Tinh thần phòng, chống tham nhũng "không có vùng cấm", không “ngừng”, không “nghỉ” tiếp tục được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020 vừa qua.

Trong số những người bị kỷ luật, lĩnh án có nhiều cán bộ, đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương, tướng lĩnh quân đội, công an, kể cả đương chức và về hưu.

Ngày 17/12, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp về công tác cán bộ. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét, quyết định thi hành kỷ luật, khai trừ cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ra khỏi Đảng.

leftcenterrightdel
Ông Tất Thành Cang (bên phải)  bị khởi tố bị can, bắt tạm giam.              Ảnh: A.X.

Trước đó, chiều 16/12, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM để điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219, Bộ luật hình sự 2015.

Cựu Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cùng với ông Đinh La Thăng hiện đang hầu tòa vì  liên quan đến sai phạm trong đấu giá quyền thu phí cao tốc TP.HCM -Trung Lương.

Xung quanh vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tin tưởng rằng, công cuộc phòng, chống tham nhũng tiếp tục được Đảng, Nhà nước chỉ đạo quyết liệt, triệt để, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, bất kể người đó là ai, đang giữ chức vụ gì.

Ông Lê Như Tiến cho rằng: “Việc ông Tất Thành Cang bị khởi tố, ông Nguyễn Đức Chung bị khai trừ đảng hay trước đó nhiều cán bộ nguyên Ủy viên Trung ương, thậm chí,  Ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật, lĩnh án cho thấy, quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng, Nhà nước ta về phòng, chống tham nhũng.

Mấy năm gần đây, có hơn 100 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị kỷ luật, vướng vòng lao lý cho thấy,  chúng ta đang đi đúng hướng, làm triệt để, nghiêm khắc.

Điều này một lần nữa khẳng định, công cuộc phòng, chống tham nhũng “không có ngoại lệ”, “không có vùng cấm”, không có chuyện “hạ cánh an toàn”.

“Điều đáng mừng trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua chúng ta làm rất quyết liệt, nhưng cũng rất khẩn trương và đồng bộ giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật”, ông Lê Như Tiến nói.

leftcenterrightdel
Ông Lê Như Tiến tin rằng, công cuộc phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới tiếp tục được Đảng, Nhà nước chỉ đạo quyết liệt.  

Cũng theo ông Lê Như Tiến, trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, ngoài việc trừng trị kẻ tham nhũng, cũng có ý nghĩa răn đe, giáo dục, nhưng cần phải chú trọng đến khâu thu hồi tài sản.

Ông Lê Như Tiến chỉ ra: “Phát hiện, xử lý cán bộ, đảng viên tham nhũng cần làm khẩn trương hơn nữa để kịp thu hồi tài sản cho Nhà nước, nhân dân.

Như thời gian vừa qua có không ít kẻ tham nhũng đã “cao chạy xa bay” như: cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, ông Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch Nhật Cường…. Điều này dẫn đến việc rất khó thu hồi tài sản. Mà thực chất tài sản khó thu hồi của tội phạm tham nhũng,  đó là tài sản của nhân dân”.

Vấn đề được ông Lê Như Tiến quan tâm, đó là công tác cán bộ trong thời gian tới làm sao lựa chọn được người tài, người có đức, đủ tâm, đủ tầm vào trung ương.

Một vị trí nên giới thiệu số dư để người dân, cán bộ, đảng viên có lựa chọn. Còn nếu chỉ giới thiệu một người vào một vị trí thì rất khó lựa chọn được người tài”.

“Tham nhũng chủ yếu là người  có chức, có quyền, thậm chí làm rất to như thời gian qua chúng ta thấy, có người làm bộ trưởng, thứ trưởng, tướng lĩnh.

Do đó, công tác cán bộ sắp tới cần lựa chọn những người vừa có tài,  vừa có đức, tâm sáng, lòng trong mới hạn chế tối đa tình trạng tham nhũng và đưa đất nước ngày càng phát triển”, ông Lê Như Tiến nói.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng: “Chúng ta cũng cần phải hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý như Luật Phòng chống, tham nhũng, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật cán bộ, công chức...để bịt những kẽ hở, lỗ hỏng”.

 

Vũ Phương