|
|
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam). Ảnh: Tư liệu |
Ngay khi mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Hỡi đồng bào cả nước” và “Chúng tôi trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng…”. Bác nhấn mạnh, đối tượng của Tuyên ngôn độc lập là toàn thể đồng bào cả nước và nhân dân khắp thế giới. Nếu chỉ viết cho đồng bào ta và nhân dân thế giới một cách khái quát, Người không cần phải sử dụng nhiều lý lẽ và cũng không cần phải trích dẫn những nội dung chính của bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ và bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791.
Theo đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tầm tư duy sâu sắc khi trích dẫn từ hai bản tuyên ngôn nổi tiếng của người Mỹ và người Pháp với những lý lẽ bất hủ rằng: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Đây là lý lẽ trên cơ sở Bác đã tiếp thu và phát triển tinh thần bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ, khi đề cập đến quyền con người như một sự tất yếu của tạo hóa: “Tất cả mọi người đàn ông đều sinh ra bình đẳng...”. Qua đó cho thấy, Người không chỉ đơn thuần thể hiện sự thay đổi câu chữ, mà là sự tiến bộ vượt bậc trong nhận thức về quyền con người, quyền bình đẳng nam - nữ, thể hiện tính nhân văn của nhân loại tiến bộ.
Đồng thời, từ tuyên bố bất hủ nêu trên, Người đã “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Ở đây, điểm nhấn đặc biệt có ý nghĩa của cụm từ “Tất cả mọi người…” được nâng tầm thành “Tất cả các dân tộc…”. Sự phát triển này là chính xác, từ quyền của mọi người trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi đến nhấn mạnh quyền của mỗi dân tộc là hoàn toàn đúng đắn cả trong nhận thức và hiện thực lịch sử. Đây chính là tư tưởng nhân văn triệt để cách mạng của Người. Theo Bác, quyền dân tộc là quyền cơ bản có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện quyền con người. Một dân tộc còn bị áp bức, bị nước khác thống trị, nhân dân còn phải sống trong kiếp nô lệ và bị bóc lột thì không thể nói đến quyền con người. Nước mất độc lập thì tất yếu người dân mất tự do, hạnh phúc; chừng nào nước vẫn còn giặc ngoại xâm chiếm đóng thì chừng đó không có gì bảo đảm cho nhân quyền. Dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết để bảo đảm thực hiện quyền con người và ngược lại thực hiện tốt quyền con người chính là phát huy những giá trị cao cả và ý nghĩa thật sự của độc lập dân tộc.
Nghiên cứu về Tuyên ngôn độc lập, Giáo sư Singô Sibata (Nhật Bản) nhận định: “Cống hiến nổi tiếng của cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ Người đã phát triển quyền lợi của con người thành quyền lợi của dân tộc. Như vậy, tất cả mọi dân tộc đều có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của mình”.
Cùng với việc trích dẫn Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn trích dẫn bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn bình đẳng về quyền lợi”. Người viết: “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Cách lập luận này vừa khéo léo lại vừa cương quyết, bởi Bác cho người đọc thấy rõ sự tôn trọng của mình đối với bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ và bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791. Nếu như những điều mà nước Mỹ và nước Pháp nêu ra trong Tuyên ngôn đã đề cao và khẳng định quyền con người, thì trong Tuyên ngôn độc lập 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng trí tuệ mẫn tiệp và thực tiễn Cách mạng Việt Nam đã phát triển sáng tạo, mở rộng và phát triển quyền của con người thành quyền tự do, độc lập của dân tộc. Mỗi người dân Việt Nam và dân tộc Việt Nam đều có những quyền chính đáng ấy; không ai có thể tước đoạt; và nếu bị xâm phạm, cả dân tộc sẽ kiên cường, đoàn kết, kiên trì chiến đấu để giành lại và quyết tâm bảo vệ. Do vậy, không thể xuyên tạc Tuyên ngôn độc lập 1945 là sự “sao chép”, “khuôn theo”.
Có thể thấy, qua việc trích dẫn Tuyên ngôn của nước Mỹ, Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn khẳng định với thế giới rằng, ba cuộc cách mạng của Pháp, Mỹ và Việt Nam là ngang tầm nhau, ba bản tuyên ngôn và ba nền độc lập là ngang hàng nhau. Điều này cũng khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và lòng quyết tâm kiên cường của dân tộc Việt Nam dù nhỏ bé, nhưng đã làm nên một cuộc cách mạng vĩ đại. Cách mạng Việt Nam là sự nối tiếp con đường tiến hóa của nhân loại. Tuyên ngôn độc lập 1945 chính là bước đi của quá trình giải phóng con người, thể hiện mạnh mẽ ý chí và khát vọng của dân tộc Việt Nam “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Nhà văn, nhà nghiên cứu người Mỹ Lây-đi Bô-tơn là người đã phát hiện ra “chi tiết vĩ đại” nêu trên và đánh giá rất cao cống hiến về mặt tư tưởng nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong Tuyên ngôn có một nhận xét khái quát: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Ðại thoái vị”, khẳng định thực tế đó cho thấy dân ta lập nên chính quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là việc đương nhiên, không thể để một xã hội bị hỗn loạn nếu không có chính quyền nào quản lý.
Tuyên ngôn Độc lập đã kết thúc với một quyết tâm sắt đá: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Đọc Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đọc thấu hiểu bên trong tiếng nói của trí tuệ là tiếng nói của trái tim. Với tầm nhìn xa trông rộng, sự tiên đoán khoa học, sự nhạy cảm chính trị và thông hiểu tình hình thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ “giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền càng khó hơn”. Và nước ta phải mất gần một thế kỷ, đổ bao máu xương mới giành được chính quyền.
Với lập luận chặt chẽ, sắc bén, lời lẽ đanh thép, đầy sức thuyết phục, Tuyên ngôn độc lập 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh chất chứa những giá trị nhân văn to lớn và sâu sắc, những giá trị của văn minh nhân loại, những “lẽ phải không ai chối cãi được” về quyền con người, quyền của dân tộc được sống trong độc lập, tự do.
Đến nay và mãi mãi về sau, những giá trị nhân văn cao quý đó vẫn luôn soi rọi, tỏa sáng, thể hiện đỉnh cao tinh hoa trí tuệ và mang giá trị bền vững, đập tan mọi luận điệu sai trái, lạc lõng xuyên tạc giá trị của bản Tuyên ngôn độc lập.