Tham dự và chủ trì buổi họp báo có ông Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; bà Nguyễn Thị Thúy Ngần, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao; ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

leftcenterrightdel
 Ông Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước công bố Lệnh của Chủ tịch nước về hai luật vừa được Quốc hội thông qua. 

Tại buổi họp báo, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao giới thiệu Luật số 2/2021/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng Hình sự.

Về sự cần thiết ban hành luật, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao cho biết, Nghị quyết số 72/2018/QH14 của Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan giao VKSND tối cao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan rà soát BLTTHS để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP (trong thời hạn 3 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực, tức là ngày 14/1/2022). Kết quả rà soát cho thấy, quy định tại khoản 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 BLTTHS chưa tương thích với Hiệp định CPTPP về nội dung liên quan đến việc cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu mà không cần có yêu cầu của người bị hại.

Thể chế hóa chủ trương của Đảng, thực hiện quy định của pháp luật, hiện nay, tất cả Công an xã đã được tổ chức chính quy, đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, đã và đang góp phần hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay đang diễn ra phức tạp, phải xử lý ngay vụ việc tại địa bàn cơ sở.

Tuy nhiên, khoản 3 Điều 146 BLTTHS chưa quy định Công an xã được kiểm tra, xác minh sơ bộ trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm như Công an phường, thị trấn, Đồn Công an; dẫn đến Công an xã chưa phát huy tốt được vai trò chính quy; không kịp thời giảm tải khối lượng công việc rất lớn cho Cơ quan điều tra Công an cấp huyện ở các địa phương trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Trước tình hình thiên tai, lũ lụt nghiêm trọng xảy ra ở một số địa phương thời gian qua và diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 hiện nay, nhất là trong bối cảnh thực hiện triệt để việc giãn cách, cách ly theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc khởi tố, điều tra, truy tố nhiều vụ việc, vụ án hình sự gặp khó khăn, bị trì hoãn do không thể tiến hành được các hoạt động tố tụng, như: Không thể phúc cung, lấy lời khai, tiến hành đối chất, tiến hành các thủ tục để trợ giúp pháp lý, bảo đảm sự tham gia của người bào chữa cho các đối tượng theo luật định; không thể yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp, trưng cầu giám định hoặc yêu cầu định giá tài sản...;

Viện kiểm sát cũng không thể ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc đình chỉ vụ án vì không có căn cứ. Nhiều vụ án, vụ việc phải gia hạn thời hạn giải quyết, tuy nhiên, vẫn có khả năng không thể hoàn thành hồ sơ và các thủ tục tố tụng để xem xét, quyết định việc khởi tố, ra Kết luận điều tra hoặc quyết định việc truy tố trong thời hạn luật định. Việc tống đạt, giao các quyết định tố tụng cho người bị buộc tội, người tham gia tố tụng hoặc chuyển hồ sơ vụ án sang các giai đoạn tố tụng tiếp theo, việc chuyển các chứng cứ, tài liệu, đồ vật cho Viện kiểm sát, Tòa án... cũng bị trì hoãn, không thể tiến hành được.

Trong khi đó, khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 229 và khoản 1 Điều 247 BLTTHS không có quy định cho phép tạm đình chỉ trong trường hợp “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh". Điều này dẫn đến vụ án, vụ việc không có cách giải quyết tiếp theo đúng quy định của pháp luật.

Mặt khác, theo quy định của pháp luật, trong giai đoạn điều tra, nếu hết thời hạn điều tra mà không thể hoàn thiện được hồ sơ và thực hiện đầy đủ các hoạt động tố tụng theo luật định để chứng minh bị can đã thực hiện tội phạm thì sẽ phải đình chỉ điều tra; điều này có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm, người phạm tội, phải xem xét trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, thậm chí là xử lý trách nhiệm hình sự đối với người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, giảm sút lòng tin trong nhân dân, trong khi việc này không phải do lỗi chủ quan từ phía các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao giới thiệu Luật số 2/2021/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng Hình sự tại buổi họp báo. 

Cũng theo đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao, dự báo trong thời gian tới, Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới sẽ còn phải chịu những tác động khó lường do biến đổi cực đoan của khí hậu và tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp do chưa kiểm soát được đại dịch COVID-19 và nguy cơ phát sinh các loại dịch bệnh khác nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm cao hơn.

Trên cơ sở các lý do nêu trên, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 229, khoản 1 Điều 247 BLTTHS theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”.

Việc bổ sung căn cứ tạm đình chỉ này sẽ tạo cơ sở pháp lý để giải quyết những khó khăn, vướng mắc cấp bách từ thực tiễn hiện nay cũng như khả năng phát sinh trong thời gian tới; bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong các trường hợp nảy, bởi sẽ có căn cứ pháp luật cho phép: Khi không thể tiến hành được các hoạt động tố tụng thì cơ quan tiến hành tố tụng được tạm đình chỉ và không tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người bị buộc tội; đồng thời, tạo cơ chế tố tụng để các cơ quan tiếp tục theo dõi, quản lý được vụ án, vụ việc tạm đình chỉ theo quy định của pháp luật; kiểm soát tội phạm; đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm; tránh được việc để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm, người phạm tội.

leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao nói về tính cần thiết ban hành luật tại buổi họp báo. 

Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao nhấn mạnh: “Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS là hết sức cần thiết để đáp ứng yêu cầu của Hiệp định CPTPP, bảo đảm đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP tại Nghị quyết số 72/2018/QH14 và giải quyết ngay những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn”.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS gồm 2 điều.

Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS. Trong đó, Điều 1 quy định 3  nội dung lớn như sau:

Tại khoản 1, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 theo hướng bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã (tương đương với trách nhiệm của Công an phường, thị trấn, đồn Công an).

Tại các khoản 2, 5 và 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 148 theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà cơ quan có thẩm quyền giải quyết không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án; sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 229 theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ điều tra vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà không thể kết thúc điều tra nhưng đã hết thời hạn điều tra; sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 247 theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ vụ án hình sự vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà không thể tiến hành các hoạt động tố tụng để quyết định việc truy tố nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố.

Bên cạnh đó, tại khoản 3 và khoản 4 Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 155 theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 của Bộ luật Hình sự để cho phép cơ quan tố tụng có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý mà không cần có yêu cầu khởi tố của bị hại. Luật sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 157 theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 của Bộ luật Hình sự để bỏ căn cứ không khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 226 của Bộ luật Hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.

Hiệp định CPTPP chỉ đặt ra yêu cầu bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của bị hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu theo khoản 1 Điều 226 Bộ luật Hình sự tại khoản 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự. Tuy nhiên, Luật sửa đổi theo hướng thực hiện cơ chế này đối với cả chỉ dẫn địa lý, để bảo đảm tăng cường bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý tương tự như đối với nhãn hiệu, đảm bảo công bằng, thống nhất trong áp dụng chính sách hình sự và kỹ thuật lập pháp; phù hợp với xu thế tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, nhất là trong bối cảnh ngày càng hội nhập và toàn diện vào nền kinh tế thế giới như hiện nay.

Đồng thời, để bảo đảm áp dụng thống nhất, chặt chẽ, tránh lạm dụng, tạo thuận lợi cho việc hợp nhất Luật và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, các khoản này cũng quy định giao cho Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và thủ trưởng các cơ quan khác có liên quan quy định chi tiết việc tạm đình chỉ “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”. Trên cơ sở đó, các cơ quan tố tụng sẽ phải cân nhắc, xem xét thận trọng khi quyết định áp dụng căn cứ này đối với từng trường hợp cụ thể, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến giải quyết vụ án, vụ việc khi được phục hồi.

Điều 2 bao gồm 2 nội dung lớn như sau:

Khoản 1 sửa đổi, bổ sung Điều 44 của Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với việc bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã nêu tại khoản 1 Điều 1 của Luật, bảo đảm đúng theo quy định tại Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Khoản 2 Điều 2 quy định về thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2021.

Cũng trong buổi họp báo, đã công bố Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thu nhập, tính toán các chỉ tiêu thống kê cũng như cơ sở pháp lý để biên soạn GDP, GRDP và đánh giá lại quy mô GDP; từ đó nâng cao chất lượng thống kê và hội nhập quốc tế.

Tin, ảnh: Vũ Phương