leftcenterrightdel
 Người dân không đồng thuận với ranh giới quy hoạch Thủ Thiêm.

Phát biểu tại buổi đối thoại, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn cho biết đáng lẽ buổi đối thoại diễn ra sớm hơn theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên chưa tổ chức được.

Cũng theo ông Đặng Công Huẩn, nội dung buổi đối thoại nhằm làm rõ việc một số người dân ở năm khu phố thuộc 3 phường Bình An, An Khánh và Bình Khánh khiếu nại cho rằng phần đất tại năm khu phố thuộc ba phường này nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Sau đó, ông Đinh Đăng Lập, đại diện Tổ Kiểm tra liên ngành của Thanh tra Chính phủ đã đọc dự thảo báo cáo kiểm tra, rà soát liên quan đến ranh quy hoạch 5 khu phố thuộc 3 phường.

Theo ông Đinh Đăng Lập, Thanh tra Chính phủ được UBND TP HCM cung cấp một số bản đồ do nguyên Chủ tịch UBND TP Võ Viết Thanh lưu giữ liên quan đến quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đây là những bản đồ kèm theo văn bản trình Thủ tướng ban hành quyết định số 367/1996. Các bản đồ này cũng được cơ quan chức năng đóng dấu gồm: Văn phòng Kiến trúc sư trưởng, Sở Xây dựng, Công ty Dịch vụ đô thị.

Qua kiểm tra đối chiếu bản đồ của nguyên Chủ tịch UBND TP Võ Viết Thanh lưu giữ và hai bản đồ mà UBND TP HCM cung cấp, ông Đinh Đăng Lập cho biết, Thanh tra Chính phủ thấy trùng khớp nhau về ranh quy hoạch.

leftcenterrightdel
 Diện mạo Thủ Thiêm ngày nay.

“Thanh tra Chính phủ thấy rằng đều trùng khớp nhau về ranh quy hoạch. Từ đó có thể khẳng định rằng, việc xác định ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm tại Thông báo số 1483/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ là đúng quy định và thực tế”, ông Lập nói.

Từ căn cứ vào hồ sơ tài liệu và các bản đồ kèm theo quyết định phê duyệt mà cơ quan ban ngành cung cấp có đủ cơ sở xác định 5 khu phố thuộc 3 phường mà người dân khiếu nại nằm trong ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Do vậy, việc người dân 5 khu phố thuộc 3 phường khiếu nại nhà đất nằm ngoài ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm là không có cơ sở để giải quyết theo luật định.

Tuy nhiên, tại buổi đối thoại, hầu hết ý kiến của người dân bày tỏ sự không đồng tình. Các hộ dân cũng đề nghị tổ công tác chứng minh tính pháp lý của những bản đồ mà đơn vị dùng làm căn cứ để kết luận.

Ông Cao Thanh Ca phản đối dự thảo và khẳng định có nhiều tài liệu, giấy tờ để chứng minh nhà, đất tại 5 khu phố thuộc 3 phường của các hộ dân nằm ngoài Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhưng đã bị cưỡng chế, giải tỏa không đúng luật.

"Người dân đã chờ đợi quá lâu, bản thân tôi chờ đợi lúc 39 tuổi, giờ tôi đã 60 tuổi. Yêu cầu UBND TP HCM và Thanh tra Chính phủ làm rõ việc mất bản đồ", đại diện người dân nói.

Về vấn đề này, ông Vũ Anh Tú, Vụ phó Vụ Quy hoạch Kiến trúc, Bộ Xây dựng cho biết theo quy định pháp luật, hồ sơ quy hoạch phải được lưu trữ ở các bên, bao gồm cả Bộ Xây dựng. 

Về tính hợp lý của 13 bản vẽ mà nguyên Chủ tịch TP HCM lưu giữ, ông Tú cho biết theo quy định pháp luật, hồ sơ đồ án quy hoạch gồm 2 hình thức - hồ sơ báo cáo và hồ sơ kỹ thuật. Theo đó, hồ sơ mà vị nguyên Chủ tịch lưu giữ là hồ sơ báo cáo và là tài liệu dùng làm cơ sở để trình Thủ tướng phê duyệt.

Phát biểu cuối buổi đối thoại, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết mục tiêu của cuộc đối thoại này là cùng nhau đi tìm sự thống nhất. Tuy nhiên, phải nói là thống nhất về vấn đề gì, nếu thống nhất về vấn đề pháp lý thì rất khó. Bởi mỗi một đơn vị, cơ quan, địa phương, hay cá nhân người dân… đều có nhận thức về pháp lý khác nhau. Do vậy, phải cùng ngồi lại với nhau để đi tìm một hướng pháp lý nào đúng nhất, phù hợp nhất.

“Rất tiếc là trong buổi đối thoại ngày hôm nay, hai bên chưa tìm được tiếng nói chung, nhưng trong thời gian tới, sẽ phải rà soát lại ý kiến của hai bên rồi cần có một cơ quan để xử lý việc này. Ai cũng cho mình là đúng thì rất khó để tìm được tiếng nói chung”, ông Hoan nói và cho biết ghi nhận tất cả ý kiến của bà con, sẽ báo cáo với Thủ tướng./.

Nguyễn Lánh