leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội chiều 7/1 (ảnh: VPQH cung cấp).

Việc chi trả hỗ trợ cho các đối tượng tham gia chống dịch chưa đầy đủ

Phát biểu thảo luận, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, việc ban hành kịp thời Nghị quyết 30 cùng những quyết sách quan trọng triển khai Nghị quyết này đã được cử tri và nhân dân đánh giá cao, tháo gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn, bất cập, đạt được nhiều kết quả thiết thực. 

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho biết, trong tình hình dịch bệnh nguy hiểm, các địa phương đã huy động toàn lực để thực hiện công tác xét nghiệm, tiêm vắc xin và các công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ vùng xanh, vùng an toàn. Tuy nhiên đến nay, việc chi hỗ trợ chưa thực hiện được, hoặc chi trả hỗ trợ cho các đối tượng tham gia chống dịch chưa đầy đủ. 

leftcenterrightdel
 Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu cho rằng, công tác phòng, chống dịch của nhiều tỉnh, thành phố đã có sự hỗ trợ của các đoàn công tác từ các địa phương, các bệnh viện trung ương tình nguyện đến vùng dịch để thực hiện công tác phòng, chống dịch. Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét bổ sung các nội dung liên quan vào Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ.

Ngoài ra, về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đại biểu cho rằng cần tuyên bố hết hiệu lực với các văn bản đã ban hành, ban hành các văn bản khác để giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong thời gian qua, cập nhật các nội dung mới phát sinh cũng như các vấn đề đã được dự báo trước đối với những diễn biến bất thường của dịch bệnh.

Gặp nhiều khó khăn về quy trình thành, quyết toán kinh phí

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) cho biết, hiện nay chưa có cơ chế để các địa phương, đơn vị đã ứng trước hàng hóa, thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị y tế của doanh nghiệp phục vụ cấp bách cho việc cứu dân.

Tuy nhiên, sau khi dịch được kiểm soát, các địa phương, cơ quan, đơn vị gặp nhiều khó khăn về quy trình, quy định thanh, quyết toán kinh phí. Các địa phương cũng không thể mua hàng hóa đã tạm ứng để trả lại cho doanh nghiệp; hoặc không có cơ chế thanh toán đặc biệt để hoàn tiền lại cho các doanh nghiệp.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu kiến nghị Quốc hội trên cơ sở quy định Nghị quyết 30 giao cho Chính phủ tiếp tục có cơ chế đặc biệt đặc cách về giá, chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền xác định và công bố giá hợp lý trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung hàng hóa và có cơ chế đặc biệt về chỉ định thầu, nhằm tháo gỡ những khó khăn lớn nhất cho các địa phương, doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân cũng kiến nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh số liệu thông tin báo cáo tổng kết Nghị quyết 30.

Cùng với đó, cần phân tích, làm rõ những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân, đặc biệt là trong công tác thanh, quyết toán công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, tổng kết thực tiễn để nâng các nội dung quy định Nghị quyết 30 lên thành luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong quá trình thực hiện xử lý các tình huống cấp bách có thể xảy ra trong tương lai…

Ngành Y tế đối mặt với vô vàn thách thức chưa từng có trong 3 năm qua

Báo cáo, giải trình thêm về các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ, trong 3 năm qua, ngành Y tế đối mặt với vô vàn thách thức chưa từng có, kể cả trong va sau đại dịch. Trong bối cảnh đó, với sự sáng suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 30/2021/QH15,  từ đó giúp cho ngành Y tế giải quyết những vấn đề phát sinh cả trong và sau dịch. 

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo, giải trình thêm về các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm (ảnh: VPQH cung cấp).

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, tiếp thu các ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ rà soát, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương để bổ sung thêm thông tin, số liệu, phân tích thêm các vướng mắc, bất cập và nguyên nhân về những vướng mắc hiện nay cũng như các vấn đề tồn đọng về các chế độ, chính sách.

Về nguyên nhân chưa hoàn thành thanh toán chi phí và các việc triển khai thực hiện trong thực tiễn, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, đây là lần đầu tiên có một đại dịch, số lượng người mắc cao, nhiều tình huống phát sinh khó dự đoán. Bên cạnh đó, các cơ quan vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, kể cả phác đồ điều trị cũng phải thay đổi liên tục, nhân lực làm chuyên môn y tế thiếu. Do đó, việc lập các giấy tờ, thủ tục hành chính gặp nhiều khó khăn.

Thời gian vừa qua, để tập trung giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đã rà soát và ban hành Thông tư, sửa đổi Thông tư 56 về những thủ tục giải quyết chế độ nghỉ việc để hưởng bảo hiểm xã hội. Đây là một trong những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn về mặt quy trình, thủ tục, thực tiễn để các địa phương triển khai thực hiện.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên làm việc của Quốc hội tại Hội trường Diên Hồng chiều 7/1 (ảnh: VPQH cung cấp).

Về việc tổng kết, đánh giá, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ngành Y tế đang phối hợp cùng với các bộ, ngành, địa phương để tổng kết 3 năm trong công tác phòng chống dịch để từ đó đánh giá những mặt làm được, những mặt chưa làm được, nguyên nhân, tồn tại và đặc biệt là những bài học kinh nghiệm cho thời gian tới. 

Liên quan đến việc giải quyết những vướng mắc trong gia hạn thuốc, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, vấn đề này sẽ được giải quyết trong Luật Dược (sửa đổi) dự kiến sẽ trình Quốc hội

Ngoài ra, tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng làm rõ thêm các vấn đề về hậu COVID-19; xử lý thuốc, vật tư y tế…

“Một lần nữa, thay mặt cho 500.000 cán bộ, nhân viên ngành y tế, chúng tôi xin trân trọng gửi lời cảm ơn, sự động viên, chia sẻ, khích lệ của các vị đại biểu Quốc hội và chúng tôi cũng thấy đây là một dịp để giúp cho ngành y tế, cho các đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành y tế cảm giác được động viên, khích lệ và sẽ quyết tâm hơn trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ của mình” – Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chia sẻ.

Vũ Cảnh