Mỗi nơi áp dụng một kiểu

 Tính đến thời điểm này, tỉnh Điện Biên là một trong số rất ít địa phương trên cả nước vẫn còn duy trì lập chốt kiểm soát dịch tại cửa ngõ ra vào. Đây là cách phòng, chống dịch mà không ít chuyên gia đã lên tiếng cho rằng, thiếu khoa học, gây ùn tắc giao thông mà tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Phản ánh bức xúc đến Báo Bảo vệ pháp luật, một số lái xe khách khi vào tỉnh Điện Biên cho biết rạng sáng nay 18/1, họ phải “chôn chân” từ 4-8 tiếng đồng hồ tại Trạm khai báo y tế trên đỉnh đèo Pha Đin (tiếp giáp giữa 2 tỉnh Điện Biên và Sơn La).

Người dân cho biết, xe khách của họ phải nhích từng mét đợi đến lượt. Hành khách chen chúc không đảm bảo giãn cách khi xuống khai báo y tế, test nhanh COVID-19.

leftcenterrightdel
 Điện Biên vẫn áp dụng dựng chốt kiểm soát dịch khiến các phương tiện ùn tắc tại cửa ngõ vào tỉnh này. Ảnh: Văn Thành Chương

Một lái xe khách bức xúc cho biết: “Xe tôi đến trạm khai báo y tế lúc 3h sáng mà 8h sáng nay mới qua được chốt. Cuối năm công việc bận rộn, người, phương tiện, hàng hóa lưu thông dày đặc, tranh thủ từng giờ, từng phút mà kiểm soát dịch thế này thì quá gây phiền toái, làm khổ người dân và doanh nghiệp. Chưa kể xe phải dừng giữa đỉnh đèo, sương mù dày đặc rất nguy hiểm...”.

Khi Tết Nguyên đán đang đến gần, nhu cầu chính đáng của dân về quê ăn Tết, giao thương hàng hóa ngày một tăng cao nhưng mỗi địa phương lại áp dụng những quy định chống dịch khác nhau.

Trong khi nhiều tỉnh, thành cởi mở, thích ứng an toàn bằng việc nới lỏng, chào đón người dân về quê sum vầy đón Tết, người dân khai báo y tế, đảm bảo 5K, khuyến khích thông thương hàng hóa, mọi hoạt động diễn ra bình thường trong tình hình mới… thì có địa phương yêu cầu xét nghiệm (test nhanh, PCR), cách ly y tế làm khó cho người dân trong việc quyết định có về quê ăn Tết hay không.

Lập chỗ kiểm soát dịch, bắt người dân phải xếp hàng, chờ đợi khai báo y tế, xét nghiệm là làm sai chủ trương của Chính phủ

Để đảm bảo việc vui xuân đón Tết an toàn, Bộ Y tế đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo những nội dung về tăng cường phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian nghỉ Tết Âm lịch.

Trong đó, đề nghị xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch.

Đồng thời, Bộ Y tế nhấn mạnh việc sinh hoạt, đi lại, giao thương của người dân trong thời gian nghỉ Tết Âm lịch tuân thủ đúng và đầy đủ quy định 5K. Như vậy, Bộ Y tế không nêu các điều kiện về việc xét nghiệm, cách ly với người về quê ăn Tết.

Ngày 17/1, Bộ Y tế có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành về việc chấn chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch không phù hợp. Công văn của Bộ Y tế nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 242 ngày 11/1 của Văn phòng Chính phủ về việc chấn chỉnh một số sự việc báo chí phản ánh, người dân phản ánh một số địa phương áp dụng biện pháp quản lý, cách ly chưa phù hợp...

Hiện tại, việc đi lại, thông thương, học hành... đều đang áp dụng Nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn 4800 của Bộ Y tế, trong đó quy định chỉ cách ly với người đến từ khu vực đang cách ly y tế hoặc vùng đỏ. Tuy nhiên, cách làm của các địa phương hiện nay lại "mỗi nơi một phách", gây khó khăn cho người dân và cũng không có tác dụng chống dịch rõ ràng.

Mới đây, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp dịch bệnh đã kêu gọi các địa phương tạo điều kiện để người dân về quê đón Tết trong thời điểm Việt Nam đã chấp nhận ngừng chiến lược “Zero COVID”, chấp nhận có người nhiễm trong cộng đồng.

Nghị quyết 128 của Chính phủ nêu rõ: “Các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của đất nước; đảm bảo người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; nhưng không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất”.

Nghị quyết 128 đã nêu rõ như vậy nhưng nhiều địa phương đang cố tình không hiểu hay năng lực yếu kém của lãnh đạo địa phương khiến họ áp dụng cách phòng, chống dịch một cách máy móc, cực đoan, cơ học mà thiếu khoa học?.

Đến đây câu hỏi được đặt ra, lý do gì nhiều địa phương lại đang áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đi ngược tinh thần chỉ đạo của Trung ương.

Ngày 18/1, trao đổi với phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, ông Phạm Giang Nam, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên khẳng định: “Việc địa phương lập chốt kiểm soát dịch COVID-19 để khai báo y tế không trái với Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Đối với những trường hợp từ vùng có nguy cơ, nghi ngờ, địa phương sẽ tiến hành xét nghiệm cho các đối tượng này”.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên Phạm Giang Nam lý giải về việc phải lập chốt khai báo y tế bởi việc ngăn chặn, phát hiện được một ca nhiễm COVID-19 tại trạm khai báo y tế sẽ giúp cho một bản làng, một xã phòng chống được dịch. Nếu không địa phương sẽ phải bỏ tiền ra xét nghiệm cả bản, cả xã.

Trả lời câu hỏi của phóng viên vì lý do gì hiện nay Điện Biên nằm trong số ít địa phương còn duy trì chốt kiểm soát dịch gây ùn tắc giao thông, cách làm thiếu khoa học, ông Phạm Giang Nam cho biết: “Về việc này, tôi sẽ xin ý kiến của lãnh đạo tỉnh”.

Người đứng đầu ngành Y tế tỉnh Điện Biên khẳng định: “Chúng tôi không ngăn sông cấm chợ, người dân vẫn vào Điện Biên bình thường khi đã xét nghiệm xong có kết quả âm tính, trường hợp F0 thì cho đi điều trị”.

Về việc các phương tiện ùn tắc tại Trạm khai báo y tế khi qua đèo Pha Đin, ông Phạm Giang Nam cho biết, sẽ cho kiểm tra lại. Trước đó, trong buổi họp rút kinh nghiệm, tỉnh đã triển khai quét mã QR chứ không khai báo y tế trên giấy nữa. "Chúng tôi chia làm hai điểm, một điểm xe ca, xe tải và xe con"- ông Nam nói.

Phóng viên cũng nhiều lần liên hệ qua điện thoại để làm rõ những nội dung trên nhưng ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên không phản hồi. 

leftcenterrightdel
Ùn tắc nhiều giờ tại chốt kiểm soát dịch trên đỉnh đèo Pha Đin vào tỉnh Điện Biên. Video Bạn đọc cung cấp. 

Mới đây, ngày 17/1, Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh Yên Bái cũng đưa ra những quy định phòng, chống dịch COVID-19 đối với người đến/về tỉnh Yên Bái.

Theo đó, tỉnh Yên Bái đưa ra quy định “Điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đối với người đến/về tỉnh Yên Bái từ khu vực có dịch COVID-19 đính kèm Văn bản số 2906 do bà Lê Thị Hồng Vân, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái ký.

Chiều 17/1, trao đổi với phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, ông Nguyễn Thanh Tú, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Yên Bái cho biết, sẽ cho kiểm tra thông tin đăng trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và báo cáo nội dung phóng viên phản ánh với lãnh đạo tỉnh Yên Bái.

Nhiều lần phóng viên liên hệ với ông Nguyễn Thanh Tú để tìm câu trả lời, ông Tú đều lấy lý do bận họp và cho biết, sẽ báo cáo lãnh đạo tỉnh.

leftcenterrightdel
Tỉnh Yên Bái vẫn áp dụng cách ly y tế đối với người về quê ăn Tết. 

Trong khi đó, sau nhiều lần phóng viên liên hệ và nhắn tin, bà Lê Thị Hồng Vân, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái khẳng định, địa phương làm đúng Nghị quyết số 128 của Chính phủ và theo Công văn số 9472 của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, câu hỏi của phóng viên về việc trong Công văn số 9472 của Bộ Y tế không yêu cầu cách ly y tế tại nhà 7 ngày với người đã tiêm đủ vắc xin hoặc đã khỏi COVID-19, trong khi đó, văn bản của tỉnh lại yêu cầu khác. Công văn số 9472 của Bộ Y tế cũng nêu rõ: “Không đưa ra các yêu cầu người dân phải trình kết quả xét nghiệm khi vào địa bàn tỉnh, thành phố”, nhưng tỉnh Yên Bái vẫn yêu cầu người dân, về việc này, bà Lê Thị Hồng Vân, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái không phản hồi. 

Trong một diễn biến khác, bất ngờ thông tin “Điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đối với người đến/về tỉnh Yên Bái từ khu vực có dịch COVID-19” trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Yên Bái đã không còn trên hệ thống.

Trao đổi với phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định: “Những địa phương vẫn còn lập chỗ kiểm soát dịch, bắt người dân phải xếp hàng, chờ đợi khai báo y tế, xét nghiệm là làm sai chủ trương của Chính phủ”.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh, việc xét nghiệm nhanh tại trạm khai báo y tế cũng không phải là cách phòng, chống dịch hiệu quả.

Bởi có thể kết quả xét nghiệm tại chốt kiểm soát dịch âm tính, nhưng cũng có trường hợp người đó có thể dương tính chưa lên, sau đó, họ về địa phương thì còn càng nguy hiểm. Như vậy, cách chống dịch như vậy không có tác dụng mà còn gây phiền hà, gây khó cho người dân.

Vũ Phương