Có thời điểm 99% doanh nghiệp không hoạt động

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trong làn sóng dịch thứ tư, Thành phố Chí Minh là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Cuối tháng 10, có hơn 430.000 người nhiễm, chiếm 47% của cả nước và hơn 16.600 người đã mất vì COVID, chiếm 75% của cả nước. Vì vậy, thời gian giãn cách xã hội đối với Thành phố là dài nhất so với các địa phương, gần 4 tháng.

leftcenterrightdel
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân: Khi chia sẻ, thực hiện phương châm "ai ở đâu thì ở đấy" thì về cơ bản hoạt động sản xuất kinh doanh của Thành phố chỉ duy trì mức tối thiểu, bình quân giai đoạn đó chỉ có khoảng 2.000 doanh nghiệp hoạt động chiếm 0,7% tổng số doanh nghiệp của thành phố, có nghĩa là 99% doanh nghiệp không hoạt động và 99% người lao động bị giảm hoặc mất thu nhập trong hơn 3 tháng. Vì vậy, Thành phố Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng nặng về tăng trưởng kinh tế, dự báo năm nay tăng trưởng âm 5%.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, để khắc phục hậu quả của COVID và phục hồi tăng trưởng kinh tế, thành phố tổ chức nhiều cuộc tọa đàm với các nhà khoa học, các chuyên gia và doanh nghiệp, xác định có 4 giải pháp cần tập trung khẩn trương thực hiện: Tổng kết sâu sắc việc phòng, chống dịch COVID 2 năm qua; Hỗ trợ cho 430.000 người đã nhiễm COVID và gia đình của hơn 16.600 người đã mất vì COVID; Hỗ trợ để thu hút trở lại hầu hết 300.000 doanh nghiệp lao động đã trở về quê hoặc bổ sung đáp ứng nhu cầu lao động ở thành phố; Hỗ trợ các doanh nghiệp để khôi phục nhanh chóng sản xuất, kinh doanh.

“Câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp đang cần gì?” – đại biểu Nguyễn Thiện Nhân trăn trở và phân tích, mặc dù kinh tế Thành phố năm nay dự kiến tăng trưởng âm 5%, song các tiền đề vật chất, tinh thần quan trọng nhất của nền kinh tế Thành phố, nơi đóng góp 23% GDP, 27% thu ngân sách vẫn còn nguyên vẹn.

leftcenterrightdel
Các đại biểu tham dự phiên làm việc của Quốc hội chiều ngày 9/11. 

“Thiết bị công nghệ, máy móc của 288 nghìn doanh nghiệp vẫn còn nguyên, lãnh đạo các doanh nghiệp, cán bộ kỹ thuật và hơn 90% lao động vẫn còn nguyên, hệ thống đường giao thông, cung cấp điện, nước, rác, thông tin, ngân hàng vẫn còn nguyên; các hợp đồng kinh tế, quan hệ kinh tế cơ bản còn nguyên, quan hệ với các địa phương, trung ương tốt hơn, ý chí vươn lên mạnh mẽ hơn. Vậy doanh nghiệp còn thiếu gì để khôi phục lúc này?” – đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đặt câu hỏi.

Cần kinh phí để “đoàn tàu” chạy trở lại

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân phân tích thêm, sau gần 4 tháng ngưng sản xuất, kinh doanh thì doanh nghiệp không có thu nhập, không có tiền để mua nguyên liệu, vật tư cho giai đoạn sản xuất sắp tới, không có tiền để trả lương cho người lao động khi chưa tiêu thụ sản phẩm, không có tiền để trả tiền điện, tiền nước, trả chi phí vận tải...

“Có thể hình dung đoàn tàu kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh còn nguyên đầu tàu và các toa tàu, đường ray, trưởng tàu, lái tàu, trưởng toa và 92% nhân viên các toa tàu, 8% thì đã về quê. Như vậy, chúng ta cần kinh phí để có thể mua dầu thì đoàn tàu sẽ chạy trở lại. Khi tàu trở lại bán được vé, có tiền sẽ trả được nợ vay. Vậy 288.000 doanh nghiệp Thành phố và 400.000 hộ kinh doanh cần bao nhiêu tiền để hỗ trợ?” - đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh phiên làm việc của Quốc hội chiều ngày 9/11. 

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh tuy có số lượng doanh nghiệp lớn nhất cả nước nhưng bình quân chủ yếu vẫn là doanh nghiệp nhỏ, vốn sản xuất, kinh doanh 1 doanh nghiệp là 41 tỷ, số lao động là 14 người, doanh thu 1 năm là 27 tỷ và thuế 1 năm đóng là 830 triệu.

“Vì vậy, chúng tôi dự báo khoảng 20% doanh nghiệp có thể tự khởi động lại, không cần hỗ trợ, nhưng 80% cần hỗ trợ của Nhà nước để có đủ vốn lưu động với mức bình quân cho vay khoảng 5 tỷ 1 doanh nghiệp, 25 triệu cho 1 hộ kinh doanh cá thể. Tổng mức vay khoảng 440.000 tỷ thì chúng ta có thể khởi động lại hầu hết số doanh nghiệp này. Các doanh nghiệp vay có trả được tiền không, với mức vay 5 tỷ thì chiếm khoảng 20% doanh thu 1 năm của doanh nghiệp và vay 25 triệu một hộ chiếm 5% doanh thu một hộ, như vậy họ có thể trả được” - đại biểu Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân phân tích thêm: “Việc hỗ trợ để vay được 940.000 tỷ thông qua việc giảm 3% lãi suất vay, tức chúng ta bù thì tốn khoảng 28.200 tỷ. Nếu so với số thuế mà các doanh nghiệp này đóng góp 1 năm là 277.000 tỷ thì nó gấp 9,8 lần số tiền chúng ta hỗ trợ. Điều này cũng đáng làm về mặt xã hội”.

Mở rộng hơn, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ: “Với cả nước, chúng tôi kiến nghị nên dành khoảng 4% GDP để hỗ trợ các doanh nghiệp. Hiện nay chúng ta đã chi hơn 100.000 tỷ, dự kiến còn 100.000 tỷ, thiếu 100.000 tỷ. 100.000 tỷ này có sẵn, đó chính là trong đầu tư công chúng ta còn chưa dùng hết hơn 100.000 tỷ năm nay vì điều kiện không cho phép. Chúng tôi kiến nghị Quốc hội cho phép chuyển 100.000 tỷ đầu tư công, không thể chi hết năm nay sang để hỗ trợ các doanh nghiệp và phòng, chống dịch. Như vậy, đoàn tàu kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, cả nước sẽ được tăng tốc sắp tới”.

Vũ Cảnh