Chỉ thị nêu rõ, năm 2023, ngành KSND tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hơn nữa trong công tác nhằm mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu nhiệm vụ; Viện trưởng VKSND tối cao chỉ thị phát động Phong trào thi đua yêu nước năm 2023 trong toàn Ngành với chủ đề: “Đoàn kết, gương mẫu, trách nhiệm, vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023” với các yêu cầu cụ thể.

Trước hết, đổi mới, tạo sự chuyển biến tích cực mang lại hiệu quả cao trong công tác thi đua, khen thưởng. Lãnh đạo các cấp Kiểm sát cần gương mẫu đi đầu, “công việc làm trước, khen thưởng nhận sau”; gắn công tác thi đua gắn với kết quả chuyên môn; thi đua là động lực phấn đấu của từng cá nhân, tập thể và toàn Ngành; đẩy mạnh thi đua toàn diện trên các lĩnh vực công tác. Thi đua không chỉ nhận hình thức khen thưởng mà thi đua chính là sự đóng góp những kinh nghiệm, cách làm hay nhằm giải quyết thực tiễn công tác của Ngành, đơn vị.

Thủ trưởng đơn vị, người đứng đầu Viện kiểm sát các cấp chủ động sáng tạo xây dựng kế hoạch phát động, triển khai thực hiện các phong trào thi đua gắn với chức trách, nhiệm vụ của đơn vị do mình quản lý nhằm tạo sự chuyển biến thực chất về nhận thức và hành động của cá nhân, tập thể, đơn vị, hướng tới xây dựng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động ngành KSND gương mẫu, tận tụy, trách nhiệm, kỷ cương, có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới theo đúng phương châm công tác “Đoàn kết, trách nhiệm - kỷ cương, liêm chính - bản lĩnh, hiệu quả”.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng Báo Bảo vệ pháp luật nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Báo. (Ảnh minh hoạ)

Công tác khen thưởng phải bảo đảm khách quan, kịp thời, công khai, minh bạch, công bằng; quan tâm khen thưởng tập thể nhỏ và cá nhân trực tiếp thực thi nhiệm vụ; chú trọng khen thưởng đột xuất, phát hiện, lựa chọn các cá nhân, tập thể có sáng kiến, thành tích xuất sắc để khen thưởng. Thường xuyên bồi dưỡng, xây dựng các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích, đủ điều kiện để đề nghị khen thưởng hình thức cao, góp phần tạo động lực thi đua.

Tiếp tục triển khai thực hiện và hưởng ứng có hiệu quả các phong trào thi đua đã được phát động trong đó đặc biệt chú trọng phong trào “Ngành KSND thi đua rèn luyện theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Công minh, Chính trực, Khách quan, Thận trọng, Khiêm tốn”. Nội dung, tiêu chí thi đua phải cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra và giám sát; triển khai các giải pháp tạo không khí đoàn kết, thi đua sôi nổi giữa tập thể với tập thể, cá nhân với cá nhân trong đơn vị, khích lệ, động viên, tạo động lực để huy động sự tham gia của đông đảo công chức, viên chức, người lao động, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Các cụm, khối thi đua tăng cường phối hợp tổ chức triển khai, phát động thi đua; giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp trong việc thực hiện các phong trào thi đua nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thi đua, khen thưởng, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ.

Mặt khác, chú trọng nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về hoạt động thi đua, khen thưởng, phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến, cách làm hay, hiệu quả. Báo Bảo vệ pháp luật, Tạp chí Kiểm sát, Cổng thông tin điện tử của Ngành và trang thông tin điện tử của các đơn vị cần tăng thời lượng, xây dựng chuyên mục về hoạt động thi đua, khen thưởng, tấm gương người tốt, việc tốt để nêu gương, tạo sự lan tỏa trong toàn Ngành.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả tham mưu của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, tăng cường bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ của cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng.

Ngoài ra, Chỉ thị giao Vụ Thi đua - Khen thưởng tổng hợp, báo cáo Hội đồng xét, đề nghị công nhận sáng kiến Ngành xem xét chọn những kinh nghiệm, cách làm hay trình Lãnh đạo VKSND tối cao quyết định việc phổ biến thực hiện trong từng khâu công tác, cấp kiểm sát hoặc cho toàn Ngành.

BVPL