leftcenterrightdel
 Hội thảo góp ý kiến của Liên đoàn luật sư Việt Nam vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tham dự hội thảo có đại diện Ban Dân chủ pháp luật, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cùng các Luật sư.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến nhân dân gồm 236 điều, được cơ cấu trong 16 chương. Theo yêu cầu lấy ý kiến nhân dân thì có thể tham gia đóng góp ý kiến vào toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tại cuộc hội thảo, các đại biểu, các luật sư tập trung vào 9 nhóm vấn đề chính. Đó là,  về người sử dụng đất là hộ gia đình; Các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; Các trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; Các trường hợp Nhà nước cho thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê; Các trường hợp thỏa thuận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư; Các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm; Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.

Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi),  luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ nhiệm cơ quan truyền thông Liên đoàn Luật sư VN cho rằng: Điều 78 dự thảo Luật đã quy định cụ thể các tiêu chí, điều kiện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng cùng các trường hợp Nhà nước thu hồi đất, bao gồm: Dự án công trình đầu tư công hoặc dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; dự án do Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án công trình công cộng không nhằm mục đích kinh doanh; dự án do Nhà nước đầu tư để tạo quỹ đất; dự án xây dựng trụ sở làm việc của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; Dự án công trình để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, trong đó có trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại.

Các tiêu chí, điều kiện thu hồi đất hầu hết đều nhằm mục đích phát triển như: Tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, khu dân cư bị ô nhiễm môi trường, có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi thiên tai có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của người dân;...

Luật sư Nguyễn Văn Hậu đề nghị bổ sung quy định đối với trường hợp thu hồi đất xây dựng hạ tầng cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu tập trung người lao động; cần thể hiện rõ điều kiện bao gồm xây dựng cả vật chất và tinh thần, không chỉ có quy định xây nhà vì hiện nay đời sống tinh thần của người lao động ở các khu vực nói trên hầu hết đang rất hạn chế.

“Liên quan đến quy trình bồi thường, cần có sự tham gia của người bị thu hồi đất ngay từ giai đoạn ban đầu trong quá trình xây dựng phương án bồi thường. Trong trường hợp tỷ lệ người dân không đồng tình cao (chẳng hạn từ 10% trở lên) thì phải giải trình, thay đổi phương án như thế nào, dự luật cũng cần có quy định cụ thể, để đảm bảo tính dữ liệu của pháp luật khi có tình huống phát sinh trong thực tiễn”, Luật sư Hậu nhấn mạnh.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC cho rằng, dự thảo Luật không quy định rõ ràng, minh định, thống nhất quyền nói chung, quyền chuyển nhượng và thế chấp nói riêng (trong đó có chuyển nhượng và thế chấp quyền sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm) của người sử dụng đất. Có 16 điều của dự thảo Luật nhắc đến việc thế chấp quyền sử dụng đất, trong đó có 3 điều không được thế chấp (các Điều 193, 199 và 200). Trong tổng số 16 điều này thì việc sử dụng từ ngữ không thống nhất là thế chấp “quyền” hay “bằng quyền”, cụ thể như sau: 3 lần quy định thế chấp “quyền sử dụng đất” (các Điều 29, 40 và 49); 11 lần quy định thế chấp “bằng quyền sử dụng đất” (các Điều 28, 31, 34, 35, 42, 44, 134, 178, 193, 199 và 200); 2 lần còn lại không chỉ rõ là thế chấp “quyền sử dụng đất” hay “bằng quyền sử dụng đất” (các Điều 30 và 168).

Trong đó, liên quan đến quy định tại khoản 8, Điều 24 của dự thảo Luật về nhóm quyền quan trọng của công dân đối với đất đai, cụ thể như sau:

“Nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất; mua, bán, nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp là giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật”.

Luật sư Đức cho rằng, dự luật viết như vậy dẫn đến không phân biệt được người sử dụng đất nói chung, công dân nói riêng có những quyền gì. Chỉ riêng 2 điều khoản trên thì cộng lại (theo cách phân chia chi tiết quyền) đã thấy, cá nhân có ít nhất 14 quyền và vẫn chưa đủ. Ví dụ ở trên có 2 quyền là “chuyển nhượng” và “nhận chuyển nhượng”, nhưng lại chỉ có quyền “thế chấp” mà không có quyền “nhận thế chấp”.

Luật sư Nguyễn Hoàng Nhật Thi, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH T&P đề xuất bổ sung một quy định tại Điều 78 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về việc một dự án được nêu tên tại khoản 2 và 3 của Điều 78 cần đáp ứng tiêu chí có ít nhất 70-80% diện tích sử dụng đất của dự án hoặc ít nhất 70-80% các công trình của dự án theo đúng loại hình dự án được nêu tên thì sẽ được áp dụng Nhà nước thu hồi đất.

Bên cạnh đó, Luật sư Thi cho rằng, cần cân nhắc bổ sung trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) một số trường hợp được Nhà nước thu hồi đất đã được quy định tại Luật Đất đai 2013 gồm: các dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật như giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc; hệ thống dẫn, chứa xăng dầu, khí đốt; kho dự trữ quốc gia. Đồng thời, cần cân nhắc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án đô thị có quy mô lớn không phân biệt chỉ sử dụng các loại đất không phải là đất ở.

Luật sư Đặng Thị Ngọc Hạnh, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế đã đóng góp ý kiến về quyền tiếp cận thông tin về đất đai tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, Luật Tiếp cận thông tin (TCTT) năm 2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018 đã quy định việc thực hiện quyền TCTT của công dân, nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền TCTT, trách nhiệm và nghĩa vụ của cơ quan Nhà nước trong việc bảo đảm quyền TCTT của công dân. Như vậy, quyền TCTT là quyền của mọi công dân được tiếp cận những thông tin đã được ban hành và lưu trữ tại các cơ quan tổ chức, tổ chức công quyền, trong đó kể cả các thông tin về đất đai. Về vấn đề này, tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chỉ mới nêu những điều luật cơ bản mà tính khả thi rất khó thực hiện khi phần lớn các tranh chấp đất đai hầu hết xuất phát từ việc thiếu minh bạch, thiếu công khai thông tin về đất.

“Do đó, khi xây dựng Luật cần làm rõ hơn những thông tin về đất đai là những thông tin loại gì? Hiệu lực pháp lý của các loại thông tin này theo thứ tự ưu tiên như thế nào? Thời hạn hiệu lực của thông tin đã được công bố hoặc công khai”, Luật sư Hạnh chia sẻ.

Những ý kiến đóng góp của các luật sư vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được tổng hợp gửi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo Kế hoạch số 676/KH-MTTW-BTT ngày 1/2/2023.

Hoài Thu