leftcenterrightdel
Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội tại Hội trường Diên Hồng ngày 8/11. 

Tìm giải pháp cho các hoạt động kinh tế mới

Phát biểu thảo luận, đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng, cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19 sẽ vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến nước ta, cần tiếp tục tìm giải pháp cho các hoạt động kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Một trong số đó là có giải pháp, chính sách cho phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái.

Đại biểu Tân cho rằng, một trong những nội dung được quan tâm là chính sách khuyến khích phát triển các mô hình khu công nghiệp sinh thái. Khu công nghiệp sinh thái là mô hình khu công nghiệp hướng tới việc phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường không những mang lại nhiều giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp mà còn đóng góp to lớn trong việc giảm thiểu tác động của các dự án sản xuất, môi trường, góp phần xây dựng kinh tế tuần hoàn.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng phát biểu thảo luận.

Vì vậy, những chính sách ưu đãi đầu tư vào khu vực này cần thiết thực hơn đối với các nhà đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, doanh nghiệp trong khu công nghiệp có sự đột phá để khuyến khích nhà đầu tư phát triển theo mô hình khu công nghiệp sinh thái.

Đại biểu Tân đề nghị, đối với chính sách ngoài những ưu đãi cho khu công nghiệp sinh thái theo quy định hiện hành thì Chính phủ cần nghiên cứu, xem xét bổ sung các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp có thể được áp dụng tương tự như khu kinh tế. Phân cấp theo quy định hiện hành thì chủ đầu tư phải trải qua nhiều bước, nhiều thủ tục mới được công nhận là khu công nghiệp sinh thái…

Cho rằng, kỳ vọng kinh tế tăng trưởng 3-3,5% trong năm nay khó có thể đạt được, đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, cho rằng, cần đánh giá cẩn trọng các mục tiêu trong kế hoạch 5 năm.

leftcenterrightdel
Đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau phát biểu thảo luận.

Đại biểu Vân đề xuất 5 giải pháp trọng tâm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, gồm: Sắp xếp trật tự ưu tiên theo hướng ưu tiên và củng cố, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cao trong quản lý và lãnh đạo; tập trung rà soát và sửa đổi thể chế; đẩy nhanh việc ứng dụng khoa học công nghệ, bảo quản vào sản xuất và lưu thông, đặc biệt là ứng dụng công nghệ mới vào quá trình quản lý để cắt giảm bộ máy và nhân lực, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển…

“Con cháu chúng ta không phải ly hương mà có thể ly nông…”

Phát biểu thảo luận, đại biểu Vũ Tiến Lộc – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội chỉ rõ sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng và dòng người lao động hồi hương từ dịch bệnh đã cho thấy một cách tiếp cận mới trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, nếu các siêu đô thị và các đại công trường vẫn ôm vào trong lòng mình các ngành công nghiệp mà chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, sử dụng lực lượng lao động thủ công khổng lồ như hiện nay thì một mặt sẽ tiếp tục gây quá tải cho các trung tâm này, mặt khác lại chèn lấn, thu hút đầu tư phát triển của các địa phương khác đang nghèo hơn và chủ yếu mưu sinh bằng nông nghiệp.

leftcenterrightdel
Đại biểu Vũ Tiến Lộc – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội phát biểu thảo luận. 

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, mô hình này cũng không đảm bảo sự phát triển bền vững, bao trùm và khó có khả năng chống chịu trước những biến cố sẽ xảy ra trong tương lai. Vì vậy, cần phải xây dựng thêm nhiều trung tâm và các chuỗi đô thị tại các vùng kinh tế khác nhau để tạo thêm những cực tăng trưởng mới của nền kinh tế để có thể chia lửa cho Thủ đô Hà Nội, cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Từ đó, có thể lan tỏa sự phát triển đến các vùng nông thôn và các tỉnh, thành phố khác để chúng ta có thể phát triển một nền kinh tế cân bằng, an toàn, hiệu quả; con cháu chúng ta không phải ly hương mà có thể ly nông để có việc làm và ở trên quê hương mình, làm giàu trên quê hương mình mà không phải cuốn về các trung tâm đô thị chật chội.

Để thúc đẩy quá trình tái khởi động và phục hồi nền kinh tế trong hai năm tới, bên cạnh các chính sách về tài khóa, tiền tệ, về an sinh xã hội, đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng phải áp dụng một giải pháp phi tài chính hay nói khác đi là các cơ chế về các thủ tục đặc thù để thúc đẩy cho sản xuất kinh doanh, đầu tư toàn xã hội với nội hàm cụ thể có thể là rút gọn các thủ tục quản trị rủi ro, chuyển sang hậu kiểm; hạn chế thanh, kiểm tra, thực hiện chủ yếu trên nền tảng trực tuyến và không ban hành thêm bất cứ một chính sách nào có thể làm phát sinh các thủ tục và chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, dư địa chính sách tiền tệ là không còn nhiều nên biện pháp tiếp “máu” cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay chỉ có thể là sự cộng hưởng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, trong đó chính sách tài khóa phải đóng vai trò chủ đạo…

leftcenterrightdel
 Đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh phát biểu thảo luận.

Cùng quan điểm, đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh, nhấn mạnh ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện quan trọng hàng đầu để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Việc kết hợp một cách chặt chẽ, khoa học giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ sẽ vừa đảm bảo nguồn cung tiền cho phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm chỉ số lạm phát giới hạn ở mức độ cho phép, tránh gây xáo trộn nền kinh tế…

Cảnh Vũ