Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp đang được trình Quốc hội xem xét, dự kiến sẽ được xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV. Đáng chú ý là, trong dự thảo luật này bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao” là một trong các tổ chức Giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử (khoản 4, khoản 5 Điều 12).

Xung quanh nội dung này, dưới góc độ của nhà nghiên cứu về hoạt động điều tra tội phạm nói chung và công tác giám định trong điều tra hình sự nói riêng, trao đổi với phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, chuyên gia Trần Đình Hải (Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội) đã có những phân tích toàn diện.

Phóng viên: Là một chuyên gia nghiên cứu về hoạt động điều tra tội phạm và giám định trong điều tra hình sự, ông đánh giá như thế nào về việc hoàn thiện Luật Giám định tư pháp theo hướng bổ sung nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử cho Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao?

Chuyên gia Trần Đình Hải: Trước tiên, tôi xin khẳng định, thời điểm hiện tại, việc thành lập cơ quan có chức năng giám định của VKSND tối cao là cần thiết và hoàn toàn hợp lý, điều này đáp ứng được những yêu cầu bức thiết của thực tiễn đặt ra. Theo tôi được biết, hiện trong Dự thảo Luật đã bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao” là một trong các tổ chức giám định tư pháp (GĐTP) công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử (khoản 4, khoản 5 Điều 12). Dưới góc độ của một nhà nghiên cứu về hoạt động điều tra tội phạm nói chung và công tác giám định trong điều tra hình sự nói riêng, tôi cho rằng, thành lập cơ quan giám định của VKSND tối cao là việc làm cần thiết. Bởi lẽ, nó hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu về pháp lý. Cụ thể:  

Một là, liên quan đến các quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân trong công tác đấu tranh chống tội phạm, điều này cũng đồng nghĩa với các điều kiện để Viện kiểm sát hoàn thành và nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tội phạm, tránh bỏ lọt tội phạm, tránh làm oan người vô tội. Khoản 7 Điều 165 Bộ luật Tố tụng hình sự khi nói về mối quan hệ giữa Viện kiểm sát với Cơ quan điều tra quy định, Viện kiểm sát trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra có quyền trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra trong trường hợp để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi xét phê chuẩn lệnh, quyết định của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc trường hợp phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục hay trường hợp để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi quyết định việc truy tố. Vì vậy, cơ quan giám định thuộc VKSND là căn cứ để VKS có thể chủ động tiến hành các hoạt động kiểm tra lại nguồn chứng cứ vô cùng quan trọng, thậm chí có ý nghĩa quyết định trong việc chứng minh tội phạm này.

Hai là, trong quá trình lấy ý kiến tại nghị trường Quốc hội, có đại biểu còn băn khoăn về việc liệu việc thành lập cơ quan giám định của VKSND có dẫn đến tình trạng “vênh” với chính quy định về tổ chức của ngành Kiểm sát theo quy định của Luật tổ chức VKSND hay không? Cá nhân tôi cho rằng, điều này không hề có bất cập, khoản 3 Điều 4 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 quy định, VKSND có quyền hạn được trực tiếp kiểm sát; xác minh, thu thập tài liệu để làm rõ vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp. Do đó, việc bổ sung thêm nhiệm vụ giám định thuộc VKSND tối cao có ý nghĩa chi tiết hóa quyền hạn vốn có của Viện kiểm sát và sẽ trở thành công cụ hữu hiệu để Viện kiểm sát thực hiện được các quyền hạn, nhiệm vụ của mình theo quy định pháp luật chứ hoàn toàn không mâu thuẫn với quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 2014.

Ba là, khoản 4 Điều 12 Luật Giám định tư pháp năm 2012 quy định: “Tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự bao gồm: Viện khoa học hình sự thuộc Bộ Công an; Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh; Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng”. Trong khi VKSND tối cao có Cơ quan điều tra VKSND tối cao cũng là Cơ quan điều tra chuyên trách nhưng VKSND tối cao chưa được quy định một đơn vị có nhiệm vụ giám định kỹ thuật hình sự như Cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng để ít nhất tạo sự chủ động cho chính Cơ quan điều tra VKSND tối cao. Điều này rõ ràng là chưa hợp lý. Hơn nữa, Cơ quan điều tra VKSND tối cao là thiết chế kiểm soát quyền lực tư pháp, góp phần quan trọng bảo đảm hoạt động tư pháp trong sạch, vững mạnh; đồng thời là cơ chế để Viện kiểm sát thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động tư pháp. Vì vậy, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để VKSND thực hiện kịp thời, khách quan trong việc trực tiếp điều tra của mình, là trách nhiệm không chỉ của riêng ngành Kiểm sát.

Bốn là, hiện nay có nhiều cơ sở giám định tư nhân (Trung tâm tư vấn, giám định dân sự...) cũng có thể giám định có kết quả khách quan và chất lượng, nhất là lĩnh vực âm thanh, hình ảnh, kỹ thuật số nói chung nhưng theo quy định của pháp luật, đây chỉ có thể coi là tài liệu tham khảo, không có giá trị là chứng cứ do các đơn vị này không có thẩm quyền giám định kỹ thuật hình sự. Vì vậy, việc ra đời cơ quan giám định của VKSND cũng là giải pháp khắc phục những bất cập trong chính quy định của pháp luật về giám định trong bối cảnh việc sử dụng kết luận của các tổ chức tư nhân trong công tác giám định kĩ thuật hình sự còn đang tiếp tục phải nghiên cứu kĩ càng.

leftcenterrightdel

  Giám định mẫu vật chứng trong vụ án hình sự.

Phóng viên: Như vậy, có nghĩa là việc thành lập, bổ sung chức năng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao là đòi hỏi khách quan, đáp ứng những yêu cầu bức thiết của thực tiễn công tác đấu tranh chống tội phạm, thưa ông?

Chuyên gia Trần Đình Hải: Trước tiên, với chức năng là cơ quan điều tra chuyên trách trong hệ thống cơ quan điều tra hình sự ở Việt Nam. Từ khi thực hiện quy định về thẩm quyền tại Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Điều 30 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Cơ quan điều tra VKSND tối cao, ngoài thẩm quyền điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, còn có thẩm quyền điều tra tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp. Sau 2 năm thực hiện thẩm quyền điều tra mới, số lượng các vụ án do Cơ quan điều tra VKSND tối cao thụ lý, khởi tố, điều tra ngày càng tăng (năm 2018 tăng 11,8%; năm 2019 tăng 26,1% và dự báo tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới); trong đó, tội phạm về tham nhũng, chức vụ được phát hiện, khởi tố chiếm tỷ lệ cao (60-70% trên tổng số án). Hơn nữa, trong số đó có  khoảng trên 80% các vụ án do Cơ quan điều tra VKSND tối cao điều tra có liên quan đến việc thu thập, giám định chứng cứ dữ liệu điện tử (chứa trong máy tính, điện thoại di động, camera, máy ghi âm, ghi hình...); rất nhiều vụ án, chỉ có duy nhất lời khai của người tố cáo, kèm chứng cứ dữ liệu điện tử (USB, đĩa DVD, VCD, điện thoại...) có chứa dữ liệu ghi âm, ghi hình việc nhận hối lộ, nên công tác giám định có ý nghĩa quan trọng trong đánh giá chứng cứ, nhất là trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ hiện nay.

Tuy nhiên, như đã phân tích, hiện nay tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự chỉ có Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Bộ Công an có tổ chức giám định tư pháp gồm: Viện khoa học hình sự thuộc Bộ Công an; Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh, trong đó việc giám định âm thanh, hình ảnh chỉ có thể thực hiện ở Viện khoa học hình sự Bộ Công an. Vì vậy, hiện nay toàn bộ việc giám định âm thanh, hình ảnh của các cơ quan tiến hành tố tụng (trong đó có Cơ quan điều tra VKSND tối cao và Viện kiểm sát nhân dân các cấp) đều phải trưng cầu giám định tại Viện Khoa học hình sự (C09) Bộ Công an. Thực tế này đã đặt ra những khó khăn trong vấn đề đảm bảo thời hạn tố tụng, bị động, chậm trễ trong triển khai các hoạt động điều tra khác, bất cập, thậm chí không có lối thoát trong việc nếu có nhu cầu giám định lại. Hơn nữa, do kết luận giám định không kịp thời, nên nhiều vụ việc sau khi có kết luận giám định thì không còn điều kiện để thu thập chứng cứ, tài liệu chứng minh tội phạm, đó là chưa tính tới khả năng có lộ bí mật điều tra hay không?...

Mặt khác, đối với các vụ việc có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp, đặc biệt với các nguồn tin về tội phạm liên quan đến tố giác các vi phạm của cán bộ ngành Công an thì việc gửi quyết định trưng cầu (kể cả lần 1 hay giám định lại, giám định bổ sung) tới cơ quan giám định của ngành Công an chắc chắn không tránh khỏi những nghi ngại về tính khách quan.

Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và Quyết định số 1172/QĐ-TTg ngày 11/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án ghi âm, ghi hình trong hỏi cung bị can, hoạt động này phải bắt đầu thực hiện từ ngày 01/01/2020, điều này chắc chắn sẽ làm phát sinh số lượng lớn yêu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh khi có khiếu nại về bức cung, nhục hình, trong đó các khiếu nại này sẽ tập trung nhiều vào các đối tượng thuộc các cơ quan giam, giữ hiện tại chỉ được tổ chức ở ngành Công an, Quân đội. Do đó, nếu VKS có đơn vị giám định, điều này vừa đảm bảo tính khách quan trong giải quyết lại vừa góp phần giảm áp lực, quá tải của cơ quan giám định ngành Công an, góp phần đảm bảo tiến độ ban hành kết luận giám định phù hợp với quy định của pháp luật.

Một điểm nữa cần nhấn mạnh là, thông qua việc được trực tiếp tiến hành công tác giám định, VKSND cũng có phần tác động nhằm bảo đảm sự tuân thủ pháp luật, tránh sự tùy tiện hoặc cố ý vi phạm của giám định viên các cơ sở giám định khác. Sự hiện diện của cơ quan giám định của VKSND sẽ luôn là sự nhắc nhở các cán bộ của cơ quan này về nghĩa vụ tuân thủ pháp luật khi thực thi công vụ, còn cơ chế kiểm soát, phát hiện vi phạm thông qua công tác giám định bổ sung, giám định lại, nhờ đó, có thể ngăn ngừa được những hành vi tiêu cực (có thể xảy ra) hoặc sự thiếu trách nhiệm, tắc trách trong công việc của họ.

leftcenterrightdel

  Kiểm sát hiện trường vụ án hình sự.

Phóng viên: Có một số ý kiến băn khoăn về việc thành lập cơ quan giám định của ngành KSND, có gây phát sinh biên chế và các điều kiện khác để bảo đảm triển khai trên thực tế như thế nào? Ý kiến của ông về vấn đề này?

Chuyên gia Trần Đình Hải: Qua nghiên cứu, theo dõi, tôi được biết, việc thành lập cơ quan giám định của ngành KSND hiện tại đã đảm bảo hội tụ đủ điều kiện tổ chức thực hiện trong thực tiễn. Các điều kiện đó bao gồm:

Một là, công tác chuẩn bị cho việc thành lập được thẩm định kĩ càng, có đánh giá tác động trên thực tiễn. Trong đó, thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, với trách nhiệm là thành viên Ban soạn thảo, VKSND tối cao đã báo cáo, đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ về nội dung của dự án Luật liên quan đến hoạt động giám định tư pháp của VKSND tối cao.

Trước đó, VKSND tối cao cũng đã có 2 văn bản gửi Lãnh đạo Bộ Quốc phòng đề nghị bổ sung giám định âm thanh, hình ảnh tại Cục Điều tra hình sự, Bộ Quốc phòng, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện, do nhu cầu giám định trong Quân đội không nhiều. Ngày 11/6/2019, VKSND tối cao đã có Văn bản số 2513/VKSTC-V14 gửi Bộ Tư pháp đề nghị bổ sung nhiệm vụ giám định kỹ thuật hình sự cho Cơ quan điều tra VKSND tối cao. Theo đó, đề xuất bổ sung vào Điều 12 Luật Giám định tư pháp: “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao”.

Tiếp theo, ngày 18/9/2019, VKSND tối cao đã có Văn bản số 4256/VKSTC-C1 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và Bộ Tư pháp đề nghị xem xét đề xuất trên của VKSND tối cao. Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 19/9/2019, đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu đề xuất của VKSND tối cao để bổ sung trong dự thảo Luật Giám định tư pháp; đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên họp, kết luận giao các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, đánh giá đầy đủ về việc bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp cho VKSND tối cao. Gần đây nhất, VKSND tối cao cũng đã ra Công văn số 594 VKSTC-V14 gửi Bộ Tư pháp về việc báo cáo đánh giá tác động, giải trình về việc thành lập Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao theo quy định của Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật. Các hoạt động trên là minh chứng cho sự chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc, tinh thần cầu thị, nghiên cứu kiểm nghiệm thực tiễn của ngành KSND trong việc đề xuất thành lập đơn vị giám định.

Hai là, đã có sự chuẩn bị kĩ càng về phương án tổ chức và huy động các nguồn lực đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, đáp ứng điều kiện về tinh giản đầu mối đơn vị trực thuộc, chủ trương tinh giản biên chế. Theo đó, trước tiên, để trả lời ý kiến của nhiều quan điểm cho rằng việc thành lập cơ quan giám định thuộc Cơ quan điều tra VKSND tối cao như vậy vừa điều tra, vừa giám định, tức “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, điều này sẽ được giải quyết với việc cơ quan giám định được tổ chức theo hình thức trực thuộc trực tiếp VKSND tối cao. Việc trực thuộc VKSND tối cao không để lại những vướng mắc về cả lý luận và thực tiễn, bởi thực tế ngành Công an có chức năng điều tra tội phạm và cũng có chức năng giám định như hiện tại, chỉ cần hai đơn vị này độc lập với nhau trong hệ thống của ngành.

 Về yếu tố con người, VKSND tối cao đã có các cán bộ hiện đang công tác tại Phòng kĩ thuật hình sự - Cơ quan điều tra VKSND tối cao thực hiện nhiệm vụ kỹ thuật hình sự, đây là các công chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về điều tra hình sự, được đào tạo cơ bản về kỹ thuật hình sự như: thu thập, phân tích, trích xuất, lưu trữ, bảo quản phương tiện dữ liệu điện tử, chứng cứ dữ liệu điện tử, thu thập dấu vết, đánh giá chứng cứ. Trong thời gian tới, theo đề nghị từ phía nước bạn như Hàn Quốc, Hungary, Nhật Bản... VKSND tối cao sẽ chọn cử một số cán bộ có năng lực đi đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực giám định kỹ thuật hình sự tại các nước này.

Về kinh phí đảm bảo thực hiện: Trong Công văn số 594 VKSTC-V14 gửi Bộ Tư pháp, qua khảo sát VKSND dự tính kinh phí cho việc mua sắm các trang thiết bị ban đầu phục vụ công tác giám định (âm thanh, hình ảnh) không lớn. Trong khuôn khổ hợp tác quốc tế với VKSND tối cao, Viện Công tố tối cao Hàn Quốc có đề nghị được hỗ trợ một số trang thiết bị và hỗ trợ đào tạo cán bộ làm công tác giám định; VKSND tối cao cũng đang làm việc với Dự án KOICA tìm nguồn hỗ trợ kinh phí cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Hơn nữa, nội dung Thông báo số 205/TB-VPCP ngày 05/6/2018 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt cho phép VKSND tối cao xây dựng Đề án “Tăng cường năng lực Cơ quan điều tra và Kiểm sát viên VKSND trong hoạt động điều tra” cũng là điều kiện thuận lợi để VKSND triển khai các nội dung trên thực tế, trong đó có việc đảm bảo nguồn đầu tư cho việc thành lập Phòng Giám định kĩ thuật hình sự.

Về vấn đề đảm bảo chủ trương tinh giản biên chế, trong chỉ tiêu biên chế được giao, hàng năm, VKSND tối cao cam kết sẽ bố trí công chức từ các đơn vị nghiệp vụ trong ngành Kiểm sát nhân dân đến làm việc tại đơn vị này, đồng thời căn cứ vào chỉ tiêu biên chế do giảm tự nhiên (nghỉ chế độ hưu trí) để có thể tiếp nhận một số công chức có kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ kỹ thuật hình sự ở các ngành Công an, Quân đội đang làm chuyên môn nghiệp vụ giám định kỹ thuật hình sự. Do đó, tôi cho rằng, việc thành lập Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao không làm tăng thêm biên chế chung của ngành Kiểm sát nhân dân. Bên cạnh đó, tác động về kinh phí cho việc thành lập Phòng Giám định kỹ thuật hình sự như: cơ sở hạ tầng, công tác đào tạo, bồi dưỡng... là không lớn và không gây tốn kém kinh phí ngân sách nhà nước.

Ba là, đã xác định rõ lộ trình về phạm vi công tác giám định nếu được phê duyệt thành lập. Theo đó, để phù hợp với điều kiện thực tiễn trước mắt tập trung vào việc giám định âm thanh, hình ảnh và tài liệu, phục vụ nhu cầu trưng cầu giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng gồm:

Đối tượng trưng cầu thứ nhất là Cơ quan điều tra VKSND tối cao. Bởi lẽ, thực tế cho thấy, khoảng trên 80% các vụ án do Cơ quan điều tra VKSND tối cao điều tra có liên quan đến việc thu thập, giám định chứng cứ dữ liệu điện tử, các dữ liệu này chứa trong máy tính, điện thoại di động, camera, máy ghi âm, ghi hình... và đều tiến hành phải trưng cầu giám định.

Đối tượng trưng cầu thứ hai là VKSND các cấp. Điều này được lý giải bởi trong một số trường hợp có căn cứ của Bộ luật Tố tụng hình sự về việc phải tiến hành trưng cầu giám định, giám định bổ sung hay giám định lại, Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND có nhiệm vụ, quyền hạn ban hành quyết định trưng cầu giám định. Như đã nêu trên, hiện nay nhu cầu về trưng cầu giám định âm thanh, hình ảnh đang rất lớn, do đó, khi VKSND tối cao được giao nhiệm vụ giám định kỹ thuật hình sự, sẽ đáp ứng ngay nhu cầu đòi hỏi cấp bách của hoạt động tố tụng trong điều tra vụ án hình sự... của Viện kiểm sát nhân dân các cấp.

Đối tượng trưng cầu thứ ba là các Cơ quan điều tra khác, điều này khắc phục vướng mắc trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng đã trưng cầu cơ quan giám định (các đơn vị giám định của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng...) và cho rằng kết luận giám định có dấu hiệu không khách quan hoặc có khiếu nại kết luận giám định, thì Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao sẽ giám định bổ sung hoặc giám định lại theo yêu cầu trưng cầu giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

An Khánh (thực hiện)