leftcenterrightdel
 VKSND tỉnh Sóc Trăng hướng dẫn áp dụng tình tiết “ở nước ngoài”. (Ảnh: minh họa)

Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 268 BLTTHS năm 2015 thì: “Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài”. Tuy nhiên, nhận thức về tình tiết “ở nước ngoài” của các cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp tỉnh Sóc Trăng chưa thống nhất, dẫn đến thực tiễn áp dụng còn gặp khó khăn trong giải quyết vụ án, vụ việc. Vấn đề này đến nay, các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương cũng chưa có hướng dẫn cụ thể.

Do đó, trong khi chờ hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương, VKSND tỉnh Sóc Trăng đã trao đổi thống nhất với Cơ quan điều tra và tham khảo ý kiến của Tòa án nhân dân tỉnh. VKSND tỉnh đã ban hành hướng dẫn áp dụng tình tiết “ở nước ngoài” quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 268 BLTTHS 2015 trong hai cấp kiểm sát Sóc Trăng, như sau:

1. Tình tiết “ở nước ngoài” trong quy định “bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài” có thể được hiểu bao gồm các trường hợp sau đây: 

- Bị cáo, bị hại, đương sự là người nước ngoài không định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam có mặt hoặc không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ án;

- Bị cáo, bị hại, đương sự là công dân Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở nước ngoài có mặt hoặc không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ án;

- Bị cáo, bị hại, đương sự là người nước ngoài định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam nhưng không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ án;

- Bị cáo, bị hại, đương sự là công dân Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam nhưng không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ án.

- Bị cáo, bị hại, đương sự là pháp nhân thương mại không phân biệt là pháp nhân thương mại nước ngoài hay pháp nhân thương mại Việt Nam mà không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ án.

2. Về tình tiết “ở nước ngoài” trong quy định “Tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài” có thể được hiểu là tài sản được xác định theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 ở ngoài biên giới lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại thời điểm Tòa án thụ lý vụ án.

Từ nhận thức áp dụng điểm b, khoản 2, Điều 268 BLTTHS năm 2015 như trên, thì:

1. Khi kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm hoặc điều tra, truy tố đối với vụ án hình sự mà có căn cứ xác định người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án, vụ việc ở nước ngoài thuộc các trường hợp nêu tại Công văn này thì Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền.

2. Trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc nếu có căn cứ xác định người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, bị hại, đương sự không còn ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ việc, vụ án không còn ở nước ngoài theo các hướng dẫn nêu tại mục 1 Công văn này thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án nhân dân tỉnh tiếp tục giải quyết vụ việc, vụ án; trường hợp xét thấy không cần thiết thì thực hiện thủ tục chuyển vụ án, vụ việc theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

3. Trường hợp vụ án, vụ việc không thuộc trường hợp nêu tại tại mục 1 mà có liên quan đến nước ngoài thì áp dụng tình tiết “có yếu tố nước ngoài” quy định tại điểm b, khoản 5, Điều 163 BLTTHS năm 2015 sẽ do Cơ quan điều tra cấp tỉnh trực tiếp thụ lý nếu xét thấy cần thiết. Việc xét thấy cần thiết hay không do Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát tỉnh xem xét quyết định.

Nam Phong - Văn Phước