leftcenterrightdel
 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung làm việc (ảnh: VPQH cung cấp).

Cần nghiên cứu thêm các quy định liên quan đến Quỹ bảo tồn di sản văn hóa

Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Văn Thức - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa thống nhất sự cần thiết thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa (Điều 90) là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách. Theo đại biểu, đây là một giải pháp hữu hiệu để huy động nguồn lực đầu tư cho bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Trần Văn Thức - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Văn Thức cũng đề nghị rà soát, thiết kế lại khoảng 4, Điều 90 về Nguyên tắc thành lập Quỹ. Theo đó, thay đổi từ “Nguyên tắc thành lập Quỹ” thành “Nguyên tắc hoạt động Quỹ bảo tồn di sản văn hóa”. Đồng thời, đại biểu đề nghị ban soạn thảo bổ sung các nguyên tắc hoạt động của Quỹ cho phù hợp…

Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Sùng A Lềnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cho biết, liên quan đến Quỹ bảo tồn di sản văn hóa, khoản 1 Điều 90 của dự thảo Luật quy định: “1. Quỹ bảo tồn di sản văn hóa là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật để hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa được ngân sách Nhà nước đầu tư, hỗ trợ hoặc đầu tư chưa đủ…”.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Sùng A Lềnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Bên cạnh đó, tại khoản 3 và khoản 5 Điều 90 quy định: “Quỹ bảo tồn di sản văn hóa có tư cách pháp nhân; có con dấu riêng. Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở Trung ương do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định thành lập; Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở địa phương do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập”.

Theo đại biểu Sùng A Lềnh, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và Điều 12 Nghị định 163/2016 hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước không quy định về tư cách pháp nhân của quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách.

Do vậy, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, làm rõ hơn về cơ sở thực tiễn, cơ sở pháp lý và mục tiêu của Quỹ để đảm bảo tính khả thi, thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước và các quy định khác có liên quan…

Bổ sung thêm quy định về giá trị thẩm mỹ, kiến trúc, lịch sử trong việc tôn tạo, tu bổ di tích, di sản

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho biết, quy định tại Điều 3 trong dự thảo Luật về giải thích từ ngữ, tại khoản 26 có quy định: “Yếu tố gốc cấu thành di tích là yếu tố tạo nên giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện đặc trưng của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh”.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Theo đại biểu, đây là một nội dung rất quan trọng để làm căn cứ cho việc tôn tạo, tu bổ, phục hồi di tích, di dời, thay đổi thống kê hiện vật trong di tích…

Vì vậy, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần làm rõ cơ quan chuyên môn nào có khả năng đánh giá về các yếu tố cấu thành di tích. Tại Luật Di sản văn hóa 2001 có quy định yếu tố gốc cấu thành di tích bao gồm giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học thẩm mỹ.

“Như vậy, Luật Di sản văn hóa 2001 có thêm yếu tố thẩm mỹ và theo tôi, các di tích có cả giá trị về mặt kiến trúc. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét thêm giá trị thẩm mỹ và giá trị kiến trúc trong các yếu tố cấu thành di tích” - đại biểu Nguyễn Văn Cảnh kiến nghị.

Phát biểu góp ý tại phiên họp, đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện công việc liên quan đến lĩnh vực lịch sử cùng với các tổ chức, cá nhân như các hội trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật, khoa học công nghệ như dự thảo đã quy định tại khoản 1, Điều 88 đủ điều kiện tham gia các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Vì vậy, theo đại biểu, ngoài Hội Khoa học và công nghệ thì Hội Khoa học lịch sử từ Trung ương đến địa phương đã và đang tham gia tích cực các hoạt động nghiên cứu, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cũng như khi tiến hành các công việc giám định di vật, cổ vật. Tại Điều 39 dự thảo Luật có quy định yêu cầu chuyên môn khi giám định có liên quan đến lịch sử niên đại của di vật, cổ vật, cho nên cần xem xét bổ sung nội dung này. 

Theo đại biểu, công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa không chỉ là những nhóm nhiệm vụ tu bổ, phục hồi, chống nguy cơ xuống cấp di sản mà còn phải quan tâm đến nhiệm vụ, giải pháp phát huy tốt nhất giá trị di sản, đồng thời thực hiện đầy đủ và trách nhiệm các biện pháp được cam kết về bảo vệ di sản văn hóa...

Diên Hồng