leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 7/1 (ảnh: VPQH cung cấp).

Quan tâm hơn nữa đến chất lượng và tính khả thi

Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) đánh giá cao nỗ lực Chính phủ trình Quốc hội Quy hoạch tổng thể quốc gia và khẳng định sự cần thiết ban hành càng sớm càng tốt, bởi nhiều quy hoạch cấp dưới đang chờ Quy hoạch tổng thể quốc gia. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng quan tâm hơn nữa đến chất lượng và tính khả thi của Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Về phương pháp lập quy hoạch, theo Tờ trình của Chính phủ, việc lập quy hoạch quốc gia là đúng với định hướng, đúng quy trình, đúng quy định; trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và địa phương lập quy hoạch và xin ý kiến của địa phương.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Về vấn đề này, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, việc lấy ý kiến của địa phương trong quá trình lập quy hoạch rất quan trọng nhưng chất lượng lấy ý kiến góp ý như thế nào trong điều kiện hiện nay mới có Bắc Giang và Hà Tĩnh đã lập quy hoạch cấp tỉnh. Bên cạnh đó, đại biểu Tạ Văn Hạ quan tâm đến vấn đề tích hợp các quy hoạch hay kết nối giữa các quy hoạch gặp khó khăn giữa các địa phương.

Đại biểu băn khoăn việc tích hợp giữa quy hoạch phát triển kinh tế xã hội với quy hoạch xây dựng. Trong khi ở nhiều nước trên thế giới tiến hành tách hai quy hoạch này, bởi một quy hoạch mang tính chất định hướng không gian và một quy hoạch tương đối cụ thể để thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.

Đại biểu Tạ Văn Hạ cũng đề nghị nghiên cứu khắc phục được tình trạng chồng chéo trong các quy hoạch, cần có kết nối giữa quy hoạch của Việt Nam và kết nối với khu vực và trên thế giới…

Cần đánh giá kỹ lưỡng thực trạng phát triển của nhiều lĩnh vực

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, điều kiện tự nhiên của đất nước ta là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, năng lực cạnh tranh, làm cơ sở cho xây dựng quy hoạch chung của đất nước.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu nhấn mạnh, việc đánh giá thực trạng phát triển trên các lĩnh vực là rất cần thiết, đặc biệt là về hàng lang kinh tế, trục kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm, qua đó có cơ sở đưa ra định hướng triển khai trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, hiệu quả của việc phát triển các vùng, ngành, lĩnh vực cụ thể như lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, tình trạng khai thác khoáng sản, tài nguyên dưới lòng đất, tác động lâu dài của các tài nguyên này ảnh hưởng ra sao khi đã khai thác triệt để, có ảnh hưởng đến môi trường thế nào, có tích lũy được tài nguyên cho các thế hệ sau hay không?

Về phát triển vùng, liên kết vùng, đại biểu cho rằng, cần đánh giá đầy đủ những bất cập chưa giải quyết được, để có định hướng toàn diện khắc phục. Theo đại biểu, liên kết vùng là vấn đề quan trọng, tuy nhiên đến nay liên kết còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ, cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn, triệt để hơn, căn cơ hơn để phát huy hiệu quả. 

Về kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đại biểu đề nghị cần có đánh giá chuẩn xác hơn đến năm 2050 để đảm bảo diện tích rừng hiện hữu và trồng mới đạt được yêu cầu, bảo vệ an ninh lương thực quốc gia, đảm bảo sử dụng đất có hiệu quả cao, tăng giá trị kinh tế của đất…

Lưu ý về phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ

Phát biểu thảo luận, đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) cơ bản tán thành với dự thảo Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Góp ý về các vấn đề chung của Dự thảo, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sử dụng hoặc tích hợp một cách phù hợp các cụm từ, nội dung định hướng, cũng như các nhiệm vụ, giải pháp trong các Chiến lược quốc gia về phát triển các ngành, lĩnh vực đến năm 2030 đã được Chính phủ ban hành trong thời gian qua vào trong Dự thảo Quy hoạch tổng thể này.

Về vấn đề Khoa học và công nghệ, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, bổ sung thêm nội dung về “Phát triển và khai thác có hiệu quả hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Hoàn thiện, phát triển Mạng lưới quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia;”.

Cùng với đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm hai công nghệ ưu tiên có khả năng ứng dụng cao là công nghệ vũ trụ và công nghệ vật liệu mới một cách phù hợp vào nội dung Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch về khoa học công nghệ tại khoản 3 Mục XV trang 34 Dự thảo Quy hoạch.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 7/1 (ảnh: VPQH cung cấp).

Về phát triển nguồn nhân lực, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm nội dung về “Phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có trình độ và năng lực sáng tạo cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư và hội nhập quốc tế, gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam” một cách phù hợp vào nội dung Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch về phát triển nguồn nhân lực tại khoản 4 Mục XV trang 35.

Cần định lượng cụ thể một số mục tiêu

Góp ý về dự thảo Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho biết, trong dự thảo Nghị quyết nêu các mục tiêu phấn đấu đạt cao như: dịch vụ xã hội chất lượng cao hơn, tốc độ phát triển cao, tính kết nối cao, khả năng cạnh tranh quốc tế cao. Đại biểu cho rằng, đây là những mục tiêu chưa định lượng sẽ khó chọn được giải pháp để thực hiện. 

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) phát biểu góp ý (ảnh: VPQH cung cấp).

Trong dự thảo Nghị quyết nêu giai đoạn 2031-2050 phấn đấu chỉ số phát triển con người ở mức rất cao và có chú thích rõ là chỉ số HDI từ 0,8 trở lên. Đây là mục tiêu có định lượng giúp chúng ta có kế hoạch đạt được tiêu chí của chỉ số này. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần rà soát lại để định lượng các mục tiêu, bởi nếu chúng ta đã có những con số rõ ràng sẽ có phương án phù hợp; định lượng mục tiêu giúp dễ dàng đánh giá được mức độ hoàn thành các mục tiêu ở các mốc thời gian. 

Khẳng định văn hóa phải đặt ngang tầm với kinh tế nhưng hiện Việt Nam chưa có đủ đội ngũ các nhà văn hóa để phát triển văn hóa, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nhấn mạnh trong thiết chế văn hóa, con người hoạt động văn hóa phải được đưa lên hàng đầu, khi đó các hoạt động văn hóa mới không hình thức… Vì vậy, theo đại biểu, trong Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng cần có nội dung phát triển đội ngũ các nhà văn hóa trong giai đoạn mới…

Vũ Cảnh