“Tai mắt” của lịch sử

Trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, báo chí truyền thông luôn đi đầu trong cuộc “dọn sạch hủ bại”. Nhiều phóng viên, nhà báo bất chấp khó khăn, thậm chí cả hiểm nguy đến tính mạng để thâm nhập vào những “trung tâm” của tiêu cực. 

Ngày 31/7/2017, phát biểu tại phiên họp thứ 12 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực không phải lẻ mẻ từng vụ, từng việc mà bây giờ đã thành phong trào, thành một xu thế, làm có bài bản, phân công cơ quan nào làm, kết quả thế nào, bao giờ xong. Đây là kinh nghiệm rất quý. Tạo ra được xu thế, được phong trào mới là cơ bản. Trong đó, báo chí cần thông tin đúng, chuẩn xác, góp phần thúc đẩy công tác phòng, chống tham nhũng; đồng thời đấu tranh phản bác những thông tin sai lệch, xuyên tạc, bịa đặt.

Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói trong một lần tiếp xúc cử tri.

Có thể thấy, thông qua báo chí và công luận, nhiều vụ việc liên quan đến những cá nhân, tập thể tham nhũng, tiêu cực đã được phanh phui, từng bước khẳng định rõ vai trò, vị trí, tác dụng của “thanh bảo kiếm” trong chiến trận này. Làm tốt được điều đó, từng bước sẽ củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, từng bước quét sạch “giặc nội xâm”, phá vỡ những mầm mống hủ bại ăn sâu vào từng “gốc, rễ” của xã hội. Mỗi chúng ta sẽ tự trưởng thành hơn, liêm sỉ được giữ vững hơn, quốc sỉ được tôn vinh. Tiếng nói của công luận thật sự là “tai, mắt” của lịch sử, chưa bao giờ, sứ mệnh của báo chí truyền thông được trao truyền một cách cao cả và to lớn như hiện nay. Khi chúng ta quét sạch tệ nạn tham nhũng, quan liêu, tiêu cực, tiếng nói của Đảng cũng là tiếng nói của nhân dân hay nói cách khác khát vọng của nhân dân, mong muốn của nhân dân cũng là quyết tâm của Đảng, trong đó có báo chí là lực lượng lĩnh ấn tiên phong, chủ lực “tấn công” trong trận chiến đầy cam go, thử thách này.

Kết quả chống tham nhũng gần đây là những thắng lợi rất quan trọng, tuy nhiên để ngăn chặn, đẩy lùi được tham nhũng vẫn vô cùng khó khăn. Không ít người cho rằng, tham nhũng tràn lan, lợi ích nhóm ngày càng bền chặt. Thời gian qua, các phương tiện báo chí, truyền thông đăng tải khá nhiều  tác phẩm lên án mạnh mẽ tệ nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch của một số  cán bộ. Nhiều bài báo, chương trình phát thanh, truyền hình đi sâu phân tích thực trạng, hệ luỵ, nguyên nhân của vấn nạn chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tội, chạy dự án, chạy danh hiệu... và đề xuất một số giải pháp chống giặc “nội xâm” bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ...

Trong vấn đề bổ nhiệm cán bộ, xuất hiện một số trường hợp tín nhiệm thấp, thậm chí rất thấp, nhưng hồ sơ bổ nhiệm lại có số phiếu cao. Kết quả này do sức ép và các thủ đoạn tinh vi của những người đứng đầu “đạo diễn”, thậm chí chỉ cần “chạy” qua 1 đêm trước bỏ phiếu. Trong một số cơ quan Nhà nước, có trường hợp cán bộ luôn miệng khoe đã chi bao nhiêu tiền cho ông này, bà kia, thậm chí còn giương oai mình là 4C (con cháu các cụ), phẩm chất và năng lực kém xa một số người cùng cấp. Thế rồi, chỉ trong vòng thời gian ngắn (thần tốc) có đủ các quyết định để “ngồi” vào ghế cấp trưởng. Sau đó thì mặc sức tung hoành, thích làm gì thì làm, bất chấp tất cả.

Tuy nhiên, trong tình hình mới, để cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đạt kết quả thành công, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, thẩm thấu tới các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, thông tin truyền thông có vai trò rất quan trọng; hơn lúc nào hết, chúng ta cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, bảo đảm tính công khai - là  “thanh bảo kiếm” quý trong hoạt động quản lý, giám sát và phản biện xã hội.

Tính công khai và cái “gốc” của nghề báo

Các tác phẩm báo chí có tầm trí tuệ, công tâm chỉ ra được nhiều thủ đoạn, mánh khóe tinh vi của những hành vi suy thoái, tham nhũng thời gian qua thực sự có sức lay động, là chỗ dựa vững chắc trong cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải nhiều bài viết không chỉ đơn thuần phản ánh các hiện tượng tiêu cực, suy thoái, tham nhũng mà đã đi sâu phân tích, lý giải sắc bén, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đồng thời chỉ ra những giải pháp mang tính đồng bộ giúp Đảng, Nhà nước khắc phục những thiếu sót trong hoạch định chính sách; trong cơ chế quản lý, điều hành; trong kiểm tra, thanh tra công vụ; trong rèn luyện, đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ...

leftcenterrightdel
Phóng viên báo chí trong và ngoài nước tác nghiệp tại phiên tòa xét xử vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm. (Ảnh: infonet) 

Có thể nói, chống tham nhũng trên báo chí trở thành trung tâm của cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, từng bước góp phần quan trọng trong việc xây dựng đảng, xây dựng chính quyền, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng báo chí bị chi phối của đồng tiền, cố tình viết sai sự thật, hoặc cố tình im lặng một cách đáng sợ, không lên tiếng trước sự thật đáng phải lên tiếng mà mình đã biết, thậm chí đã viết nhưng chỉ viết để mặc cả cho sự im lặng, lờ đi, chứ không phải để đăng, phát…

Đối với báo điện tử, tình trạng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” hay “sáng đăng, trưa gặp, chiều sửa” đang là một biểu hiện lộ liễu của việc “chạy” trong lĩnh vực báo chí truyền thông. “Trưa gặp” chính là “chạy” và chấp nhận chạy, là tiền, là quyền, là lợi… “Chiều gỡ/sửa” có thể là kết quả của sự mặc cả, có lợi đôi bên! Nhưng, điều quan trọng việc “gỡ/sửa bài” là có vấn đề, làm sai lệch sự thật, che giấu sự thật, làm ngơ trước cái xấu, cái tiêu cực đã được phanh phui, được “đăng”, mà lẽ ra phải tiếp tục được công khai…là tiếp tay, gián tiếp ủng hộ cái xấu, cái tiêu cực.

Theo Tiến sĩ Trần Bá Dung, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, việc “gỡ”, tức là hậu quả của việc báo chí chấp nhận những kẻ “chạy”, có thể tổn thương, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của những người đã cung cấp thông tin cho nhà báo để đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng.

Việc chấp nhận “chạy” này đã đi ngược lại các giá trị truyền thống của báo chí là đấu tranh không khoan nhượng trước cái xấu, cái ác. Nó cũng tạo ra bất công giữa các nhà báo, giữa các cơ quan báo chí. Và trên hết, hậu quả lớn hơn nữa là làm giảm lòng tin của nhân dân, của công chúng đối với báo chí. Do đó, thời gian tới, rất cần những “thanh bảo kiếm” sạch. Đó chính là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định đến thành công của sự nghiệp đổi mới đất nước, lấy lại niềm tin của nhân dân.

PGS,TS. Nguyễn Thành Lợi