Chống tham nhũng: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ

Ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII, công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng ta do đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động, đã tạo sự đồng thuận rất cao trong Đảng, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Công cuộc phòng, chống tham nhũng thời gian qua không những góp phần quan trọng giữ vững ổn định về an ninh, trật tự, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín của nước ta trên trường quốc tế mà còn tạo niềm tin vững chắc của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa 

Dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, các cơ quan Kiểm tra, Thanh tra, Kiểm toán, điều tra, truy tố và xét xử đã vào cuộc kịp thời, phối hợp chặt chẽ, tập trung lực lượng, nâng cao chất lượng trong công tác phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng. Đây là thể hiện ý thức trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc triển khai, thực hiên quyết tâm chính trị của Đảng ta, đặc biệt là vai tró, ý chí của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Nguyễn Phú Trọng với phương châm nhất quán: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Do vậy, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng vừa qua đã giành được nhiều kết quả quan trọng.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, các cấp ủy Đảng đã thi hành kỷ luật hơn 87.000 cán bộ, đảng viên, trong đó có 3.200 đảng viên bị kỷ luật có liên quan đến tham nhũng; với hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, 27 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị và hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Nhiều người phạm tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đã bị truy tố, xét xử và chịu sự phán quyết rất nghiêm minh của pháp luật.

Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các ngành, các cấp

Thực hiện chủ trương phòng, chống tham nhũng của Đảng, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã vào cuộc. Trong đó, có những kết quả đáng chú ý:

Thứ nhất: Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và cơ chế phòng, chống tham nhũng được quan tâm đẩy mạnh. Trong nhiệm kỳ qua, công tác xây dựng pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, góp phần hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành gần 30 văn bản về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng. Quốc hội đã thông qua 18 luật, 20 nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 100 nghị định, 119 nghị quyết, 37 quyết định, 33 chỉ thị. Hệ thống những văn bản trên đã giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng.

Thứ hai: Hoạt động của các cơ quan chức năng như kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được tăng cường, phối hợp chặt chẽ, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã phát hiện nhiều vi phạm, kiến nghị thu hồi nhiều tài sản và xử lý hàng nghìn tập thể và cá nhân có sai phạm. Chuyển Cơ quan điều tra xử lý hàng trăm đối tượng có dấu hiệu phạm tội.

leftcenterrightdel
Đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa xét xử vụ MobiFone mua AVG. Ảnh: PV

Thứ ba: Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, thực hiện đúng nguyên tắc của Hiến pháp: Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Cán bộ cũng như người dân, đã phạm tội thì phải chịu phán quyết của pháp luật, không có ngoại lê. Thực hiện quan điểm chỉ đạo trên, công tác điều tra, truy tố, xét xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế ngày càng triệt để, hiệu quả hơn, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật.

Một số vụ đại án vừa qua được đưa ra xét xử như: Vụ “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Vinashin; vụ án "Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc...” xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương; vụ án "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng…” xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DAB); vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố; vụ án tại Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam; vụ đưa, nhận hối lộ trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, vụ án liên quan sai phạm tại khu “đất vàng” trên đường Tôn Đức Thắng, P.Bến Nghé, Quận 1. Hay gần đây là các vụ các vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ…
Những vụ đại án này chủ yếu do các cơ quan tư pháp Trung ương phát hiện điều tra, truy tố và được các Tòa án sơ thẩm tổ chức xét xử công khai. Nếu như trước đây, sau khi kết thúc điều tra, VKSND tối cao ban hành cáo trạng và chuyển hồ sơ, ủy quyền cho Viện kiểm sát cấp sơ thẩm duy trì công tố tại phiên tòa, thì hiện nay, VKSND tối cao đã có bước cải tiến quan trọng. Theo đó, các Kiểm sát viên trực tiếp kiểm sát điều tra, được cử làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố tại phiên tòa sơ thẩm. Do nắm chắc tài liệu, chứng cứ của hồ sơ vụ án nên các Kiểm sát viên có điều kiện tranh luận, đưa ra các căn cứ buộc tội một cách dân chủ, công khai, minh bạch, có tính thuyết phục với các Luật sư, người bảo vệ cho bị cáo, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, những người tham gia tố tụng. Hội đồng xét xử không hạn chế thời gian tranh luận và căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên các Bản án bảo đảm khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tâm phục, khẩu phục, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Thứ tư: Một trong những thành công của công tác phòng, chống tham nhũng là sự công khai, minh bạch thể hiện rõ trong từng vụ việc. Các cơ quan chức năng đã chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, định hướng cung cấp, công khai kết quả và những vấn đề dư luận quan tâm trong xử lý các vụ án tham nhũng. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tiếp tục phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội; thực hiện có hiệu quả việc tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, tố cáo về tham nhũng, lãng phí. Các cơ quan truyền thông, báo chí đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phòng chống tham nhũng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Bảo đảm tính nghiêm khắc của pháp luật nhưng cũng thể hiện sự nhân văn

Cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng vừa thể hiện nguyên tắc không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể họ là ai như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đồng thời quán triệt chính sách khoan hồng, nhân đạo, nhân văn XHCN đối với những người biết ăn năn hối cãi, có thái độ khai báo thành khẩn, lập công chuộc tội.

Những quy định của pháp luật và thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng vừa qua cũng được tiến hành rất thận trọng, khách quan, bảo đảm không được xảy ra các trường hợp oan, sai. Đồng thời thực hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo, nhân văn XHCN trong đấu tranh xử lý các trường hợp cụ thể.

leftcenterrightdel
Phan Văn Anh Vũ tại phiên tòa. 

Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Theo đó, đã bãi bỏ hình phạt tử hình đối với 9 tội (trong đó có tội Tham ô và Nhận hối lộ). Đối với tội Tham ô quy định tại khoản 4, Điều 353 và tội Nhận hối lộ quy định tại khoản 4 Điều 354:  Phạm tội thuộc một trong trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1 tỉ đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5 tỉ đồng trở lên.

Tuy nhiên, tại điểm c, khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự quy định: Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

 Người bị kết án tử hình về tội Tham ô tài sản, tội Nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Thực tiễn vừa qua, trong một số vụ đại án, qua đấu tranh, có nhiều bị cáo đã biết ăn năn hối cãi, khai báo thành khẩn, chủ động nộp lại tài sản và tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật nên được các cơ quan có thẩm quyền không thi hành án tử hình.

Điều này là quán triệt và thực hiện đúng chính sách khoan hồng, nhân đạo, nhân văn XHCN của hệ thống pháp luật hiện hành, tạo cơ hội cho những người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng có điều kiện giao nộp tài sản do phạm tội mà có cho nhà nước và lập công chuộc tội, đồng thời góp phần quan trọng vào việc thu hồi tài sản cho nhà nước.

Điển hình là vụ MobiFone mua AVG, thu hồi tài sản được nhiều nhất từ trước tới nay, với tổng số tiền thu hồi là 8.845 tỉ đồng trên tổng số 8.697 tỉ đồng của vụ án.

Chúng ta tin tưởng rằng, trong nhiệm kỳ Đại hội XIII sắp tới, công tác phòng, chống tham nhũng càng được Đảng ta quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt. Bảo đảm cho công cuộc phòng, chống tham nhũng ngày càng đi vào chiều sâu, triệt để hơn và giành những thắng lợi toàn diện, vững chắc hơn. Tạo niềm tin vững chắc của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

 Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; kịp thời xử lý, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý khi có biểu hiện tham nhũng; xử lý nghiêm những cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, bảo đảm liêm chính, trong sạch, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng và các cơ quan tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng. Từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân và cơ quan truyền thông, báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; từ đó nâng cao hiệu quả phát hiện và xử lý tham nhũng".

TS. Dương Thanh Biểu