|
|
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân. |
Phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật đã có cuộc trao đổi cụ thể hơn với đại biểu Lê Thanh Vân xung quanh vấn đề này:
PV. Là một người am tường về pháp luật và luôn quan tâm đến những vấn đề lớn của đất nước, trong đó có vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền, xây dựng bộ máy nhà nước và các cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh, xin ông cho biết suy nghĩ của mình về phiên toà giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao vừa qua?
Tiến sĩ luật, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân:
Tôi cho rằng quyết định của Hội đồng thẩm phán (HĐTP) TAND tối cao trong phiên giám đốc thẩm là thiếu tính thuyết phục, giải quyết không thoả đáng các căn cứ mà Viện trưởng VKSND tối cao đưa ra trong kháng nghị và trước nhiều vấn đề không tường minh mà công luận đưa ra.
Trong quyết định kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao không đề cập việc Hồ Duy Hải bị oan mà chỉ kiến nghị yêu cầu xem xét lại đúng pháp luật các diễn biến của vụ án. Tôi và nhiều người khác cũng yêu cầu vụ việc xử lý theo trình tự và căn cứ vào pháp luật một cách thuyết phục chứ chưa bình luận Hải có oan hay không.
Quyết định giám đốc thẩm của HĐTP TAND tối cao nhận định có sai sót trong quá trình tố tụng nhưng không huỷ án để điều tra lại theo như quan điểm đề nghị của Viện trưởng VKSND tối cao. HĐTP TAND tối cao lập luận rằng, những sai sót này “không làm thay đổi bản chất vụ án" nên “không cần thiết phải hủy các bản án sơ thẩm, phúc thẩm”. Tôi cho rằng, lập luận này của HĐTP TAND tối cao nại ra để từ chối kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao sẽ tạo tiền lệ không tốt vì người ta cho rằng sai phạm trong tố tụng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án, từ đó có thể chủ quan, xem thường quy trình tố tụng. Nếu tiền lệ ấy trở nên phổ biến thì niềm tin vào công lý của dân chúng lại càng rơi rớt tệ hại hơn. Và, khi ấy sức mạnh thuyết phục của Nhà nước đối với xã hội sẽ suy giảm nghiêm trọng.
PV. Ông nhận thấy quan điểm, cách giải quyết của VKSND tối cao trong vụ án này như thế nào? Nguyên tắc suy đoán vô tội có khả năng được áp dụng trong vụ án này không thưa ông?
Tiến sĩ luật, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân:
Tôi nhìn nhận rằng, một vụ án mà có nhiều thủ tục tố tụng vi phạm thì vụ án cần thiết phải được điều tra lại.
Những vi phạm về tố tụng, tức xảy ra trong quá trình điều tra, xét xử không chỉ đã được Viện trưởng VKSND tối cao chỉ ra trong bản kháng nghị mà còn được đề cập trong kết quả giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội gần đây, được HĐTP thừa nhận là những vi phạm về pháp luật hình thức.
Cần nhớ rằng, mối quan hệ giữa hình thức và nội dung là mối quan hệ biện chứng hữu cơ, dù nội dung quyết định hình thức nhưng hình thức không phải không tác động đến nội dung. Khi pháp luật hình thức không được tôn trọng thì tác động trở lại pháp luật nội dung và làm cho nó không còn bảo đảm tính khách quan, toàn diện nữa. Khi một vụ án được xem xét, đánh giá trong không gian chứng cứ thiếu khách quan, toàn diện thì khó có thể mang lại kết quả xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Hoạt động điều tra vi phạm nghiêm trọng tố tụng, chứng cứ buộc tội thì không vững chắc nhưng Tòa suy luận và áp dụng theo hướng bất lợi và giữ nguyên bản án tử hình đối với bị cáo là vi phạm nguyên tắc cơ bản của Luật tố tụng hình sự, đó là nguyên tắc nhân đạo và nguyên tắc suy đoán vô tội.
Cơ quan tố tụng phải tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội đã được quy định tại Điều 31 của Hiến pháp và Điều 13 của Bộ luật Tố tụng hình sự, nghiêm cấm suy luận chủ quan, dễ dẫn đến hàm oan cho người vô tội.
PV. Theo quy định pháp luật, sau quyết định giám đốc thẩm, vụ án Hồ Duy Hải có thể được xem xét theo quy trình nào, thưa ông?
Tiến sĩ luật, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân:
Về trình tự tố tụng đặc biệt để xem xét bản án giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán, theo quy định tại Điều 404 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng VKSND tối cao và Chánh án TAND tối cao là những chủ thể có quyền yêu cầu xem xét lại vụ án.
Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, Viện trưởng VKSND tối cao vừa đưa ra kháng nghị giám đốc thẩm, Chánh án TAND tối cao là chủ toạ hội đồng xét xử vừa diễn ra, vậy chỉ còn Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội. Trong đó, Uỷ ban Tư pháp đã vào cuộc năm 2015, nên tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát vụ án này để từ đó yêu cầu Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử lại. Căn cứ để yêu cầu xét xử lại là đã có vi phạm nghiêm trọng tố tụng dẫn đến việc xem xét thiếu khách quan, hoặc có tình tiết thay đổi bản chất vụ án.
Bên cạnh đó, tính khách quan của phiên toà giám đốc thẩm cần được bảo đảm vì Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình năm 2011 là Viện trưởng VKSND tối cao đã ký Quyết định không kháng nghị, tức là khẳng định vụ án đã đúng người, đúng tội.
Uỷ ban Thường vụ là một trong những chủ thể giúp Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với hoạt động xét xử nói chung của toà án thông qua một vụ việc cụ thể là vụ án này. Ngoài ra, theo thủ tục tố tụng đặc biệt, Uỷ ban Thường vụ có quyền yêu cầu Hội đồng thẩm phán xem xét lại bản án. Trước đây, Quốc hội khoá 11 cũng từng lật lại một vụ án oan sai.
Việc này cũng có thể được tiến hành bằng hoạt động giám sát trực tiếp của Quốc hội thông qua chất vấn trực tiếp Chánh án TAND tối cao để truy xét trách nhiệm người đứng đầu của ngành Tòa án, bởi không ít ĐBQH rất bức xúc về vụ việc này.
PV. Với trọng trách của một đại biểu Quốc hội, ông đã thực hiện quyền giám sát đối với vụ án này như thế nào?
Tiến sĩ luật, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân:
Khi theo dõi vụ án này, trong thâm tâm, tôi luôn cầu mong nỗi oan khuất của hai nạn nhân vốn là hai cô gái trẻ phải được làm rõ, kẻ thủ ác phải bị trừng trị đích đáng, nhưng phải đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật.
Vì vậy, tôi cho rằng việc HĐTP TAND tối cao lập luận "sai sót trong quá trình điều tra nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án" là không ổn, cần phải được Quốc hội giám sát chặt chẽ, tránh ảnh hưởng không tốt đến hoạt động tố tụng sau này.
Bản thân tôi đã thực hiện quyền giám sát đối với việc giải quyết vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng, ngay sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tôi đã kiến nghị Chủ tịch Quốc hội xem xét đưa hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của Toà án thông qua vụ án. Tôi sẽ kiên trì bảo vệ quan điểm này để xúc tiến sớm hoạt động giám sát, đáp ứng sự mong mỏi của người dân hiện nay.
Bởi, vụ việc này dù đúng sai thế nào thì trước hết các cơ quan tố tụng phải có bổn phận thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, sau đó mới đánh giá yếu tố chứng cứ vật chứng, đánh giá các yếu tố cấu thành tội phạm.
Xin trân trọng cảm ơn ông!