leftcenterrightdel
 Đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu  tại hội nghị.

Đến dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cùng hơn 600 đại biểu đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí...

Hội nghị đã nghe báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2019, phương hướng nhiệm vụ, giải pháp năm 2020, theo đó khẳng định: Năm 2019 là năm có nhiều dấu ấn quan trọng trong công tác chỉ đạo, quản lý và hoạt động báo chí. 

Báo chí đã phản ánh đậm nét, trung thực, kịp thời những diễn biến quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước; tích cực tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, thành tựu đổi mới của Việt Nam đến bạn bè quốc tế; tuyên truyền chủ quyền biển, đảo; chủ động tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã làm được, báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm của nhiều cơ quan báo chí. Đó là việc còn tồn tại thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, chưa phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân; thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích được quy định trong giấy phép, tập trung chủ yếu ở tạp chí điện tử thuộc tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội.

Cùng đó, thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân vẫn chiếm tỷ lệ cao trong các hành vi vi phạm của báo chí. Sở dĩ khuyết điểm này vẫn còn cao là do sự buông lỏng trách nhiệm của người đứng đầu; do quy trình kiểm định nội dung thông tin và công tác biên tập, duyệt đăng tải tin, bài chưa chặt chẽ.

leftcenterrightdel
 Hơn 600 đại biểu tham dự Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.

Tình trạng cơ quan báo chí đưa tin, bài thiếu thận trọng, nhạy cảm về chính trị, chưa chấp hành nghiêm chỉ đạo về thông tin, đưa quá nhiều thông tin liên quan đến vấn đề tiêu cực, mặt trái của xã hội; tình trạng giật tít câu khách, câu “view,” gây hiểu nhầm, trái với nội dung bài viết, giật tít phản cảm, thiếu chính xác, thiếu tính giáo dục... vẫn xảy ra, mặc dù đã được các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí nhắc nhở, định hướng thường xuyên, liên tục.

Với tinh thần dân chủ, nghiêm túc, trách nhiệm, Hội nghị dành nhiều thời gian để nghe đại biểu tham luận, thảo luận, trao đổi về các vấn đề cần quan tâm trong công tác báo chí cũng như đời sống báo chí - truyền thông, nhất là trong thời điểm Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 và sơ kết 3 năm thực hiện Luật Báo chí năm 2016.

  

Trong năm 2019, các cơ quan quản lý nhà nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 29 cơ quan báo chí với tổng số tiền là 675,1 triệu đồng, trong đó 6 trường hợp lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử và 23 trường hợp báo, tạp chí in, điện tử. Các hành vi bị xử phạt chủ yếu là hành vi thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng.

Cơ quan quản lý nhà nước cũng đã ban hành các Quyết định thu hồi Thẻ nhà báo đối với 3 trường hợp do có sai phạm và bị xử lý kỷ luật; các cơ quan báo chí đã nộp lại 19 thẻ nhà báo do các trường hợp này nghỉ hưu theo chế độ, chuyển công tác hoặc nghỉ việc.

Thực hiện quy hoạch báo chí, trong 11 tháng đầu năm 2019 cả nước đã giảm 18 cơ quan báo chí so với năm 2018. Tính đến ngày 30/11/2019, có 850 cơ quan báo chí, trong đó có 179 cơ quan báo, 648 tạp chí, 23 cơ quan báo chí điện tử độc lập; có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh truyền hình với 2 đài quốc gia, 64 đài địa phương, 5 kênh truyền hình.

Cả nước hiện có trên 41.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí ở cả 4 loại hình, trong đó có 20.407 trường hợp đã được cấp thẻ nhà báo.

Hoàng Hưng