Cụ thể, trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) bổ sung thêm điểm b, khoản 2, Điều 4 về Quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV: Người nhiễm HIV có các nghĩa vụ sau đây: Thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ, chồng; người có quan hệ tình dục hoặc người chuẩn bị kết hôn với mình biết theo quy định của pháp luật.

leftcenterrightdel
Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội trình bày báo cáo Thẩm tra Dự án Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)

Nhiều đại biểu đồng tình

Phát biểu về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: “Mở rộng đối tượng để tiếp cận được thông tin người bị nhiễm HIV/AIDS là vấn đề cực kỳ quan trọng mà luật hiện hành chưa quy định rõ ràng, cụ thể. Trong thời gian qua, phải nói rằng những người nhiễm HIV/AIDS có những người thân, thậm chí người thân trong gia đình, những người tiếp cận chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV/AIDS nhiều khi người ta cũng chưa biết người này bị nhiễm hay không hoặc những người thân cận của người này có bị nhiễm hay không”.

Đại biểu Phạm Văn Hòa phân tích thêm: “Cho nên việc tiếp cận được thông tin đối với người nhiễm HIV/AIDS của Điều 30 và những nội dung của khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, những đối tượng này được tiếp cận thì tôi cho hết sức cần thiết. Ví dụ như cha mẹ, vợ và người chuẩn bị đăng ký kết hôn, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, người chăm sóc trực tiếp về y tế cũng như những người tham gia tư vấn cho đối tượng này tôi nghĩ cần thiết phải biết”.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh góp ý: “Thực tiễn chỉ rõ những người dùng chung dụng cụ tiêm chích ma túy, dụng cụ bấm lỗ tai, dụng cụ xăm, thậm chí dùng chung dụng cụ y tế cũng có khả năng lây nhiễm cao. Để phòng tránh lây nhiễm, theo tôi tại điểm b khoản 2 Điều 4 của dự thảo cần được sửa đổi, bổ sung thêm đối tượng được thông báo là người có hành vi sử dụng chung dụng cụ có khả năng lây nhiễm HIV, cụ thể như sau: "điểm b. thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ, chồng, người có quan hệ tình dục, người có hành vi sử dụng chung dụng cụ khả năng lây nhiễm HIV hoặc người chuẩn bị kết hôn với người mình biết theo quy định của pháp luật".

leftcenterrightdel
Toàn cảnh phiên thảo luận. 

Đại biểu Cầm Thị Mẫn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa phân tích thêm: “Tại khoản 2 Điều 4 dự thảo luật quy định về nghĩa vụ của người nhiễm HIV, trong đó có nghĩa vụ thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ/chồng, người có quan hệ tình dục hoặc người chuẩn bị kết hôn với mình theo quy định của pháp luật. Theo quan điểm của tôi, việc sử dụng thuật ngữ “người có quan hệ tình dục với mình” có thể dẫn đến cách hiểu không chính xác, người nhiễm HIV chỉ có nghĩa vụ thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính đối với người đã có quan hệ tình dục với họ trong trường hợp họ đang chuẩn bị quan hệ tình dục với người khác, tức chưa có quan hệ tình dục thì họ sẽ không có nghĩa vụ này”.

“Do đó, nhằm đảm bảo việc áp dụng pháp luật được thống nhất, tránh tình trạng bỏ lọt hành vi cố ý lây truyền HIV từ người nhiễm HIV, theo tôi điểm b khoản 2 Điều 4 dự thảo luật cần được sửa đổi như sau: “thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ/chồng, người đang chuẩn bị hoặc đã có quan hệ tình dục với mình hoặc người chuẩn bị kết hôn với mình biết theo quy định của pháp luật” – đại biểu Cầm Thị Mẫn chia sẻ.

Có mở rộng quá?

Ở góc độ khác, đại biểu Triệu Thanh Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng cho rằng việc mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin là cần thiết nhưng mở rộng ra nhiều đối tượng như dự thảo luật đang trình Quốc hội tôi cho là quá rộng. Cụ thể là mở rộng đến cán bộ làm công tác giám sát dịch HIV/AIDS, giám định viên bảo hiểm y tế, cán bộ làm công tác công nghệ thông tin, cán bộ làm công tác tài chính, làm công tác kế hoạch của cơ sở khám, chữa bệnh. Điều này chắc chắn sẽ tác động đến tâm lý của người nhiễm HIV/AIDS, họ lo sợ bị lộ thông tin.

Đại biểu Triệu Thanh Dung dẫn chứng: “Trong báo cáo đánh giá tác động của Bộ Y tế, sau khi khảo sát ý kiến của 1.800 người nhiễm HIV vẫn còn 27,8% không đồng ý với quy định này. Vì vậy, tôi kiến nghị chọn giải pháp 2 trong Báo cáo đánh giá tác động số 1485 của Bộ Y tế là chỉ quy định cho phép một số cán bộ bảo hiểm y tế được quyền tiếp cận thông tin liên quan đến giám định hồ sơ bệnh nhân, để đảm bảo người nhiễm được khám, điều trị thuốc ARV thông qua Bảo hiểm y tế”.

Phát biểu tranh luận, đại biểu Nguyễn Mai Bộ - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang chia sẻ: “Tôi đồng tình với quy định của dự thảo, bởi lẽ khoản 2 của điều luật này quy định có mấy vấn đề sau đây: Thứ nhất, những người được tiếp cận là những người liên quan trực tiếp tới việc khám, chữa và điều trị cho người bị HIV; thứ hai là nội dung quy định ở đây bảo đảm được mục đích là tránh lây nhiễm cho chính những người này”.

“Vấn đề thứ ba, về thực tiễn thì chúng ta không quy định cho họ biết thì họ vẫn biết. Câu chuyện tiếp theo nữa, đó là chúng ta quy định thì mới quy được trách nhiệm cho họ. Khoản 6 của điều luật này đã quy định rất rõ là Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết trách nhiệm, quy trình tiếp cận thông tin HIV quy định tại khoản 1, khoản 2 điều này bảo đảm bí mật thông tin cho người bị nhiễm và trong hồ sơ đã có dự thảo nghị định và thông tư quy định rất chặt chẽ. Cho nên, tôi ủng hộ quy định tại Điều 30”.

Vũ Cảnh