UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và kế hoạch thực hiện công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng vào ngày 14/4.

Sau khi Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2005 có hiệu lực thi hành và Luật số 27/2012/GH2013 được ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống tham nhũng 2005. Tiếp đến là Luật Phòng chống tham nhũng 2018, UBND TP Đà Nẵng đã xây dựng và ban hành chương trình hành động thực hiện luật trên địa bàn TP.

Trong thời gian qua, UBND thành phố đã thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống tham nhũng.

Từ khi Luật PCTN được ban hành, công tác PCTN của thành phố đã có những chuyển biến về nhận thức và hành động, đạt được những kết quả tích cực trên cả hai mặt phòng và chống. Công tác chỉ đạo, điều hành ngày càng cụ thể và chặt chẽ hơn, công tác tuyên truyền giáo dục về PCTN được chú trọng. các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai đồng bộ.  

Hơn 10 năm qua (2010-2020), toàn thành phố đã tổ chức 387 lớp tuyền truyền pháp luật có nội dung liên quan đến Luật PCTN CHO 125.786 lượt cán bộ, công chức, viên chức và người dân tham dự. Phát hành hơn 45.000 đầu sách, tài liệu, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về luật PCTN…

leftcenterrightdel
 Hội nghị tổng kết chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và kế hoạch thực hiện công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng. (ảnh: LT)

Thời gian qua, thành phố đã có nhiều cố gắng để minh bạch trong công tác đấu thầu. Từ 2 gói thầu trên 15 đơn vị, năm 2017 thành phố đã triển khai thành công 85 gói thầu qua mạng, dẫn đầu cả nước về tỷ lệ đấu thầu qua mạng.

Công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng được tăng cường, đơn thư, tin báo tố cáo hành vi tiêu cực được các ngành, các cấp nhanh chóng kiểm tra, giải quyết. Việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng được thực hiện nghiêm minh, khách quan, đúng người, đúng tội, đúng quy định.

Công tác phối hợp  chặt chẽ giữa các cơ quan thanh tra, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, tòa án và các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan trong PCTN đã tạo hiệu trong việc phát hiện, điều tra, xử lí tội phạm cũng như thu hồi tài sản từ các vụ án tham nhũng…

Trong 10 năm qua, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện 311 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện Luật PCTN tại 542 cơ quan, tổ chức. Qua công tác thanh tra, phát hiện và chuyển cơ quan điều tra các cấp 9 vụ việc có dấu hiệu vi phạm tội, đã khởi tố 6 vụ. Kết quả xử lí hành vi tham những là  2 vụ/5 người. Cụ thể là đưa ra xét xử và tuyên phạt cựu Trưởng phòng Tài chính Kế toán Trung tâm y tế quận Liên Chiểu Bùi Hùng Minh về tội “Tham ô tài sản” với mức án 15 năm tù giam. Xét xử bị cáo Ngô Thị Hòa và đồng phạm (Trường mầm non Tuổi Ngọc) về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” với tổng mức án là 18 tháng tù giam.

Từ năm 2010 đến năm 2020, lực lượng chức năng đã thụ lí, điều tra 16 vụ/41 bị can về tội phạm nham nhũng, chuyển VKSND đề nghị truy tố 13 vụ/38 bị can, tạm đình chỉ 3 vụ/2 bị can và đình chỉ điều tra 1 bị can. Kết quả thu hồi tài sản tham nhũng hơn 19,7 tỉ đồng…

Quy chế phân cấp, quản lý cán bộ quy định cụ thể quy trình thực hiện miễn nhiệm, bãi nhiệm, cho từ chức, tạm đình chỉ chức vụ của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách. Trong thời gian qua, thành phố đã xử lý kỷ luật, buộc thôi việc, chuyển hồ sơ cho các cơ quan điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số trường hợp có sai phạm trong quản lý đất đai, quản lý đô thị.

leftcenterrightdel
Xét xử vụ án hình sự đối với 3 bị cáo về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” tại Dự án Hạ tầng kỹ thuật Khu tái định cư Hòa Liên. (ảnh: LT)

Báo cáo tại Hội nghị, Đại tá Trần Mưu – Phó Giám đốc Công an thành phố (CATP) cho biết, tội phạm tham nhũng đã gây mất lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Vì vậy, cần tập trung vào công tác PCTN, trong đó vai trò lãnh đạo của cấp ủy là chính. Các trường hợp vi phạm sẽ được căn cứ theo luật để xử lý.

Đại tá Trần Mưu đề xuất cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để kịp thời chấn chỉnh, phát hiện các hành vi vi phạm. Trong quá trình kiểm tra thì nên mời CATP cùng đi để cùng các thành viên trong đoàn xác định lỗi vi phạm, tiến hành điều tra kết luận, giúp rút ngắn hồ sơ xử lý các vụ việc (nếu có).

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh ghi nhận và cảm ơn những nỗ lực của các sở, ban, ngành, địa phương trong công tác PCTN. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố để công tác PCTN trên địa bàn thành phố trong thời gian tới đạt kết quả cao nhất.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cần được tăng cường. Trong đó, đề cao vai trò của hậu thanh tra, kiểm tra, tái thanh tra, kiểm tra. Qua đó, phát huy vai trò giám sát của HĐND, tổ chức Mặt trận, các tổ chức đoàn thể.

Trong thời gian tới, thành phố sẽ đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ thanh tra thành phố để nâng cao năng lực, hỗ trợ thành phố trong công tác thanh tra, kiểm tra, tham mưu, phát huy vai trò của lực lượng này trong công tác PCTN.

"Công tác cán bộ của thành phố được thực hiện với quy trình 5 bước rất khách quan để lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ, giúp giảm tham nhũng trong công tác cán bộ. Chúng ta cần phát huy hơn nữa vai trò của người đứng đầu chính quyền, cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, đặt lợi ích chung, lợi ích của nhân dân lên trên để xử lý công việc khách quan hơn, chống lợi ích nhóm” – Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Theo đó, cần siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, công khai, minh bạch tất cả các cơ chế, chính sách, tạo sự công bằng khách quan trong tiếp cận thông tin của người dân.

“Trong thời gian tới, cần tập trung triển khai đầy đủ, hiệu quả quy định của Trung ương, đặt vấn đề phòng ngừa là chính, không để vi phạm rồi mới xử lý. Đồng thời, khi phát hiện các vụ việc có dấu hiệu vi phạm thì chủ động yêu cầu các cơ quan liên quan tham gia xử lý”, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh lưu ý.

 

Lê Tâm