|
|
Quang cảnh phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội từ điểm cầu Nhà Quốc hội (Hà Nội) sáng 24/10. |
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 24/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến tại hội trường (Nhà Quốc hội, Hà Nội) và điểm cầu Đoàn ĐBQH 62 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội) về các báo cáo công tác của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; Dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Tham nhũng, lãng phí từng bước được kiềm chế, ngăn chặn
Thảo luận về công tác phòng chống tham nhũng, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, thời gian qua, công tác này được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm.
|
|
Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu từ điểm cầu trực tuyến tại Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp. |
Trong chỉ đạo điều hành, công tác tuyên truyền nhận thức, phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu và quy trách nhiệm liên đới nếu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan đơn vị được người dân đồng tình ủng hộ, với nhiều biện pháp phòng ngừa hữu hiệu.
“Công tác thanh tra, kiểm toán, giám sát được thường xuyên, xử lý sai phạm rất kiên quyết không có vùng cấm. Tham nhũng, lãng phí từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, tạo niềm tin tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần làm lành mạnh, trong sạch bộ máy nhà nước” - ông Hòa nói.
Tuy nhiên, đại biểu Hòa cho rằng, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công, những nơi nhạy cảm trên các lĩnh vực dễ tiếp cận tham nhũng chưa được ngăn chặn có hiệu quả…
“Nơi đây là liêm khiết trong sạch, nhưng lại có bộ phận không nhỏ tham nhũng rất nghiêm trọng, đến mức phải truy cứu hình sự gây bức xúc trong Nhân dân, giảm lòng tin vào những người mà mình tin tưởng nhất” - đại biểu Hòa nói.
Để công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả, đại biểu Phạm Văn Hòa đề xuất, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng cho cán bộ, viên chức, người lao động để ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng; cần có cơ chế để cán bộ "không dám, không muốn, không ham" tham nhũng.
“Trong công tác thanh tra, kiểm toán giám sát trên các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng, cán bộ thanh tra, kiểm toán phải thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong thực thi công vụ, không vì áp lực, hoặc nhiều lý do khác nhau mà bỏ qua sai phạm nghiêm trọng của tổ chức cá nhân sai phạm, nếu vi phạm phải xử nghiêm để răn đe” - ông Hòa nói.
Ủng hộ tổ chức phiên toà trực tuyến
Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết phiên toà trực tuyến, đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng) tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết như trong tờ trình. Ông cho rằng đây là giải pháp đột phá nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động tố tụng của toà án. Đồng thời, đây cũng là một trong những yếu tố đòn bẩy để thúc đẩy quá trình giải quyết vụ việc của toà án được nhanh chóng, thuận lợi hơn, tiết kiệm chi phí đi lại của người dân.
|
|
Đại biểu Lã Thanh Tân phát biểu từ điểm cầu trực tuyến tại Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng. |
Ông Tân cũng thông tin, ngày 7/8 vừa qua Hải Phòng đã tổ chức phiên toà giả định xét xử vụ án hành chính bằng hình thức trực tuyến. Kết quả, phiên toà được đánh giá cao, chất lượng hình ảnh và âm thanh rõ nét, tín hiệu đường truyền ổn định.
“Người tham gia phiên toà ở các điểm cầu đều theo dõi phiên toà được đầy đủ, toàn diện; đương sự được đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ theo quy định” - ông Tân nói và cho biết, từ kết quả này, TAND TP Hải Phòng đã có văn bản đề nghị TAND tối cao xem xét cho phép thí điểm xét xử trực tuyến tại Hải Phòng.
Bên cạnh đó, Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) góp ý, Nghị quyết tổ chức phiên toà trực tuyến để đảm bảo việc toà án xét xử kịp thời, đáp ứng nhu cầu thực tiễn phòng chống dịch bệnh, thực hiện xã hội số, toà án điện tử.
|
|
Đại biểu Nguyễn Thị Yến phát biểu từ điểm cầu trực tuyến tại Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Tuy nhiên, đây là vấn đề còn mới, phát sinh từ yêu cầu thực tiễn nhưng chưa có luật quy định. Do đó, đại biểu Yến đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung điều chỉnh rõ phạm vi tại khoản 1, Điều 1 dự thảo Nghị quyết.
Theo đó, bổ sung TAND tổ chức phiên toà trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm các vụ án dân sự, hôn nhân, kinh doanh, hành chính… có tính chất tình tiết đơn giản, tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng.
Đề xuất bổ sung biên chế cho các cơ quan tư pháp
Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, trong báo cáo thì ngành công an, VKSND, TAND còn thiếu biên chế, nhất là đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán.
|
|
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải phát biểu từ điểm cầu trực tuyến tại đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế. |
“Để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ được giao, giảm áp lực công việc, giảm oan sai, bỏ lọt tội phạm, đề nghị Quốc hội xem xét tăng hoặc bổ sung biên chế ít nhất cũng bằng biên chế trước năm 2015, khi chưa thực hiện chính sách cắt giảm biên chế trong ngành Tòa án và VKSND. Cùng với đó quan tâm chế độ phụ cấp cho điều tra viên trong lực lượng công an nhân dân” - đại biểu Hải đề xuất.