Theo quy định tại khoản 4 Điều 183 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2021 (BLTTHS năm 2015) và khoản 4 Điều 50, khoản 3 Điều 51, khoản 1 Điều 69 Quy chế 111[1], thì khác với Điều tra viên (hỏi cung bị can, lấy lời khai người tham gia tố tụng khác trong tất cả các vụ án), trong giai đoạn điều tra và truy tố, Kiểm sát viên chỉ trực tiếp hỏi cung bị can, lấy lời khai người tham gia tố tụng khác (Bị hại, người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người chứng kiến) trong các trường hợp bị can kêu oan; bị can khiếu nại hoạt động điều tra; có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật; tài liệu, chứng cứ mâu thuẫn hoặc chưa rõ; có căn cứ để nghi ngờ về tính xác thực trong lời khai của người tham gia tố tụng; khi cần kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ để quyết định việc truy tố và các trường hợp khác khi xét thấy cần thiết.

leftcenterrightdel
 Nắm chắc hồ sơ vụ án giúp KSV chủ động trong việc hỏi cung, lấy lời khai  (Ảnh: VKS Hà Nội)

Từ thực tiễn, tác giả rút ra một số kinh nghiệm hỏi cung, lấy lời khai như sau:

Trước khi hỏi cung, lấy lời khai người tham gia tố tụng, Kiểm sát viên phải xác định rõ mục đích của việc hỏi cung, lấy lời khai là gì, để giải quyết mâu thuẫn hay để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ, làm rõ tính khách quan trong lời khai của người tham gia tố tụng, qua đó có phương pháp, cách thức nghiên cứu hồ sơ phù hợp với từng tình huống cụ thể. Quan tâm đến việc nghiên cứu đặc điểm nhân thân của bị can, người tham giá tố tụng khác trước khi tiến hành hỏi cung, lấy lời khai.

Kiểm sát viên phải xây dựng kế hoạch hỏi cung, lấy lời khai, báo cáo lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện xem xét, quyết định. Việc hỏi cung, lấy lời khai phải tuân thủ quy định của BLTTHS và các văn bản pháp luật có liên quan về căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục. Kết thúc việc hỏi cung, lấy lời khai, Kiểm sát viên nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện.

Một điều cần lưu ý là trước khi bắt đầu lấy lời khai, Kiểm sát viên nên yêu cầu bị can, người tham gia tố tụng khác tự khai về các tình tiết mà họ biết liên quan đến vụ án, điều này là cần thiết vì thực tế có không ít trường hợp họ khai ra các tình tiết mới, quan trọng mà hồ sơ vụ án chưa có, Kiểm sát viên chưa biết được, đồng thời cũng nhằm kiểm tra thái độ khai báo của họ mà định chiến thuật lấy hỏi cung, lời khai phù hợp.

Về nội dung hỏi cung, lấy lời khai cần phải tập trung làm rõ tất cả các tình tiết liên quan đến các yếu tố cấu thành tội phạm, những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án, loại trừ các mâu thuẫn trong hồ sơ vụ án. Ví dụ: Hỏi cung bị can phạm tội về xâm hại tình dục trẻ em cần làm rõ các tình tiết quan trọng như có hành vi phạm tội xảy ra hay không? Nếu có thì là hành vi hiếp dâm, dâm ô hay giao cấu với trẻ em; thời gian, địa điểm xảy ra vụ án; quá trình thực hiện hành vi của bị can; bị can thực hiện một mình hay cùng với ai; nếu vụ án có nhiều người tham gia thì làm rõ vị trí, vai trò của từng bị can trong vụ án; mục đích, động cơ phạm tội của bị can là gì; thái độ của bị can đối với hành vi phạm tội; việc khắc phục, bồi thường thiệt hại của vụ án; những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can; năng lực trách nhiệm hình sự, đặc điểm nhân thân của bị can; bị hại trong vụ án là ai, quan hệ giữa bị can và bị hại thế nào; nguyên nhân bị can thực hiện hành vi phạm tội; những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt.

leftcenterrightdel
 KSV hỏi cung bị can (Ảnh: VKS Huế)

Hỏi cung bị can vụ án cướp tài sản cần hỏi bị can đã có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, hành vi khác như thế nào, vì mục đích gì mà bị can thực hiện hành vi; quá trình chuẩn bị, thực hiện và che giấu tội phạm của bị can; các công cụ, phương tiện bị can sử dụng khi cướp tài sản; đặc điểm, số lượng, giá trị tài sản chiếm đoạt, các thiệt hại khác bị can đã gây ra; việc khắc phục, bồi thường thiệt hại; các câu hỏi khác nhằm xác định khung hình phạt, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can như gia đình bị can có ai là người có công với cách mạng không, bị can phạm tội lần đầu hay tái phạm, bị can có biết bị hại là người dưới 16 tuổi, là phụ nữ có thai hay không?

Lấy lời khai bị hại vụ án cướp tài sản cần đặt các câu hỏi cụ thể nhằm làm rõ quá trình tiếp cận, dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, hướng tẩu thoát của người phạm tội; sự phản kháng, chống trả, tình trạng bệnh tật, khả năng tự vệ của bị hại; số lượng, đặc điểm, nguồn gốc và giá trị tài sản bị chiếm đoạt; các thương tích do đối tượng gây ra; yêu cầu của bị hại trong việc xử lý người phạm tội và việc bồi thường thiệt hại.

Tránh đặt ra các câu hỏi dài dòng gây khó hiểu, khó trả lời đối với bị can, người tham gia tố tụng khác, trái lại câu hỏi cần ngắn gọn, rõ ràng, đi vào trọng tâm, chẳng hạn đối với bị hại có thể hỏi: anh A có mối quan hệ như thế nào với bị can; đặc điểm, số lượng, nguồn gốc và giá trị tài sản chiếm đoạt; bị can đã có hành động, lời nói gì với anh; bị can đã sử dụng hung khí gì, gây thương tích tại vị trí nào trên cơ thể anh; đặc điểm hung khí mà bị can đã sử dụng...

Trong các vụ án có đồng phạm, Kiểm sát viên cân nhắc thứ tự hỏi cung, lấy lời khai người tham gia tố tụng sao cho hợp lý. thực tế cho thấy việc giáo dục, thuyết phục, hỏi cung những bị can giúp sức, phạm tội lần đầu, có vai trò không đáng kể trong vụ án trước, rồi xác minh, đánh giá tính khách quan trong lời khai của họ, sau đó sử dụng lời khai của họ để đấu tranh với các bị can khác thường đem lại hiệu quả cao.

Với những bị can chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm thường có hiểu biết nhất định về pháp luật, tự tin về khả năng che giấu hành vi phạm tội của mình, tin tưởng đồng bọn sẽ không nhận tội hoặc đang chờ đợi sự giúp đỡ từ bên ngoài, do đó, bị can rất ngoan cố, giữ im lặng, nếu có khai báo thì cũng chỉ khai báo quanh co, nhỏ giọt để thăm dò sự hiểu biết của Kiểm sát viên về các tình tiết của vụ án.

Đây là tình huống khó khăn, phức tạp đòi hỏi Kiểm sát viên kiên trì, chịu khó, dành thời gian tập trung nghiên cứu hoàn cảnh gia đình, đặc điểm nhân thân của bị can, nhất là các tình tiết liên quan đến truyền thống gia đình, thành tích công tác trước đây của bị can và hoàn cảnh sống của cha mẹ, vợ, chồng, con của bị can; lấy lời khai người làm chứng, bị hại trước để kiểm tra, bổ sung và củng cố tài liệu, chứng cứ; đánh giá, lựa chọn kỹ các tài liệu, chứng cứ và đưa ra đúng thời điểm, bảo đảm tạo được bất ngờ đối với bị can mới đem lại kết quả tích cực.

Cùng với đó, chú trọng khai thác, khoét sâu các mâu thuẫn trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày, lợi ích giữa các bị can, từ đó khiến bị can này tích cực, thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội của bị can khác trong vụ án và ngược lại.

leftcenterrightdel
 Phối hợp lấy lời khai người tham gia tố tụng (Ảnh: VKS Hà Tĩnh)
Đối với bị hại, việc lấy lời khai cần tính đến các yếu tố về độ tuổi, mức độ phát triển về thể chất và tinh thần, loại tội phạm để lựa chọn cách thức triệu tập, nơi lấy lời khai, phương pháp lấy lời khai, chẳng hạn trong các tội xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của trẻ em, bị hại là trẻ em thường có tâm lý sợ hãi, sợ tiếp xúc với người lạ, do đó Kiểm sát viên nên lấy lời khai tại nhà hoặc nơi khác thân thuộc với trẻ, dành nhiều thời gian tiếp xúc để trẻ thấy quen thuộc, chỉ lấy lời khai khi trẻ không có các biểu hiện tâm lý tiêu cực, thời gian lấy lời khai nhanh chóng.

Thực tiễn cho thấy một số trường hợp họ khai thêm về hành vi, mức độ thiệt hại về tài sản, thương tích của bản thân và mong muốn xử lý nghiêm đối với bị can. Trong tình huống này, Kiểm sát viên cần giải thích cho bị hại biết về các quy định của pháp luật, sử dụng tài liệu, chứng cứ cho bị hại thấy rõ các yêu cầu, đề nghị của bị hại là không đúng với thiệt hại thực tế xảy ra, qua đó làm chuyển biến thái độ khai báo của họ.

Lời khai người làm chứng thường khách quan do họ không gây thiệt hại, cũng không bị thiệt hại do người phạm tội gây ra, cho nên trường hợp họ từ chối khai báo, khai báo không trung thực thì có thể do có mối quan hệ với bị can hoặc bị hại hoặc sợ bị liên lụy, sợ bị can trả thù. Vì vậy, Kiểm sát viên cần tìm hiểu chính xác nguyên nhân và giải quyết vướng mắc trong tư tưởng của họ, giúp họ yên tâm khai báo.

Kiểm sát viên khai thác triệt để mọi hiểu biết của họ về hành vi của người phạm tội trong các giai đoạn chuẩn bị phạm tội, thực hiện và che giấu tội phạm; các tin tức, tài liệu về nhân thân của người phạm tội; mối quan hệ giữa họ với người phạm tội, bị hại…Tùy thuộc vào loại tội phạm, từng vụ án và hoàn cảnh cụ thể mà xác định các tình tiết cần lấy lời khai của người làm chứng, như lấy lời khai người làm chứng trong vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ cần hỏi về điều kiện thời tiết, tình trạng mặt đường; vị trí của người làm chứng đến vị trí xảy ra tai nạn; phần đường, hướng chuyển động của các phương tiện; tình trạng của người điều khiển phương tiện; hành vi, vị trí người, đồ vật, dấu vết sau khi xảy ra tai nạn...

Ngoài ra, để bảo đảm tính khách quan trong lời khai của người làm chứng, KSV còn cần yêu cầu người làm chứng khai rõ vì sao họ biết được tình tiết mà họ đã trình bày liên quan đến nguồn tin về tội phạm, vụ án, nhân thân người bị buộc tội, bị hại (họ nhìn thấy hành vi của người phạm tội; họ nghe thấy sự bàn bạc, thảo luận giữa những người phạm tội hay họ được người khác kể lại)…


[1] Quy chế Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành kèm theo Quyết định số 111/QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Quy chế số 111).

Nguyễn Cường