Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Đoàn công tác số 1 và đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì buổi làm việc. Tham dự buổi làm việc có các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Nguyễn Văn Quảng, Nguyễn Huy Tiến cùng các đồng chí thành viên Đoàn công tác số 1…
|
|
Đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Đoàn công tác số 1 công bố Kế hoạch kiểm tra và Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra |
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nghe đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Đoàn công tác số 1 công bố Kế hoạch kiểm tra và Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Theo đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã quyết định thành lập 5 đoàn kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tại một số cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương. Trong đó, đoàn công tác số 1 do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm trưởng đoàn, kiểm tra tại Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng VKSND tối cao, Ban cán sự Đảng TAND tối cao và Thành ủy Đà Nẵng.
|
|
Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày báo cáo |
|
|
Đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu |
Báo cáo của VKSND tối cao tại buổi làm việc cho thấy, thời gian qua, Ban Cán sự đảng VKSND tối cao đã tăng cường chỉ đạo Viện kiểm sát các cấp tích cực thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tội phạm tham nhũng, kinh tế. Kết quả, trong kỳ các cơ quan chức năng đã áp dụng các biện pháp thu hồi được số tiền hơn 14.000 tỷ đồng trên tổng số hơn 76.000 tỷ đồng bị thất thoát, chiếm đoạt. Ngoài ra còn thu giữ, kê biên và phong toả nhiều tài sản khác có giá trị nhiều nghìn tỷ đồng để bảo đảm thu hồi tài sản cho Nhà nước. Có vụ án tài sản của Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt được thu hồi ngay từ giai đoạn trước khi khởi tố vụ án, giải quyết nguồn tin, nhiều vụ án có số tiền bị chiếm đoạt, thiệt hại lớn đã được thu hồi toàn bộ ngay trong giai đoạn điều tra vụ án, nhiều địa phương thực hiện tốt công tác thu hồi tài sản.
Cùng với đó, ngoài việc áp dụng các biện pháp theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Viện kiểm sát các cấp đã tích cực phối hợp với cơ quan điều tra, toà án trong việc vận động, động viên, thuyết phục các đối tượng phạm tội và người thân tự nguyện giao nộp, khắc phục thiệt hại đã gây ra để được xem xét giảm nhẹ hình phạt, hưởng khoan hồng của pháp luật. Đây là biện pháp thu hồi hiệu quả. Nhiều vụ án bị can, bị cáo tự nguyện giao nộp 100% tài sản đã chiếm đoạt.
Cũng theo báo cáo của Ban Cán sự đảng VKSND tối cao, tuy công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế trong thời gian qua bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, tăng về số lượng tài sản thu hồi. Song, thực tế cho thấy công tác phát hiện các hành vi tham nhũng và thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt còn có những hạn chế; tỷ lệ thu hồi tài sản thấp, tiến độ thu hồi còn chậm, còn để vụ việc kéo dài, chưa đạt yêu cầu đề ra. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng có số tiền chiếm đoạt lớn nhưng không thể thu hồi được tài sản do không còn tài sản để thu hồi hoặc bị tẩu tán, chuyển hóa tinh vi bằng nhiều cách thức khác nhau, trong đó có cả việc chuyển tài sản ra nước ngoài.
|
|
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Đoàn công tác số 1 phát biểu tại buổi làm việc |
Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến, phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng đoàn công tác số 1 đánh giá cao tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm của Ban cán sự đảng VKSND tối cao trong việc triển khai, thực hiện Kế hoạch kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Đồng chí Trương Hòa Bình cho rằng, về cơ bản báo cáo tự kiểm tra của Ban cán sự đảng VKSND tối cao được xây dựng chu đáo, bám sát đề cương, nội dung đầy đủ theo yêu cầu; báo cáo đã đề cập đến những kết quả đạt được, chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc đồng thời nêu lên những kiến nghị, đề xuất sát với thực tiễn trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân.
Đồng chí Trương Hòa Bình nhấn mạnh, thời gian qua, Ban cán sự đảng VKSND tối cao đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và công tác thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng; chỉ đạo quán triệt, triển khai đầy đủ, kịp thời các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; đồng thời ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác thu hồi tài sản trong toàn Ngành. Do đó, công tác này bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đề nghị Ban cán sự đảng VKSND tối cao tiếp thu các ý kiến góp ý tại buổi làm việc để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Báo cáo tự kiểm tra. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị được kiểm tra phối hợp, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các yêu cầu của Đoàn công tác số 1 để giúp cho công tác kiểm tra đạt kết quả, theo đúng yêu cầu đề ra…
|
|
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí phát biểu |
Thay mặt Ban cán sự đảng, Lãnh đạo VKSND tối cao, phát biểu tại buổi làm việc, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí khẳng định, thời gian qua, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Viện luôn quan tâm và xác định công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là nhiệm vụ quan trọng của ngành Kiểm sát. Do đó, Ngành luôn đề cao nhận thức, chủ động, trách nhiệm, có nhiều biện pháp, nỗ lực để thực hiện tốt công tác này và bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Chính vì thế, theo Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí thì đợt kiểm tra này của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng là dịp để Ngành đánh giá đúng về tình hình, kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; tìm ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn công tác, từ đó đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh thể chế, chính sách cho phù hợp, đồng thời có biện pháp thiết thực, hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong thời gian tới.
Văn Tình