leftcenterrightdel
 Quang cảnh Hội nghị.

Theo đại diện Bộ TT&TT cho biết, Hội nghị được tổ chức nhằm thông tin định hướng và làm phong phú nội dung tuyên truyền trên các cơ quan báo chí, tăng cường hiểu biết cho người dân về hợp tác ASEAN, sự tham gia, đóng góp và hội nhập của Việt Nam và định hướng hợp tác ASEAN trong thời gian tới.

Chia sẻ thông tin tại Hội nghị, ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT cho biết, hiện nay ASEAN đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu, đóng vai trò trung tâm trong việc xử lý và giải quyết nhiều vấn đề của thế giới. Trong đó, Việt Nam là một thành viên tích cực của ASEAN và đang chủ động triển khai nhiều chương trình và sáng kiến hợp tác để nâng cao vai trò, vị thế của ASEAN nói chung cũng như vai trò của Việt Nam nói riêng, trong việc đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới.

leftcenterrightdel
 Ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT chia sẻ thông tin tại Hội nghị.

Chia sẻ thông tin về thành tựu và định hướng ưu tiên của ASEAN trong giai đoạn tới, ông Trần Đức Bình, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao cho biết, Hội nghị Cấp cao ASEAN 44, 45 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đặt ra những định hướng phát triển mới cho ASEAN trong bối cảnh thế giới đầy biến động.

Theo ông Trần Đức Bình, các đối tác đều khẳng định ASEAN là ưu tiên trong chính sách tại khu vực, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN; cùng ASEAN triển khai hợp tác toàn diện, đẩy mạnh kết nối kinh tế, thương mại và đầu tư, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nâng cao tự cường, hợp tác giáo dục, đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao...

leftcenterrightdel
 Ông Trần Đức Bình, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao chia sẻ thông tin tại Hội nghị.

Thông tin về một số kết quả nổi bật, ông Triệu Minh Long cho biết, năm 2023, GDP khu vực ASEAN tăng 51%, quy mô nền kinh tế đạt 3.800 tỷ USD, đứng thứ 5 trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng chung đạt 4,2%. Vốn đầu tư FDI vào khu vực ASEAN năm 2023 đứng thứ 2 toàn cầu (chỉ sau Mỹ). Quy mô nền kinh tế ASEAN dự kiến đứng thứ 4 trên thế giới vào 2030. Ở thời điểm đó, quy mô nền kinh tế số ASEAN dự báo là 2.000 tỷ USD. Trong cơ chế hợp tác của ASEAN, có 3 trụ cột cơ bản là trụ cột về chính trị, an ninh, trụ cột về kinh tế và trụ cột về văn hóa xã hội.

Các đối tác lớn của ASEAN cũng đã nhấn mạnh quan điểm tương đồng với ASEAN về mục tiêu và hành động, tin cậy cao giữa hai bên; ưu tiên kết nối, phát triển doanh nghiệp, lưới điện, hạ tầng chất lượng, công nghệ số, an ninh mạng; năng lượng tái tạo, giảm phát thải, biến đổi khí hậu, thiên tai; khuyến khích đổi mới sáng tạo, tận dụng các thành tựu KHCN; quản trị mạng, công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo…

leftcenterrightdel
 Bà Nguyễn Việt Chi, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương chia sẻ thông tin tại Hội nghị.

Chia sẻ thông tin về cơ hội và triển vọng từ Hiệp định khung Kinh tế Số ASEAN (DEFA), bà Nguyễn Việt Chi, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương cho biết, Cộng đồng Kinh tế ASEAN đang ngày càng được củng cố với sự ra đời của Hiệp định khung Kinh tế Số ASEAN (DEFA). DEFA sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp và người dân trong khu vực.

Bên cạnh đó, vấn đề lao động di cư cũng được quan tâm đặc biệt. Bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội cho biết, ASEAN đang nỗ lực xây dựng một môi trường làm việc an toàn và công bằng cho lao động di cư.

Kết thúc Hội nghị, các diễn giả đều thống nhất nhận định, với những kết quả đạt được và những định hướng phát triển trong tương lai, có thể khẳng định rằng ASEAN đang ngày càng trở thành một cộng đồng gắn kết và năng động. Việt Nam, với vai trò là một thành viên tích cực, sẽ tiếp tục đóng góp vào sự thành công chung của ASEAN, đồng thời tận dụng tối đa những cơ hội mà cộng đồng này mang lại để phát triển bền vững.

Thế Đức