leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 25/9 (ảnh: VPQH cung cấp).

Chuyển từ 4 tuyến khám bệnh, chữa bệnh sang 3 cấp chuyên môn kỹ thuật

Trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, dự án luật được xây dựng nhằm bảo đảm người dân được tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm đối tượng phù hợp, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe, yêu cầu chuyên môn, cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám chữa bệnh và khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Bên cạnh đó, dự án Luật sẽ tạo thuận lợi cho việc cung ứng, sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, quan tâm đến chăm sóc sức khỏe ban đầu, góp phần quản lý toàn diện sức khỏe người dân. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế. 

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 40 điều về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật; được bố cục gồm 2 điều về nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và hiệu lực thi hành của Luật. Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có liên quan đến bảo hiểm y tế.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày tờ trình (ảnh: VPQH cung cấp).

Thể hiện đầy đủ theo 4 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua, dự án Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định cần thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, khắc phục các bất cập của luật hiện hành có tính cấp bách, có đầy đủ thông tin, dữ liệu, đạt được sự đồng thuận, trong đó có các quy định về chuyển từ 4 tuyến khám bệnh, chữa bệnh sang 3 cấp chuyên môn kỹ thuật để kịp thời có hiệu lực từ ngày 1/1 2025 đồng bộ với Luật khám bệnh, chữa bệnh.

Cần bổ sung đánh giá tác động một số nội dung chính sách thành phần

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với việc dự thảo Luật đã lược bỏ một số nội dung để đảm bảo sát với mục đích, yêu cầu, phạm vi điều chỉnh và trong bối cảnh Luật được xây dựng theo quy trình một kỳ họp nên việc chỉ quy định những vấn đề đã chín, đã rõ và được thực tế kiểm nghiệm là phù hợp.

leftcenterrightdel
 Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra (ảnh: VPQH cung cấp).

Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, các nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với mục đích, yêu cầu xây dựng Luật và thống nhất với 4 chính sách đã được thông qua khi đề nghị đưa dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Với những quy định của dự thảo Luật mở rộng hơn với chính sách được nêu tại đề nghị xây dựng Luật, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo đánh giá tác động kỹ lưỡng để làm căn cứ đưa vào dự thảo Luật, đồng thời, tiếp tục rà soát để hạn chế tối đa quy định trong dự thảo Luật những vấn đề còn nhiều luồng ý kiến, quan điểm khác nhau làm ảnh hưởng đến tiến độ thông qua dự án Luật.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ, Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện các tài liệu hợp phần của Hồ sơ để Hồ sơ bảo đảm toàn diện, thống nhất khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, trong đó lưu ý bổ sung đánh giá tác động một số nội dung chính sách thành phần của từng chính sách lớn, trong đó cần quan tâm tác động đến khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế khi mở rộng đối tượng tham gia, mở rộng phạm vi được hưởng cho người đi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và tỷ lệ được hưởng ở một số đối tượng để bảo đảm tính khả thi, tính thuyết phục của phương án lựa chọn; đảm bảo tính chính xác các số liệu trong hồ sơ dự án Luật.

Thường trực Ủy ban Xã hội cũng đề nghị bổ sung Báo cáo kinh nghiệm pháp luật quốc tế đối với những chính sách mới tại dự thảo Luật, nhất là pháp luật của những quốc gia có sự tương đồng với Việt Nam về điều kiện kinh tế, xã hội và về hệ thống y tế, quản trị y tế.

Cần đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, các vấn đề liên quan đến bảo hiểm y tế, cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, cải cách hành chính trong khám, điều trị bệnh bảo hiểm y tế thường xuyên được Nhân dân nêu trong các cuộc tiếp xúc cử tri. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế cần được tiến hành một cách cẩn trọng, nghiên cứu, rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, thấu đáo.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu, cho ý kiến tại phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Nêu rõ bảo hiểm y tế là một cơ chế tài chính y tế, đồng thời là chính sách an sinh xã hội, thực hiện theo mục tiêu công bằng, hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân, Chủ tịch Quốc hội cho biết, thách thức lớn hiện nay là đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, giảm chi tiêu cá nhân của người sử dụng dịch vụ y tế, nâng cao hiệu quả hoạt động y tế cơ sở, nâng cao độ phủ của bảo hiểm y tế trong toàn dân đạt được chỉ tiêu đề ra.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị việc sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế cần bám sát các Nghị quyết của Đảng, đảm bảo thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan. Cần cân nhắc để phạm vi sửa đổi luật đã tập trung vào các nội dung thật sự cần thiết sửa đổi, tháo gỡ những bất cập, vướng mắc, khó khăn đã được tổng kết qua thực tiễn, nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo tính khả thi.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, trong báo cáo cần làm rõ các thành tựu, kết quả của ngành y tế, bảo hiểm y tế đã đạt được trong những năm qua, giải đáp được các vấn đề mà đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm, đồng thời thể hiện rõ, trong ngành đã nhận thức rõ được các tồn tại, hạn chế trong vận hành, từ đó có kế hoạch cụ thể để khắc phục trong thời gian tới.

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các luật Quốc hội ban hành cần đơn giản, khái quát, có tầm nhìn, với những vấn đề không thuộc thẩm quyền của Quốc hội, có thể phân cấp cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan Bảo hiểm y tế theo đúng thẩm quyền để đảm bảo đẩy nhanh tốc độ xây dựng, ban hành, thi hành pháp luật.

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu kết luận nội dung thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Y tế trong việc xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, tán thành cơ bản ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Xã hội. Do dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình rút gọn tại một Kỳ họp, nên chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hiện hành để giải quyết một số vấn đề vướng mắc, bất cập có tính cấp thiết.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ dự án luật để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 đúng thời hạn quy định theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Diên Hồng