Để có cái nhìn rõ nét hơn về công tác này của ngành KSND, Phóng viên (PV) Báo Bảo vệ pháp luật đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành KSND.
|
|
Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Kiểm sát nhân dân. Ảnh: Trần Tùng |
PV: Đồng chí có thể cho biết về một số kết quả đạt được của công tác bình đẳng giới, nhất là việc triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới của ngành KSND trong thời gian qua?
Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Xác định công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ là một nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước nói chung, của ngành KSND nói riêng, năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tối cao đã chỉ đạo triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới bằng nhiều hoạt động phong phú, thiết thực gắn với chính sách cán bộ và công tác xây dựng pháp luật.
Cụ thể, VKSND tối cao phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong cơ quan như: Đảng ủy, Công đoàn, Ban Nữ công tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước và văn bản liên ngành liên quan đến Luật Bình đẳng giới và các văn bản hướng dẫn thi hành như: Ban hành chương trình hoạt động của Ban vì sự tiến bộ phụ nữ ngành KSND, yêu cầu tiếp tục quán triệt và đẩy mạnh thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 4/4/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường lãnh đạo trong công tác vì sự tiến bộ phụ nữ của VKSND; Chương trình phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025; Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030…
Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến được thông qua hoạt động của Báo Bảo vệ pháp luật, Trang tin điện tử của các đơn vị, VKSND các cấp, cùng với việc lồng ghép trong văn bản hướng dẫn của lãnh đạo VKSND tối cao về công tác của Ngành liên quan đến bình đẳng giới và vì tiến bộ phụ nữ, nhất là các văn bản, quy định, hướng dẫn về công tác tổ chức, cán bộ đã mang lại kết quả cao, chất lượng công tác bình đẳng giới trong ngành KSND ngày càng được quan tâm.
Tổng cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các đơn vị, VKSND các cấp hiện có 624 người, chiếm tỉ lệ 15,9%/tổng số cán bộ có chức vụ lãnh đạo, quản lý toàn Ngành, trong đó có 1 Phó Viện trưởng VKSND tối cao. Tổng số cán bộ nữ có chức danh tư pháp của các đơn vị, VKSND các cấp hiện là 4.024 người, chiếm tỉ lệ 31,51%/tổng số cán bộ có chức danh tư pháp toàn Ngành. Trình độ chuyên môn của cán bộ, lãnh đạo quản lý nữ ngày một nâng cao, trong đó có 1 Phó Giáo sư, 3 tiến sĩ.
|
Ngoài ra, đối với việc thực hiện lồng ghép vấn đề về bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các văn bản quy phạm pháp luật năm 2021 và 6 tháng năm 2022, VKSND tối cao đã phối hợp xây dựng và nghiên cứu góp ý văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành chủ trì xây dựng có liên quan đến bình đẳng giới. Quá trình tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tối cao đều lưu ý đến nguyên tắc bình đẳng giới trong các quy định pháp luật đó, bảo đảm tuân thủ đúng Điều 26 Hiến pháp 2013 và Luật Bình đẳng giới.
Cụ thể: Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch số 08/2021/TTLT-BQP-BCA-VKSNDTC. Trong đó, Điều 9 Thông tư liên tịch này đã quy định về bảo đảm quyền của phụ nữ trong quá trình thực hiện chế độ quản lý người bị tạm giữ, tạm giam.
Phối hợp với TAND tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch số 01/2022/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BLĐTBXH ngày 18/2/2022 quy định về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Quá trình xây dựng văn bản pháp luật luôn tuân thủ đúng quy định về trình tự, thủ tục lồng ghép vấn đề bình đẳng giới theo Luật Bình đẳng giới và các văn bản hướng dẫn.
Bên cạnh đó, trong năm 2021, phối hợp với Chương trình Aus4Skill xây dựng, phát hành cuốn sách “Giải đáp vướng mắc trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc xâm hại phụ nữ, trẻ em”; phối hợp với Dự án UNDOC xây dựng, phát hành cuốn “Sổ tay Kiểm sát viên giải quyết vụ án xâm hại tình dục trẻ em”…, mặc dù không phải là các văn bản pháp luật, nhưng giúp Kiểm sát viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, thực hiện tốt hơn nguyên tắc bình đẳng giới.
Ngoài ra, việc bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em trong hoạt động tố tụng thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của VKSND trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định.
Trước tình hình tội phạm liên quan đến bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái diễn biến phức tạp, trong năm 2021 và 10 tháng năm 2022, VKSND cùng với các cơ quan tiến hành tố tụng đã tích cực, chủ động phối hợp kịp thời, chặt chẽ ngay từ khi thụ lý, phát hiện tố giác, tin báo tội phạm cho đến khi khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hết sức nghiêm minh, phục vụ tích cực, hiệu quả cho công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm này. Theo đó, VKSND tối cao và VKS các cấp đã tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết các vụ án hình sự loại tội phạm liên quan đến lĩnh vực này; kiểm sát chặt chẽ 100% tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố vụ án về bạo lực giới; phối hợp với Cơ quan điều tra, TAND các cấp đẩy nhanh tiến độ điều tra, giải quyết, lựa chọn xác định nhiều vụ án trọng điểm kịp thời đưa ra xét xử để tuyên truyền, giáo dục, áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc bảo đảm sức răn đe và phòng ngừa chung…
|
|
Trao đổi công việc. Ảnh: Trương Thị Hương Giang |
PV: Cùng với việc triển khai, thực hiện Luật Bình đẳng giới, được biết, ngành KSND cũng đã thực hiện tốt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Đồng chí có thể chia sẻ một số kết quả mà ngành KSND đã đạt được?
Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Có thể nói, những năm qua, VKSND tối cao đã nghiêm túc quán triệt, triển khai Nghị quyết 28/NQ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ về “Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030” trong toàn ngành KSND. Kết quả về mục tiêu trong lĩnh vực chính trị đạt được các chỉ tiêu cụ thể như sau: Đến 2025 đạt 60% và đến 2030 đạt 75% các đơn vị, VKSND các cấp trong ngành KSND có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Về chỉ tiêu giáo dục đào tạo: tỉ lệ nữ công chức, viên chức là thạc sĩ trong tổng số công chức, viên chức có trình độ thạc sĩ của các đơn vị, VKSND các cấp đạt không dưới 50%, từ năm 2025 trở đi. Phấn đấu tỉ lệ nữ tiến sĩ trong tổng số người có trình độ tiến sĩ đạt 30% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030.
Đối với công tác bảo đảm thực hiện các quy định về bình đẳng giới trong công tác tổ chức cán bộ. Có thể thấy, Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tối cao tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về cơ cấu cán bộ nữ quy hoạch vào chức danh lãnh đạo quản lý trong Ngành, phấn đấu đạt tỉ lệ 30% cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý VKSND các cấp; theo đó, những đơn vị có tỉ lệ nữ là cán bộ chiếm từ 30% tổng số biên chế trở lên thì phải lựa chọn đề nghị lãnh đạo VKSND tối cao bổ nhiệm ít nhất 1 đồng chí cán bộ nữ làm lãnh đạo của đơn vị…
Đặc biệt, ngày 30/3/2022, Ban cán sự đảng VKSND tối cao đã ban hành Nghị quyết số 40/NQ-BCSĐ về một số chủ trương công tác cán bộ, trong đó khẳng định rõ chủ trương đánh giá toàn diện nguồn cán bộ để rà soát, bổ sung quy hoạch phấn đấu tỉ lệ nữ phù hợp, nhất là cán bộ nữ có năng lực, tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm cao để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng gắn với công tác quy hoạch; quan tâm cụ thể hóa chế độ hỗ trợ, chính sách khuyến khích, tạo môi trường công tác để cán bộ nữ phát triển nhằm nâng cao tỉ lệ số lượng cán bộ nữ phù hợp với tổng số cán bộ nữ trong ngành KSND hiện nay.
Trên cơ sở đó, lãnh đạo VKSND tối cao luôn bảo đảm cho công chức được bình đẳng, phân công việc phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn, tạo điều kiện cho công chức nữ được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, học tập cũng như bảo đảm cho công chức nữ được hưởng đầy đủ chính sách phúc lợi như: chế độ thai sản, chế độ nuôi con nhỏ, chế độ ốm đau…
Một số cán bộ, công chức, viên chức nữ VKSND tối cao có học vị cao được phân công hoặc mời tham gia các đề tài khoa học cấp bộ, các đề án, dự án lớn trong nước và quốc tế trong lĩnh vực pháp luật tố tụng, hình sự, dân sự, hành chính, lao động, kinh doanh, thương mại, phá sản doanh nghiệp, tương trợ tư pháp…
Với sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, lãnh đạo đơn vị, VKSND các cấp nên việc triển khai các văn bản, hướng dẫn liên quan đến Luật Bình đẳng giới kịp thời. Do vậy, nhận thức của cán bộ, công chức về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ đã được nâng lên, nhất là nhận thức, sự tự tin của chính bản thân cán bộ nữ; việc quy hoạch tạo nguồn, bố trí sử dụng, bổ nhiệm cán bộ nữ ngày càng được quan tâm, chú trọng, tỉ lệ cán bộ nữ của các đơn vị, VKSND các cấp giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, chức danh tư pháp ngày được nâng lên.
PV: Đồng chí có thể cho biết, cần những giải pháp gì để Luật Bình đẳng giới, công tác bình đẳng giới nói chung được thực hiện hiệu quả hơn? Và với ngành KSND có những giải pháp nào để cán bộ nữ phát huy được năng lực, vai trò của mình?
Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Để Luật Bình đẳng giới được thực thi hiệu quả, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật và các quy định liên quan đến cơ chế bảo đảm thi hành cho phù hợp thực tiễn.
Theo đó, tiếp tục rà soát văn bản pháp lý, bổ sung các quy định còn thiếu, sửa đổi những quy định bất cập, mâu thuẫn trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ khó khăn trong quá trình thi hành pháp luật, ứng phó bạo lực giới một cách tổng thể, trên cơ sở sửa một luật thì cần rà soát các luật liên quan.
Nghiên cứu mô hình quản lý nhà nước để gắn kết chặt chẽ hoạt động của các lĩnh vực dân số, gia đình, trẻ em, bình đẳng giới và chống bạo lực giới; cần có quy định rõ ràng về trách nhiệm để xảy ra tình trạng bạo lực giới kéo dài dẫn đến tình trạng bạo lực giới gia tăng hoặc xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, thúc đẩy truyền thông sáng tạo nhằm thay đổi những quan niệm cứng nhắc về giá trị và vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại.
Đối với ngành KSND, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của VKSND các cấp về công tác cán bộ, đào tạo, quy hoạch cán bộ nữ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để các cấp ủy và lãnh đạo đơn vị, các đoàn thể và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc ngành Kiểm sát có nhận thức đúng đắn về vai trò của đội ngũ nữ cán bộ, công chức, viên chức; từ đó, xác định rõ trách nhiệm, quan tâm, tạo điều kiện để nữ cán bộ, công chức, viên chức có tiếng nói và cơ hội tham gia vào mọi hoạt động của Ngành.
Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ nữ. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng sát với thực tiễn và yêu cầu công việc, trong đó phải cụ thể hóa các tỉ lệ nữ cán bộ, công chức, viên chức tương xứng. Hàng năm, có thể mở các lớp riêng đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức nữ.
Thực hiện tốt khâu tuyển chọn, đánh giá cán bộ nữ làm tiền đề xây dựng quy hoạch cán bộ nữ. Trong rà soát, phân loại cần có sự phân tách về giới để có những đánh giá riêng, qua đó đề ra các biện pháp thích hợp để đạt được các chỉ tiêu về giới theo xu hướng tăng tỉ lệ công chức, viên chức nữ ở tất cả các lĩnh vực, vị trí công tác, đặc biệt là các vị trí chủ chốt.
Nghiên cứu xây dựng một số chính sách khuyến khích đối với cán bộ, công chức, viên chức nữ thuộc Ngành. Thông qua việc nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách sẽ là cơ hội tốt để phụ nữ khẳng định vị trí, phát huy vai trò của mình, đồng thời góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp đối với công tác cán bộ nữ.
Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, vai trò của các tổ chức đoàn thể, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và vai trò của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp. Những vấn đề liên quan đến cán bộ nữ phải có ý kiến đóng góp trước hết của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ. Các cấp ủy phải coi công tác xây dựng và quy hoạch đội ngũ cán bộ nữ là nhiệm vụ chính trị của mình. Người đứng đầu phải chủ động quan tâm và tạo mọi điều kiện để đội ngũ cán bộ, công chức nữ phát huy được vai trò, vị thế của mình; phải coi những tiến bộ của phụ nữ như là một tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị, của người đứng đầu.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và thông tin về các hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành KSND.
Đôn đốc các đơn vị trong ngành KSND thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND cần thường xuyên quan tâm, chú trọng, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, gia đình, trẻ em gái và vì sự tiến bộ của phụ nữ với công tác nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thể chế, tuyên truyền và phổ biến pháp luật…
Bên cạnh đó, tiếp tục tham mưu, đề xuất với Viện trưởng VKSND tối cao các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; vị trí, vai trò của công chức, viên chức nữ có phẩm chất, năng lực vào quy hoạch giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của các đơn vị trong ngành KSND…
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!