Hội nghị trực tuyến toàn quốc, tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 đã chỉ rõ, công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào".

Đi đôi với tập trung chỉ đạo công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng cũng được đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để bảo đảm "không thể", "không dám", "không muốn", "không cần" tham nhũng.

Những người bị kỷ luật, lĩnh án từng là những cán bộ, đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương, tướng lĩnh quân đội, công an, kể cả đương chức và về hưu như trong thời gian này qua việc khởi tố cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh Tất Thành Cang hay việc khai trừ đảng cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung...

Điều này khẳng định quyết tâm phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy của Đảng, Nhà nước đã, đang và sẽ được làm quyết liệt, kiên trì, không "ngừng", không "nghỉ". Quyết tâm loại bỏ, xử lý nghiêm cán bộ hư hỏng, tiêu cực, tham nhũng ra khỏi bộ máy.

leftcenterrightdel
Cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải  Đinh La Thăng và  cựu Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường hầu tòa do liên quan đến sai phạm mua bán quyền thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương. Ảnh: Thanh Niên. 

Trao đổi với phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian vừa qua.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cho rằng: “Những kết quả đạt được khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban đã làm rất quyết liệt.

Kết quả bước đầu,  tình trạng tham nhũng đã thuyên giảm. Nhiều vụ việc lớn đã được phát hiện, xử lý nghiêm minh. Điều này đã góp phần lan tỏa rất lớn đến công tác phòng, chống tham nhũng về các địa phương”.

Cũng theo Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, chống tham nhũng với tinh thần "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ" và không “hạ cánh an toàn", kể cả Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, khi phát hiện sai phạm đều bị điều tra, bị kỷ luật, xử lý nghiêm minh đúng quy định của pháp luật.

“Nhân dân, cử tri cả nước rất đồng tình, ủng hộ với kết quả đã đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng được nêu bật tại hội nghị toàn quốc tổng kết vừa qua cũng như thời gian gần đây một số người từng giữ các chức vụ cao, thuộc diện trung ương quản lý đã bị xử lý nghiêm minh theo quy định.

Điều này góp phần tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy, tổ chức Đảng”, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh nói.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh: “Kết quả đã đạt được cùng với niềm tin của nhân dân, cử tri cả nước trong công cuộc phòng, chống tham nhũng có tác động rất tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2020.

Chúng ta đã phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc khi đã thực hiện thắng lợi mục tiêu kép,  vừa chống dịch hiệu quả, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế”.

leftcenterrightdel
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh.  

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cũng cho hay: “Để đạt được những kết quả đó, trước tiên phải là quyết tâm chính trị của Đảng, đặc biệt đồng chí  Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm, thường xuyên theo dõi, chỉ đạo sát những vụ có tính chất điểm, vụ việc nóng được dư luận quan tâm và nhiều vụ việc ở địa phương, gây bức xúc dư luận cũng được quan tâm chỉ đạo làm rõ.

Trung ương tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng hoàn thiện hệ thống pháp luật như Tổng Bí thư nói, làm sao để cố gắng bịt được những lỗ hổng, kẽ hở để không thể tham nhũng.

Về công tác cán bộ đã từng bước ban hành những quy định về đánh giá, về kiểm soát hoạt động của cán bộ như kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên.

Việc xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”,  vừa có tác dụng răn đe, giáo dục vừa mang tính chất cảnh tỉnh. Như Tổng bí thư, Chủ tịch nói xử một người để cứu muôn người, cứu cả chế độ.

Điều đáng mừng, công cuộc phòng, chống tham nhũng của chúng ta đã trở thành phong trào được quần chúng, nhân dân đồng tình, ủng hộ,  tạo lên sức mạnh cho cả hệ thống chính trị.

Trong đó có vai trò tham gia giám sát của nhiều đoàn thể trong công tác phòng, chống tham nhũng như Mặt trận tổ quốc, quần chúng nhân dân cũng có ý nghĩa rất lớn”.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cũng cho biết, báo cáo đã chỉ rõ tình hình tham nhũng diễn ra vẫn còn rất phức tạp, có thuyên giảm, nhưng việc ngăn chặn, đẩy lùi vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Nguy cơ tham nhũng còn lớn nên phải làm thường xuyên, liên tục, không “ngừng”, không “nghỉ”.

Trong đó có nhiều việc phải làm như: hoàn thiện hệ thống pháp luật, đánh giá, bố trí cán bộ nói chung, đặc biệt cán bộ làm trong lĩnh vực nhạy cảm, cán bộ phòng chống tham nhũng phải rất cần được quan tâm. Tiếp tục hoàn thiện các thể chế, quy định để đảm bảo tính thống nhất trong việc chấp hành, giám sát và xử lý tội phạm tham nhũng.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, công tác cán bộ là yếu tố then chốt, yếu tố quyết định. Công tác cán bộ rất quan trọng nên làm sao xây dựng được cán bộ vừa có tâm, có tầm, vừa có đức, có tài để tham gia bộ máy.

Đánh giá cán bộ phải đẩy đủ và toàn diện, từ khâu tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động cán bộ, đặc biệt những vị trí lãnh đạo tại các lĩnh vực, ngành nghề nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng”.

Vũ Phương