Theo Nghị quyết số 03, “Chủ động khai báo trước khi bị phát giác” quy định tại khoản 7 Điều 364 và khoản 6 Điều 365 của BLHS là trường hợp hành vi phạm tội đưa hối lộ, môi giới hối lộ chưa bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện, chưa bị ai tố giác nhưng người đưa hối lộ, người môi giới hối lộ đã tự khai báo toàn bộ sự việc đưa hối lộ, môi giới hối lộ mà mình thực hiện.
“Chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ” là trường hợp người phạm tội đã tự mình nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ sau khi phạm tội. Cũng được coi là chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ đối với trường hợp người phạm tội sau khi phạm tội đã tác động để cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, những người thân khác nộp lại hoặc không phản đối việc cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, những người thân khác nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản mà mình tham ô, nhận hối lộ.
Đối với trường hợp trong cùng vụ án, người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội, trong đó có tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ và tội khác, nhưng đã chủ động nộp lại số tài sản bằng ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ thì cũng được coi là chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ, trừ trường hợp có căn cứ rõ ràng xác định tài sản có nguồn gốc từ tội phạm khác.
Về một số tình tiết là dấu hiệu định tội, Nghị quyết số 03 nêu rõ: “Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm” quy định tại điểm a khoản 1 các điều 353, 354, 355 và 358 của BLHS là trường hợp trước đó người phạm tội đã bị xử lý kỷ luật về hành vi tương ứng nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.
Ví dụ: Nguyễn Văn A đã kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo về hành vi tham ô số tiền 500.000 đồng nhưng 6 tháng sau, A lại thực hiện hành vi tham ô số tiền 1.500.000 đồng.
|
|
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc PVC tại phiên xét xử. (Ảnh: TTXVN) |
Trường hợp người có hành vi vi phạm đã bị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý kỷ luật, sau đó lại bị cơ quan tiến hành tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự về chính hành vi này thì việc bị xử lý kỷ luật trước đó không bị coi là “đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm”.
Ví dụ: Nguyễn Văn A đã bị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật về hành vi tham ô tài sản, sau đó A lại bị xem xét khởi tố về chính hành vi tham ô này thì không được áp dụng tình tiết “đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm” đối với A.
“Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” quy định tại khoản 1 các điều 353, 354 và 355 của BLHS là trước đó người phạm tội đã bị kết án trong 1 lần về một hoặc nhiều tội quy định tại Mục 1 Chương XXIII của BLHS, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện một trong những hành vi được liệt kê tại khoản 1 của một trong các điều 353, 354 và 355 của BLHS.
Trường hợp ngoài tiền án nêu trên, người phạm tội còn có tiền án khác thì tiền án này được sử dụng để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm, trừ trường hợp các tiền án đều đã được sử dụng để xác định dấu hiệu định tội trong các lần kết án trước đó.
“Lợi ích vật chất khác” quy định tại các điều 354, 358, 364 và 366 của BLHS là lợi ích vật chất không phải là tài sản quy định tại Điều 105 của Bộ luật Dân sự. Ví dụ: Hối lộ bằng cách tài trợ kinh phí đi du học, đi du lịch...
“Lợi ích phi vật chất” quy định tại điểm b khoản 1 các điều 354, 358, 364, 365 và 366 của BLHS là những lợi ích không phải lợi ích vật chất. Ví dụ: Hối lộ bằng cách tặng thưởng, đề xuất tặng thưởng các danh hiệu, giải thưởng; bầu, cử, bổ nhiệm chức vụ; nâng điểm thi; hứa hẹn cho tốt nghiệp, cho đi học, đi thi đấu, đi biểu diễn ở nước ngoài; hối lộ tình dục...
Về một số tình tiết định khung hình phạt, Nghị quyết số 03 hướng dẫn: Tình tiết “dùng thủ đoạn xảo quyệt” hoặc “dùng thủ đoạn nguy hiểm” quy định tại khoản 2 các điều 353, 354, 355, 364 và 365 của BLHS: a). “Dùng thủ đoạn xảo quyệt” là trường hợp người phạm tội sử dụng thủ đoạn dối trá một cách tinh vi, sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội, che giấu tội phạm, đổ tội cho người khác hoặc người phạm tội có hành vi tiêu hủy chứng cứ, gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm.
b) “Dùng thủ đoạn nguy hiểm” là trường hợp người phạm tội sử dụng thủ đoạn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người khác hoặc có thể gây hậu quả nghiêm trọng khác để chiếm đoạt tài sản hoặc che giấu tội phạm.
Tình tiết “phạm tội 2 lần trở lên” quy định tại khoản 2 các điều 353, 354, 355, 356, 357, 358, 361, 364, 365 và 366 của BLHS là trường hợp người phạm tội đã thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điều này từ 2 lần trở lên và mỗi hành vi đều cấu thành tội phạm, nhưng đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ví dụ: Ngày 15/8/2018, Nguyễn Văn A có hành vi tham ô số tiền 10.000.000 đồng. Ngày 25/9/2019, A lại có hành vi tham ô số tiền 20.000.000 đồng. Các hành vi phạm tội của A đều chưa bị xử lý hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp này, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản và bị áp dụng tình tiết “phạm tội 2 lần trở lên” theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 353 của BLHS.
Về nguyên tắc xử lý đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ, Nghị quyết số 03 nêu rõ: Việc xử lý tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ phải bảo đảm nghiêm khắc và tuân thủ triệt để các nguyên tắc của pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự. Trong quá trình tố tụng, người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử. Đồng thời, xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt theo quy định tại Điều 59 của BLHS đối với trường hợp người phạm tội có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của BLHS hoặc người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể. |