Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) đề nghị Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ ban hành Nghị quyết khẩn cấp về việc phòng, chống đại dịch COVID -19.
“Trong 2 năm qua, Việt Nam cũng như các nước trên thế giới phải chống chọi với đại dịch COVID -19. Tuy nhiên, đến nay, Quốc hội chưa có riêng văn bản chính thức nào về phòng chống dịch, bệnh này” - đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu ý kiến.
|
|
Đại biểu Nguyễn Anh Trí - đoàn ĐBQH TP. Hà Nội. |
Đồng tình với quan điểm nêu trên, đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh phát biểu: “Lần trước, trong các phiên họp của Quốc hội khóa XIV, tôi đã đề xuất Quốc hội sớm có Nghị quyết về đại dịch COVID -19 vì phạm vi ảnh hưởng của nó quá rộng. Không chỉ là vấn đề mua sắm vật tư, máy móc, thiết bị mà còn liên quan đến nhân lực, tài chính, chính sách cho lực lượng tuyến đầu - các y bác sĩ đang hết sức vất vả trong cuộc chiến này”.
Trình bày trước Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang (hiện đang là Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) thay mặt các y bác sĩ và những người chống dịch nơi tuyến đầu cảm ơn sự ủng hộ của Quốc hội, các ĐBQH trong hoạt động chống dịch. Ông Hiếu khẳng định, những sự ủng hộ đó đóng vai trò rất quan trọng đối với những người đang trực tiếp chiến đấu chống COVID-19.
|
|
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang. |
“Chúng tôi rất cần sự ủng hộ này và cần hơn nữa một hành lang pháp lý để yên tâm chống dịch, không phải lo tới quy định thủ tục rườm rà - đôi khi vì khẩn cấp, đặt sức khỏe con người lên trên hết mà tặc lưỡi bỏ qua, vi phạm các quy định” - ông Hiếu bày tỏ.
Trước những tác động của đại dịch, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu đề cao tầm quan trọng của việc xem xét Dự án Luật Khám chữa bệnh sửa đổi, vốn từng được 2 lần dự kiến đưa vào chương trình kỳ họp của Quốc hội khóa XIV nhưng bị rút ra vào phút chót. Sửa đổi các quy định là bước đi pháp lý để những đổi mới như nền tảng khám chữa bệnh từ xa như Telehealth được công nhận và đưa vào áp dụng.
|
|
Phiên làm việc của Quốc hội ngày 21/7. |
“Dù Bộ Y tế, Cục Khám chữa bệnh đã cố gắng ban hành các thông tư hướng dẫn nhưng vì không có trong luật nên rất khó khăn khi áp dụng diện rộng. Ví dụ như việc cho phép bác sĩ khám chữa bệnh từ xa, kê đơn thuốc và chịu trách nhiệm về đơn thuốc đấy; hay quyền lợi của người bệnh, của bệnh viện trong quá trình khám bệnh từ xa đang bị vướng” - đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.
Trả lời báo chí, TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Theo cách tính thông thường, trung bình mỗi bệnh nhân cần 2 nhân lực y tế thì đối với trường hợp các bệnh nhân nặng, nguy kịch, tỷ lệ này sẽ gia tăng lên gấp 3. Trong trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, nguy kịch thì gánh nặng này càng lớn bởi yêu cầu túc trực chăm sóc, sẵn sàng cho những trường hợp diễn tiến bất thường cũng như nguy cơ lây nhiễm... Các bác sĩ, nhân viên y tế không chỉ làm việc gấp đôi, gấp ba mà có lẽ còn nhiều hơn thế nữa.
|