Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng 28/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. 

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 28/10 (ảnh: VPQH cung cấp).

Phát biểu giải trình làm rõ một số nội dung tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, trong phiên thảo luận tại Tổ và Hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội đã quan tâm cho ý kiến về một số vấn đề thuộc trách nhiệm của ngành công thương, đặc biệt là tình hình cung ứng xăng dầu trên phạm vi cả nước, nhất là tại 2 thành phố lớn là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Về tình hình cung ứng xăng dầu trên phạm vi cả nước, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đồng tình và chia sẻ những nỗi băn khoăn của các đại biểu Quốc hội. Xăng dầu là vật tư chiến lược, có ý nghĩa sống còn của mọi nền kinh tế, vấn đề khủng hoảng năng lượng đã, đang và sẽ ngày càng trở nên trầm trọng trong phạm vi toàn cầu.

Ở nước ta, theo quy định hiện hành, vấn đề quản lý cung ứng, kinh doanh xăng dầu được giao cho 7 bộ, ngành, cơ quan chức năng và chính quyền 63 tỉnh, thành phố thực hiện. Để làm tốt công tác này, cần có sự hợp tác chặt chẽ, nhuần nhuyễn, hiệu quả, nhất là trong bối cảnh có nhiều biến động.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu giải trình làm rõ một số nội dung tại phiên thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Bộ Công thương được giao nhiệm vụ chính là lập kế hoạch tạo nguồn cung ứng, cùng chính quyền địa phương quản lý hệ thống kinh doanh xăng dầu trên cả nước. Tuy nhiên, ngành Công thương cần sự ủng hộ, giúp đỡ của Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại trong việc cho vay, bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp xăng dầu, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hệ thống phân phối.

Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng và các địa phương đã nỗ lực cố gắng trong chỉ đạo điều hành thông qua các công cụ thuế, phí, quỹ bình ổn và cả chính sách xã hội. Vì thế, thị trường xăng dầu nước ta cơ bản được ổn định, tổng nguồn cung không thiếu, giá cả hợp lý và luôn ở nhóm nước có mức giá bán lẻ thấp nhất trong khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, để xảy ra hiện tượng thiếu hàng cục bộ ở hệ thống phân phối, thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam là điều rất đáng tiếc và bất thường. Bởi dù hoàn cảnh khó khăn giống nhau nhưng phần lớn các tỉnh, thành phố, nhất là phía Bắc và miền Trung thì không xảy ra như vậy.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên thảo luận của Quốc hội sáng 28/10 (ảnh: VPQH cung cấp).

Về giải pháp khắc phục tình trạng này trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: Tập trung chỉ đạo hướng dẫn các doanh nghiệp đầu mối, kinh doanh phân phối chia sẻ nguồn cung trong dự trữ của mình để kịp thời chi viện, ứng cứu trong điều hành; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về tiếp cận nguồn vốn bảo lãnh tín dụng, đây được xem là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp xăng dầu có thể tồn tại, phát huy vai trò quan trọng của mình trong cung ứng cho xã hội cho mặt hàng đặc biệt này.

Đồng thời, để doanh nghiệp xăng dầu không lỗ và có lỗ thì cũng trong khả năng chịu được ở thời điểm thị trường xăng dầu có nhiều biến động thì Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành chức năng tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ và cùng các cơ quan chức năng tiếp tục sử dụng công cụ thuế, phí, quỹ xăng dầu và chính sách an sinh khi cần thiết để điều hành giá bán lẻ xăng dầu phù hợp với biến động giá thế giới, đáp ứng mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai phần mềm quản lý, phân phối kinh doanh xăng, dầu thống nhất trực tiếp từ Bộ Công thương đến các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp đầu mối và thực hiện phân phối; từ các tỉnh, thành phố đến các đại lý bán lẻ trong cả nước nhằm bảo đảm tính khách quan, chính xác, minh bạch, kịp thời. Khẩn trương triển khai, rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xăng dầu.

Vũ Cảnh