    |
 |
Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội ngày 8/5. Ảnh: VPQH cung cấp. |
Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 9, ngày 8/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi).
Có nhiều vụ án thương tâm liên quan đến đầu độc bằng hóa chất
Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) đề cập quy định về hóa chất đặc biệt, hóa chất cấm, hóa chất nguy hiểm và đề nghị ban soạn thảo cần rà soát xem xét các loại hóa chất đặc biệt, hóa chất cấm, hóa chất nguy hiểm trong quá trình nghiên cứu thử nghiệm sản xuất; bổ sung áp dụng hình phạt nặng trong trường hợp vi phạm gây mất an toàn và áp dụng mức phạt cao hơn đối với các vi phạm nghiêm trọng gây hậu quả xấu đến sức khỏe con người và môi trường hoặc gây nguy hiểm cho cộng đồng.
    |
 |
Đại biểu Trần Khánh Thu phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH cung cấp. |
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung các biện pháp truy xuất nguồn gốc, quản lý vận chuyển qua “hóa đơn điện tử”, dấu vết sản phẩm… vì các quy định của dự thảo luật liên quan đến các loại hóa chất này vẫn còn chưa cụ thể và chưa thể hiện được tính nghiêm khắc khi xử lý vi phạm.
Đại biểu Trần Khánh Thu viện dẫn Luật Hóa chất 2007, sửa đổi, bổ sung năm 2018 và Nghị định 113/2017/NĐ-CP của Chính phủ mặc dù đã có những quy định việc mua bán chất xyanua phải có phiếu kiểm soát nhưng pháp luật lại không quy định cụ thể về việc cá nhân, tổ chức phải đáp ứng các điều kiện nào thì mới được mua, sử dụng chất xyanua.
Trong Nghị định 113 không có quy định về xyanua là hóa chất cấm mà chỉ quy định điều kiện quản lý… Đồng thời, các quy định hiện hành cũng không có quy định về việc người bán phải kiểm tra điều kiện của người mua mới được bán.
“Điều này đã dẫn đến tình trạng mua bán chất xyanua diễn ra phổ biến, tràn lan trên thị trường và trên thực tế trong thời gian vừa qua có khá nhiều vụ án thương tâm liên quan đến đầu độc bằng hóa chất” – đại biểu Trần Khánh Thu nhấn mạnh và đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, thống nhất quy định trong nghị định rõ các nhóm hóa chất theo đúng như dự thảo luật đang xây dựng.
    |
 |
Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp. |
Đại biểu cho biết, ở nhiều quốc gia, danh mục xyanua được phân cấp quản lý phù hợp theo mức độ nguy hiểm, mục đích sử dụng từng loại; vì Xyanua có các dạng khác nhau và sử dụng trong nhiều lĩnh vực, kể cả trong y tế.
Đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị bổ sung quy định: Doanh nghiệp muốn sản xuất/nhập khẩu xyanua phải đăng ký cụ thể mục đích sử dụng, số lượng, cam kết biện pháp quản lý rủi ro.
Cùng với đó, cần quy định chặt chẽ về đóng gói, ghi nhãn, khai báo vận chuyển và lưu trữ. Chất thải chứa xyanua phải được xử lý theo quy trình đặc biệt, nghiêm cấm xả thải ra môi trường…
Cần bổ sung quy định quản lý đối với các loại hóa chất độc hại
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ hơn giải thích từ ngữ đối với khái niệm “hóa chất nguy hiểm”; cần nêu rõ hơn về nồng độ, công năng sử dụng của hóa chất để làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, tránh trường hợp lợi dụng quy định để trục lợi, gây nguy hiểm cho xã hội.
    |
 |
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo. Ảnh: VPQH cung cấp. |
Tiếp thu ý kiến, dự thảo đã rà soát, chỉnh lý để làm rõ hơn khái niệm theo hướng: “hóa chất nguy hiểm là hóa chất gây hại cho sức khỏe của con người, cơ sở vật chất, tài sản, môi trường và có ít nhất một đặc tính nguy hiểm theo nguyên tắc phân loại của Bộ Công thương”. Theo đó, các nội dung cụ thể liên quan đến “hóa chất nguy hiểm” sẽ được Bộ Công thương cân nhắc quy định tại các văn bản dưới luật.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, dự thảo chưa thể hiện được nội dung liên quan đến kinh doanh các chất độc như: xyanua, thủy ngân, các chất tiền ma túy... có thể gây chết người; đề nghị bổ sung quy định về việc quản lý đối với các loại hóa chất này.
Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo dự thảo luật, các chất độc như xyanua, thủy ngân, các chất tiền ma túy là hóa chất cần kiểm soát đặc biệt, do đó, chủ thể kinh doanh các hóa chất này phải tuân thủ các quy định kiểm soát chặt chẽ để tránh thất thoát, đồng thời cần có sự cho phép, theo dõi, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Những hành vi này được quy định tại khoản 1 Điều 3 là hành vi “kinh doanh trái pháp luật về hóa chất”. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên như dự thảo.