Cụ thể, tại điểm i, khoản 2, Điều 2 Dự thảo Luật quy định: UBND cấp xã khu vực biên giới được ký kết Thỏa thuận quốc tế.
UBND cấp xã có có đủ năng lực?
Phát biểu tại phiên thảo luận về vấn đề này, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre bày tỏ một số lo ngại khi quy định đối tượng được ký Thỏa thuận quốc tế xuống đến cấp UBND xã: “Tôi đề nghị là chúng ta không nên giao cho cấp xã tiến hành ký kết các thỏa thuận quốc tế. Theo như báo cáo 10 năm chúng ta có 67 xã có thỏa thuận, tuy nhiên như ban đầu tôi đã nói là thỏa thuận quốc tế chúng ta không nên đơn giản hóa vấn đề này. Hai là năng lực của cấp xã, đặc biệt là các xã biên giới có thể nói rằng chưa đảm bảo tham gia sâu vào các thỏa thuận quốc tế”.
|
|
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phát biểu (ảnh chụp màn hình). |
“Thứ hai, xin báo cáo rằng đây là vấn đề liên quan đến chi phí, ngân sách, tài chính. Cấp xã không đủ năng lực tài chính để có thể tiến hành đứng ra làm việc này. Theo quan điểm của tôi nên giao cho cấp huyện ký kết các thỏa thuận quốc tế này và chỉ định 2 huyện giáp biên giới sẽ chỉ định xã nào để đứng ra thực hiện thì đảm bảo sự an toàn hơn. Thực tế, tôi thấy rằng cấp xã như chúng tôi đã từng đi cùng với Ủy ban Đối ngoại để khảo sát, giám sát thì cơ bản là ngoại giao nhân dân, những vấn đề về an sinh… nhưng nếu là những thỏa thuận quốc tế nghiêm túc, có liên quan đến vấn đề, kể cả công việc, các hoạt động, liên quan cả đến những vấn đề kinh tế, chính trị thì theo tôi nên để cho cấp huyện” – Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Riêng tỉnh Quảng Trị có 24 “cặp” kết nghĩa với Lào
Phát biểu tranh luận, đại biểu Hoàng Đức Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho biết: Có thể nói trong thực tiễn ở các địa phương cấp xã và ở 2 bên biên giới Việt - Lào, ở tỉnh Quảng Trị trong nhiều năm qua chúng tôi cũng đã xây dựng các mô hình kết nghĩa và đến nay trên địa bàn Quảng Trị và 2 tỉnh bạn Lào là Savanakhet và Xalavan đã có 24 cặp kết nghĩa. Như vậy, cấp còn dưới cấp xã, có những kết nghĩa với nhau rất hiệu quả. Trong thực tiễn đã hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế, tuần tra cột mốc, quản lý biên giới, hỗ trợ nhau trong cứu hộ, cứu nạn, trong giao lưu giữa 2 bên biên giới và tăng cường đoàn kết hữu nghị, không chỉ đoàn kết ngoại giao về Nhà nước, về Đảng mà còn thực hiện ngoại giao nhân dân rất có hiệu quả.
|
|
Đại biểu Hoàng Đức Thắng phát biểu (ảnh chụp màn hình). |
Đại biểu Hoàng Đức Thắng phân tích thêm: “Thực tế mà nói cấp xã là cấp trực tiếp nhất để gắn bó, đoàn kết và có thể có những quan hệ rất cụ thể với các địa phương ở dọc biên giới. Vấn đề còn lại ở đây là chúng ta có lo ngại là bây giờ giao cấp xã thì e rằng cấp xã không đủ lực lượng, không đủ thẩm quyền, không đủ điều kiện để thực hiện các thỏa thuận quốc tế, nói như vậy cũng chưa hoàn toàn là đúng. Vấn đề là nội dung đó như thế nào? Nó phù hợp với khả năng thực thi, thực hiện cam kết giữa các địa phương mới quan trọng…”.
Phải được Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý
Phát biểu giải trình Quốc hội về các ý kiến của đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận tại phiên làm việc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết: Dự thảo của Luật Thỏa thuận quốc tế lần này làm rõ hơn khái niệm về thỏa thuận quốc tế, đặc biệt là phân biệt giữa thỏa thuận quốc tế với các điều ước quốc tế, vì chúng ta có Luật Điều ước quốc tế thông qua vào năm 2016. Theo đó, làm rõ 2 khác biệt cơ bản, điều ước quốc tế đã được ký kết với danh nghĩa là Nhà nước hoặc Chính phủ, thay mặt quốc gia là chủ thể của luật pháp quốc tế.
|
|
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh (ảnh: Tư liệu). |
Còn thỏa thuận quốc tế thì được ký với danh nghĩa rộng hơn rất nhiều, như Điều 2 có nêu ra các chủ thể của thỏa thuận quốc tế, đó là từ Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, đoàn thể trung ương cho đến các cơ quan dưới Bộ, cơ quan chuyên môn của các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, trong này có nói rõ là Ủy ban nhân dân xã, thị trấn ở khu vực biên giới. Có nghĩa là bao gồm các đối tượng không phải là chủ thể của luật pháp quốc tế.
|
|
Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội chiều 22/10. |
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, trong thời gian vừa qua số lượng UBND cấp huyện trong cả nước ký kết, trong đó khoảng trên 874 văn bản, ở cấp xã là 157 xã ký kết.
Đây là thực tế thực hiện. Quan hệ với các nước láng giềng, nhất là khu vực biên giới là hết sức quan trọng. Điều này đã được quy định trong dự thảo này. Và cũng để đảm bảo chất lượng và cũng như quan tâm của các vị đại biểu Quốc hội là năng lực của các xã có khu vực biên giới ký thì trong dự thảo đã quy định rất rõ là các nội dung được ký kết thỏa thuận của các UBND xã ở khu vực biên giới. Đó là chỉ giới hạn trong một số nội dung như giao lưu, trao đổi thông tin, hợp tác quản lý biên giới theo điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký với các nước láng giềng.
Điểm thứ hai là thỏa thuận quốc tế được ký nhân danh UBND cấp xã ở khu vực biên giới này phải do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định, cho phép. Tức là thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm của UBND tỉnh, của các UBND xã ở khu vực biên giới phải có trách nhiệm đối với các thỏa thuận này. Quy định này khẳng định trách nhiệm của Chủ tịch trong quản lý hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh thì rất phù hợp với chủ trương và quy định của Đảng như Quy định 272, cũng như các quy định của pháp luật và Chính phủ sẽ cụ thể hóa nguyên tắc thống nhất quản lý đối ngoại với việc ký kết thỏa thuận quốc tế. Có nghĩa giao cho Chính phủ lập một số quy trình trong ký thỏa thuận quốc tế.
Là nhu cầu từ thực tiễn
Trước đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, từ thực tiễn nhu cầu ký kết các văn bản hợp tác quốc tế của UBND cấp huyện, UBND cấp xã, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu hợp tác quốc tế, dự thảo Luật quy định việc mở rộng chủ thể ký kết TTQT đến UBND cấp huyện.
|
|
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu. |
Đối với UBND cấp xã chỉ mở rộng đến UBND cấp xã ở khu vực biên giới; đồng thời để bảo đảm phù hợp với năng lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, dự thảo Luật giới hạn một số nội dung UBND cấp xã ở khu vực biên giới được ký như: về giao lưu, trao đổi thông tin, kết nghĩa, hợp tác quản lý biên giới phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên và quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định về việc ký kết TTQT đối với UBND cấp huyện và UBND cấp xã ở khu vực biên giới.