Theo thống kê của Công an tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2012 đến năm 2022, tội phạm về trật tự xã hội trên địa bàn xảy ra 17.638 vụ, 33.024 đối tượng liên quan; hằng năm tình hình hoạt động của các loại tội phạm về trật tự xã hội trên địa bàn được kiềm chế và kéo giảm từ 5 đến 6% số vụ so với năm trước đó, tỷ lệ điều tra khám phá hằng năm trên 80%. Trong 10 năm qua, tội phạm trên địa bàn tỉnh giảm 19,1% (1478/1825 vụ).
Để có những kết quả trên, thời gian qua, Công an tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm, chỉ đạo tổ chức, thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan đến công tác lấy lời khai, hỏi cung bị can đến đội ngũ Điều tra viên, cán bộ điều tra đảm bảo đúng quy định của pháp luật...
|
|
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
Do vậy, trong 10 năm qua, quá trình hỏi cung bị can do Công an Thanh Hóa thực hiện luôn đảm bảo nguyên tắc khách quan, thận trọng; nguyên tắc pháp chế; nguyên tắc đảm bảo tính toàn diện, đầy đủ, bí mật thông tin.
Báo cáo tổng kết 10 năm công tác lấy lời khai, hỏi cung bị can của lực lượng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hoá từ 2013 đến nay cũng khẳng định, công tác lấy lời khai, hỏi cung bị can có vai trò, vị trí, tầm quan trọng đặc biệt, riêng có của lực lượng Công an nhân dân.
Thực chất của hỏi cung bị để can là cuộc đấu tranh về ý chí và lý trí giữa điều tra viên và bị can. Do đó, để hoạt động này đạt hiệu quả cao, đòi hỏi điều tra viên phải có trình độ văn hóa pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ cao, có kiến thức sâu rộng về xã hội, tâm lý, có kinh nghiệm dày dạn trong công tác hỏi cung và luôn xác định rõ mục đích, nhiệm vụ của cuộc hỏi cung, những biện pháp, phương tiện cần sử dụng để đạt được mục đích đề ra.
Viện kiểm sát, trinh sát viên, Công an cơ sở, các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp đã phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động lấy lời khai, hỏi cung bị can, đáp ứng yêu cầu thu thập chứng cứ, tài liệu, phục vụ công tác điều tra giải quyết các vụ án, vụ việc.
Bên cạnh đó, số lượng, chất lượng điều tra viên, cán bộ điều tra không ngừng nâng lên qua các năm, đáp ứng được yêu cầu công tác, góp phần kiềm chế sự gia tăng tội phạm, ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Qua Hội nghị, đã ghi nhận 8 ý kiến tham luận, nêu lên những khó khăn, bất cập cần sửa đổi, bổ sung trong hoạt động lấy lời khai, hỏi cung bị can, đáp ứng công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
|
|
Các đại biểu tham dự Hội nghị. |
Trong đó, phải luôn tôn trọng nguyên tắc “trọng chứng cứ không dễ tin lời khai”, lời khai là nguồn chứng cứ quan trọng nhưng không phải là nguồn chứng cứ duy nhất để buộc tội mà phải phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác thu thập được. Do đó, cần chú trọng, kịp thời thu thập các tài liệu, chứng cứ từ các nguồn thu thập khác và phải được sử dụng linh hoạt, đúng quy định pháp luật và nghiệp vụ nhằm hỗ trợ, phục vụ cho công tác lấy lời khai, hỏi cung bị can để buộc đối tượng khai nhận đúng nội dung, diễn biến, bản chất của vụ án, vụ việc.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh, trong thời gian tới, lực lượng Cảnh sát điều tra trước tiên cần phải nhận diện rõ tội phạm, từ đó biến thành nhận thức, biến thành giải pháp; sau mỗi vụ án cần có công tác tổng kết để rút ra kinh nghiệm; đặc biệt quan tâm lĩnh vực tội phạm công nghệ cao trên không gian mạng.... Từng cán bộ, chiến sĩ thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa cần tích cực hơn nữa trong nghiên cứu, học hỏi, nâng cao trình độ, đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật nhất là trong việc hỏi cung bị can là người nước ngoài, người dân tộc thiểu số.