leftcenterrightdel
 Viện trưởng Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2022 của Viện trưởng VKSND tối cao trước Quốc hội ngày 8/11.

Không bỏ lọt tội phạm nhưng cũng không hình sự hóa quan hệ dân sự kinh tế

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định): “Có thể nói năm 2022 trong thành công chung về kinh tế - xã hội có sự đóng góp rất lớn của các cơ quan tư pháp, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý. Các cơ quan tư pháp đã điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, nhiều chỉ tiêu Quốc hội giao đều đạt và vượt.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định).

Trong đó, VKSND đã truy tố đúng tội danh, đạt 99,99%. Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp đạt nhiều kết quả quan trọng, đã kịp thời phát hiện và hủy bỏ nhiều quyết định trái pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng, ban hành nhiều kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm và đã được tiếp thu, thực hiện với tỷ lệ cao. Điều này chứng tỏ chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND ngày càng trở nên quan trọng và cần thiết hơn.

Bên cạnh đó, tôi cũng nhất trí với quan điểm của đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao. Đó là, không bỏ lọt tội phạm nhưng cũng không hình sự hóa quan hệ dân sự kinh tế, xử lý nghiêm đối với hành vi cố ý và có yếu tố vụ lợi nhưng cũng tạo điều kiện cho người phạm tội khắc phục vi phạm”.

Tăng thêm biên chế cho Viện kiểm sát là rất hợp lý

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định): “Tôi rất đồng tình với báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao về những vấn đề, như Viện kiểm sát thêm việc, từ việc công an xã được giao thêm nhiệm vụ xác minh, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm.

Sau khi nghị quyết về sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự có hiệu lực thì ở địa phương, chúng tôi đã gặp các đồng chí Viện trưởng VKS tỉnh thì các đồng chí nói rằng ngay sau khi nghị quyết này có hiệu lực, họ rất lo lắng về vấn đề kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm ở công an xã.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định).

Lý do đó hoàn toàn xác đáng, bởi vì là chúng ta biết rằng, trung bình một huyện chỉ có khoảng trên dưới 10 cán bộ Kiểm sát viên, một huyện có khoảng 20 xã hoặc xấp xỉ đó trở lên, với số lượng người như thế và khối lượng việc như thế rõ ràng việc đi kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tại Công an xã rất vất vả và khó khăn. Khi muốn nâng cao chất lượng kiểm sát tin báo, tố giác tội phạm lên thì phải đến trực tiếp xem hồ sơ, xem sổ sách, xem việc thực hiện các thủ tục có đúng hay không, phải xem rất kỹ lưỡng và cần thiết.

Cho nên, việc VKSND tối cao đưa ra là rất khó khăn, vất vả, vướng mắc khi Công an xã có thêm chức trách, nhiệm vụ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm thì Viện kiểm sát huyện trách nhiệm sẽ nâng lên rất nhiều và rất vất vả. Do đó, việc Viện trưởng VKSND tối cao đề nghị tăng thêm biên chế cho VKS tôi nghĩ đây là một lý do rất hợp lý.

Ý thứ hai, báo cáo của Viện trưởng VKSND tối cao là đề nghị xử lý tội phạm ở Điều 219 và Điều 360 Bộ luật Hình sự. Báo cáo với Quốc hội là thực tế những vụ án xét xử tội phạm về tham nhũng đối với cán bộ xã và liên quan đến việc bán đất trái pháp luật ở địa phương và dùng tiền đó để xây dựng nhà văn hóa, làm đường, tức là phục vụ cho việc xây dựng nông thôn mới.

Rõ ràng việc này là trái pháp luật, cần phải xử lý, nhưng người ta không có động cơ vụ lợi cá nhân, cho nên khi chúng ta xem xét, đánh giá việc này như ý kiến của Viện trưởng VKSND tối cao là cần phải xem xét dưới góc độ nhân văn hơn. Nếu có thể xem xét cho người ta hưởng mức án thật nhẹ hoặc có thể xem xét, đánh giá mức độ xem có nên truy cứu trách nhiệm hình sự hay không.

Tôi rất đồng tình với ý kiến của Viện trưởng VKSND tối cao về 2 điều luật Điều 219 và Điều 360 Bộ luật Hình sự”.

Thể hiện rất rõ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa): “Về báo cáo công tác của Viện trưởng VKSND tối cao đã nêu tương đối hoàn chỉnh về kết quả công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ có liên quan đến tình hình tội phạm, khiếu kiện hành chính, tranh chấp dân sự, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao…

leftcenterrightdel
 Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa).

Có thể nói, thông qua báo cáo này đã thể hiện rất rõ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao đối với toàn bộ hoạt động của ngành Kiểm sát, mặc dù rất là khái quát nhưng lại rất cụ thể, phản ánh được sự đóng góp to lớn của ngành kiểm sát trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự đất nước, giải quyết các vụ án tranh chấp dân sự, kinh tế, kinh doanh, thương mại đến hành chính.

Ngoài ra, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao, các hoạt động khác có liên quan đến ngành Kiểm sát cũng được thực hiện, như giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự, hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật…”.

Vũ Cảnh