Tại Hội thảo “Hướng tới hệ thống truyền thông nhà nước kiện toàn và hiện đại hậu COVID-19” do Viện Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) thuộc Liên Hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Vũ Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ truyền thông, thi đua và khen thưởng, Bộ Y tế đã chia sẻ về quá trình truyền thông của Bộ Y tế trong suốt thời gian chống dịch COVID -19 giai đoạn 1 và giai đoạn 2 ở Việt Nam.

Theo ông Vũ Mạnh Cường, có nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra như: Đây là lần đầu tiên truyền thông nguy cơ được triển khai quy mô, bài bản;  sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị trong việc phòng, chống dịch bệnh COVID -19; các cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin chính xác, minh bạch, kịp thời; Truyền thông chính thống chiếm lĩnh và giữ vai trò chủ đạo; Triển khai đồng bộ, quyết liệt các hình thức truyền thông; Phát huy thế mạnh của công nghệ truyền thông hiện đại; Kho tài liệu thống nhất, phong phú, được cập nhật liên tục; Truyền thông tới đúng đối tượng đích; Khơi nguồn cho truyền thông dân gian và sự tham gia của người dân…

leftcenterrightdel
ông Vũ Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ truyền thông, thi đua và khen thưởng, Bộ Y tế chia sẻ về quá trình truyền thông  chống dịch COVID-19.

Theo ông Cường, trong đại dịch COVID-19, nhân tố truyền thông nhà nước là một điểm sáng đóng góp vai trò quan trọng trong việc phòng, chống dịch thành công của Việt Nam.

Chia sẻ kết quả truyền thông về phòng, chống dịch COVID-19, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Truyền thông và Thông tin, cho rằng "truyền thông nhà nước cần phải tiến tới công khai và minh bạch hơn. Chúng ta còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ khác như thiên tai, giao thông...Việt Nam với tâm thế đi qua 2 giai đoạn chống dịch đã đúc kết được những kinh nghiệm và bài học hay. Hơn nữa, chiến dịch truyền thông vừa qua của Việt Nam có thể trở thành cẩm nang để các bên cùng chia sẻ và học hỏi".

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ông Tạ Ngọc Hải, Phó Viện trưởng Viện khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ, phân tích, với bộ máy truyền thông hiện tại ở Việt Nam thì việc sắp xếp bộ máy truyền thông nằm ở Văn phòng Bộ  là phù hợp. Vì Văn phòng ngoài các nhiệm vụ khác, thì còn có công tác truyền thông và đối ngoại.

Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VCCorp, chia sẻ về đóng góp của MXH Lotus trong việc phối hợp với các kênh truyền thông nhà nước để đối phó với vấn nạn fakenews (tin giả). Ngoài ra, ông cho biết sự cần thiết tạo dựng kênh truyền thông nhà nước chính thống dành cho các bộ ngành với màu sắc riêng, nhằm đưa tiếng nói trực tiếp đến người dân, lan toả những thông tin tích cực.

Chuyên gia truyền thông của UNESCO, bà Lucila Carrasco, đã chia sẻ “Một số khuyến nghị của UNESCO nhằm hỗ trợ Chính phủ các nước xử lý vấn nạn tin giả và thông tin sai lệch”.

leftcenterrightdel
 Bà Lucila Carrasco, chuyên gia truyền thông của UNESCO. 

Tại Hội thảo, các đại biểu và diễn giả đã thảo luận tập trung vào vấn đề về sự tương tác của cơ quan truyền thông nhà nước với người dân trong bối cảnh hiện tại; làm thế nào để tận dụng lợi thế nhiều công cụ mạng xã hội mà vẫn đảm bảo tính chuyên môn trong truyền thông nhà nước đối với các Bộ, ngành có tính chất đặc thù; sự cần thiết về  việc đào tạo kỹ năng truyền thông cho các cán bộ truyền thông trong khối các bộ ngành;  nguồn lực dành cho việc đánh giá tác động truyền thông chính sách đang còn thiếu và cần bổ sung; quy trình quản lý khủng hoảng truyền thông trong các bộ, ngành là cần thiết...Sự tương thích của các nền tảng công  nghệ nào dùng cho truyền thông phù hợp với các bộ ngành…

Ông Vũ Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ truyền thông, thi đua và khen thưởng, Bộ Y tế cho biết: Chúng ta đã cung cấp thông tin về dịch COVID-19 tới tận tay người dân. Cụ thể, giai đoạn 1, đã triển khai: 15 tỷ tin nhắn tới tất cả các thuê bao điện thoại di động; 4 tỷ tin nhắn qua zalo; 9 triệu tin nhắn qua Viber.

Tổng đài Bộ Y tế đã giải đáp thắc mắc 676.000 cuộc gọi của người dân, cao điểm có ngày lên đến 20.000 cuộc gọi; thiết lập Đường dây nóng tại các Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh, Bệnh viện Đa khoa các tỉnh, thành phố…

 


Hà An