dẫn, tập huấn cụ thể cho người dân, các hộ gia đình...

Quy định phải có vách ngăn chống khói đối với nhà ở kết hợp kinh doanh liệu có khả thi?

Phát biểu thảo luận tại Tổ 7, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An bày tỏ sự đồng thuận rất cao đối với việc bổ sung quy định về PCCC đối với nhà ở (Điều 17). Theo đại biểu, đây có thể chưa phải là giải pháp triệt để nhưng sẽ là một biện pháp phòng ngừa quan trọng để góp phần nâng cao nhận thức, trở thành hành động tự giác đối với việc phòng ngừa của mỗi người dân trong cuộc sống sinh hoạt và kinh doanh như nhiều vụ cháy đau lòng đã xảy ra.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An phát biểu thảo luận.

Tuy nhiên, theo đại biểu, cần phải phân định rõ quy định áp dụng đối với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh hay với cả loại hình nhà ở đơn thuần, không kinh doanh của các hộ gia đình. Theo đại biểu, nếu quy định không rõ thì việc kiểm tra, xử lý về vi phạm về PCCC đối với loại hình nhà ở bình thường của các hộ gia đình không kinh doanh, không buôn bán, không cho thuê trọ…  sẽ rất khó khả thi trong thực tế.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, quy định điều kiện bảo đảm an toàn PCCC đối với nhà ở kết hợp kinh doanh phải có giải pháp ngăn cháy giữa khu vực để ở với khu vực kinh doanh còn khá chung chung. Do đó, đại biểu kiến nghị giao Chính phủ quy định chi tiết và lực lượng chuyên ngành hướng dẫn, quản lý…

Cùng quan tâm đến vấn đề quy định PCCC đối với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, đại biểu Nguyễn Trường Giang – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết, nhìn vào tình hình thực tế nhà ở tại các đô thị lớn hiện nay, nhất là ở Thành phố Hà Nội thì rất nhiều nhà ở kết hợp kinh doanh được xây dựng theo loại hình nhà "ống", nhiều nhà có diện tích nhỏ, trung bình khoảng trên, dưới 35m2.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Trường Giang – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông phát biểu thảo luận.

Vì vậy, theo đại biểu, quy định bắt buộc phải có vách ngăn chống khói giữa khu vực ở và khu vực kinh doanh là rất khó khả thi với những ngôi nhà có diện tích nhỏ như vậy. Theo đại biểu, nếu áp dụng mà không có quy định chuyển tiếp thì khi kiểm tra “sẽ vi phạm hết” bởi việc xây dựng những ngôi nhà này đã được thực hiện trước ngày luật có hiệu lực.

Do đó, đại biểu kiến nghị, cần có quy định chuyển tiếp đối với nhà ở đã xây dựng trước ngày luật có hiệu lực thì luật mới có tính khả thi cao…

Diên Hồng