Ngày 25/9, TP Đà Nẵng vừa tổ chức Hội nghị đánh giá thực hiện Chương trình thành phố “5 không”, “3 có” và “4 an”, gắn với thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TƯ của Thành ủy Đà Nẵng về xây dựng văn hóa, văn minh đô thị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Quảng - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng cho biết, ngay từ khi được tách tỉnh và trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương năm 1997 đến nay, TP Đà Nẵng đã có nhiều chủ trương, biện pháp để nâng cao và đảm bảo tốt hơn cuộc sống của người dân. Mặc dù được ra đời ở những thời điểm và hoàn cảnh khác nhau nhưng các chương trình này đã gắn bó chặt chẽ với nhau và đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế và nâng cao đời sống người dân.

leftcenterrightdel
Đến nay TP Đà Nẵng đã xây dựng được thương hiệu "thành phố đáng sống" 

Các chương trình “5 không”, “3 có”, “4 an” và thực hiện chủ trương Năm văn hóa, văn minh đô thị là những biện pháp quan trọng nhằm tập trung giải quyết những vấn đề xã hội cấp thiết, quan trọng, đầy tính nhân văn và đã tạo bước đột phá cho sự phát triển của TP Đà Nẵng. Các chương trình này với mục tiêu hướng đến cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vì sự phát triển bền vững.

Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của các chương trình này cho thấy, từ năm 1997, Đà Nẵng có xuất phát điểm thấp về kinh tế - xã hội; nhiều vấn đề xã hội trên địa bàn thành phố vẫn còn rất phức tạp và ở trình độ thấp kém. Do đó, năm 2000, lãnh đạo thành phố đã thống nhất lựa chọn 5 vấn đề cấp thiết nhất về xã hội để tập trung giải quyết với việc ban hành Chương trình “5 không” với các tiêu chí: Không có hộ đói (đến năm 2009 thay đổi thành Không có hộ đặc biệt nghèo); Không có người mù chữ (đến năm 2009 thay đổi thành Không có học sinh bỏ học); Không có người lang thang xin ăn; Không có người nghiện ma túy trong cộng đồng (đến năm 2016 thay đổi thành Không có người nghiện ma túy không được kiểm soát trong cộng đồng) và Không có giết người để cướp của.

Đến năm 2005, thành phố đã bổ sung các mục tiêu, định hướng nhằm nâng cao chất lượng đời sống và xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị cho người dân, trên cơ sở đó đã ban hành Chương trình “3 có”, cụ thể: Có nhà ở, Có việc làm, Có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.

Năm 2014, trước thực trạng văn hóa của thành phố phát triển chưa tương xứng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW để chỉ đạo tập trung thực hiện chủ trương “Năm văn hóa, văn minh đô thị” và được duy trì thực hiện thường xuyên đến nay. Đến năm 2016, để thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố an bình, Thành ủy Đà Nẵng lựa chọn 4 vấn đề còn gây nhiều bức xúc trong nhân dân để chỉ đạo thực hiện chương trình “4 an”, đó là: An ninh trật tự, An toàn giao thông, An toàn thực phẩm và An sinh xã hội.

Đến nay, các chương trình này đã đạt được những kết quả tích cực và trở thành thương hiệu, đặc trưng riêng có, mang đầy tính nhân văn của thành phố, tạo sự ổn định xã hội, làm nền tảng cho sự phát triển toàn diện của thành phố và là cơ sở để xây dựng hình ảnh thành phố đáng sống trong quan niệm của người dân cả nước và là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng.

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Văn Quảng - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng 

Nghiêm túc nhìn nhận các mặt còn hạn chế và rút ra các bài học kinh nghiệm sâu sắc để làm tốt hơn trong thời gian tới, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng – Nguyễn Văn Quảng  đã nhấn mạnh 2 bài học kinh nghiệm:

Một là: Đà Nẵng cần nhất quán quan điểm và kiên định mục tiêu phát triển bền vững hướng đến cộng đồng, đặt lợi ích của người dân và thành phố lên hàng đầu. Đây cũng chính là một trong 5 bài học được Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố rút ra trong nhiệm kỳ qua đã nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XXI trình Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố sẽ tổ chức vào các ngày từ 20-22/10/2020 tới đây.

Hai là: Sự quyết tâm lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quyết liệt và sáng tạo trong chỉ đạo tổ chức thực hiện của chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, chung tay của các tầng lớp nhân dân. Đây vẫn sẽ là các nhân tố quyết định cho sự thành công trong thời gian tới.

Về việc tiếp tục thực hiện các chương trình trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Quảng cho hay, Thành ủy Đà Nẵng thống nhất với các phương hướng, nhiệm vụ đã được UBND thành phố nêu ra và đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và người dân trên địa bàn thành phố tập trung thực hiện như: Ban cán sự đảng UBND thành phố cần chỉ đạo, điều chỉnh, bổ sung nội dung các chương trình với các mục tiêu, định hướng cụ thể, chọn những vấn đề bức xúc, có ảnh hướng lớn đến đời sống, kinh tế - xã hội để tập trung thực hiện quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời đề xuất các nội dung để đưa vào Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố sắp đến.

Cấp ủy và hệ thống chính trị các cấp cần xem các chương trình trên là nhiệm vụ trọng tâm, cần phải thực hiện thường xuyên với những cách làm quyết liệt, sáng tạo, có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với trách nhiệm cao nhất trong việc triển khai thực hiện các chương trình phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị nhằm đạt được mục tiêu đề ra.

leftcenterrightdel
Hội nghị tổng kết lại các chương trình mà Đà Nẵng đã thực hiện thời gian qua 

Trước mắt, đề nghị các cấp, các ngành tập trung thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TU ngày 03/9/2020 của Ban Thường vụ Thành ủy về lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, kiểm soát dịch bệnh COVID-19, với các giải pháp đồng bộ, căn cơ; chủ động thực hiện tốt các biện pháp hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp, người nghèo, các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh; đặc biệt là thực hiện các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động thất nghiệp sau dịch bệnh.

Đến nay, Chương trình, TP Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật như xóa hết 850 hộ đói, cơ bản không còn hộ nghèo đặc biệt của từng giai đoạn. Hơn 90% số học sinh bỏ học đã chuyển sang học bổ túc hoặc học nghề. 100% người lang thang xin ăn được phát hiện và xử lý kịp thời. Thành phố đầu tư xây dựng và giải quyết, bố trí cho thuê gần 10.000 căn hộ chung cư, nhà ở xã hội, nhà liền kề đã giảm áp lực về chỗ ở cho người dân. gần 30.000 lao động được giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 3,4%. Lực lượng chức năng đã điều tra, khám phá gần 2.000 vụ vi phạm về phát tán tài liệu, sử dụng công nghệ cao, cướp tài sản, tội phạm tín dụng đen.

Xuân Nha