Bộ Tư pháp vừa có Quyết định số 2558/QĐ-BTP ban hành Chương trình công tác trọng tâm của Bộ này trong lĩnh vực THADS, theo dõi THAHC năm 2021.

Theo Bộ Tư pháp, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2026. 

Do đó, việc ban hành công tác trọng tâm trong lĩnh vực THADS, theo dõi THAHC năm 2021 nhằm tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của VKSND, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án; góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tạo dựng thể chế, cơ chế, chính sách và môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, an toàn, thuận lợi.

Cũng theo Bộ Tư pháp, các nhiệm vụ, chỉ tiêu trọng tâm năm 2021, bao gồm: Triển khai nghiêm túc, hiệu quả, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, theo dõi THAHC được giao theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của VKSND, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh một buổi cưỡng chế thi hành án dân sự. (Ảnh minh hoạ - kinhtedothi.vn)

Ra quyết định thi hành án đúng quy định của pháp luật đối với 100% bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực.

Bảo đảm xác minh điều kiện thi hành án, phân loại chính xác; đăng tải kịp thời, đầy đủ, đúng quy định danh sách người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành.

Tiếp tục thi hành có hiệu quả các khoản thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đặc biệt là các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương theo dõi, đảm bảo tỉ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt đạt trên 60%.

Thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật, phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động THADS nhất là các vi phạm về kê biên, thẩm định giá, đấu giá tài sản thi hành án; giảm đến mức thấp nhất các vụ việc liên quan đến trách nhiệm bồi thường Nhà nước, bảo đảm tài chính và các vụ việc đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản. Tập trung giải quyết dứt điểm theo quy định các vụ việc bồi thường Nhà nước, bảo đảm tài chính phát sinh trong hoạt động THADS. 

Một trong những giải pháp thực hiện, theo Bộ Tư pháp, cần quán triệt, lãnh đạo các cơ quan THADS hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về THADS, theo dõi THAHC được giao theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội.

Kịp thời triển khai thực hiện các văn bản mới ban hành liên quan đến lĩnh vực THADS như: Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 06/2016/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/5/2016 của Bộ Tư pháp, VKSND tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn phối hợp thống kê trong THADS...

Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp liên ngành số 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 9/10/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, VKSND tối cao về phối hợp liên ngành trong công tác THADS.

Đồng thời, tăng cường phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử, tài nguyên và môi trường, ngân hàng trong tổ chức thi hành các vụ việc trọng điểm để thu hồi tiền, tài sản cho ngân sách nhà nước, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng.

P.V