Trình bày báo cáo tại phiên họp, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho biết, trong năm 2019, ngành Kiểm sát tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện và đã hoàn thành nhiệm vụ, vượt nhiều chỉ tiêu trong các Nghị quyết của Quốc hội; khắc phục cơ bản hầu hết các tồn tại, hạn chế được Quốc hội chỉ ra qua hoạt động giám sát năm 2018, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
|
|
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí tại phiên họp sáng nay |
Trong đó, Viện trưởng VKSND tối cao tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về công tác tư pháp; chỉ đạo toàn Ngành thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; đã thực hiện nghiêm các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp, yêu cầu của Quốc hội.
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí khẳng định, chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết án hình sự tiếp tục được nâng lên, đạt và vượt các chỉ tiêu nhiệm vụ của Quốc hội, từng bước hạn chế các trường hợp oan, sai và bỏ lọt tội phạm. Cùng với đó xử lý kịp thời, nghiêm minh, bảo đảm yêu cầu chính trị, yêu cầu pháp luật các vụ án về tham nhũng, kinh tế lớn; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát hoạt động tư pháp.
Báo cáo kết quả cụ thể, Viện trưởng VKSND tối cao nêu rõ, VKSND các cấp đã kiểm sát 100% vụ án hình sự ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm. Thông qua thực hiện chức năng, đã yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố 572 vụ án, hủy bỏ 44 quyết định khởi tố vụ và ra quyết định hủy bỏ 66 quyết định không khởi tố vụ án và 4 quyết định tạm đình chỉ giải quyết tố giác thiếu căn cứ; trực tiếp khởi tố và yêu cầu điều tra 15 vụ. Ban hành 1.300 kiến nghị yêu cầu cơ quan điều tra, cơ quan, tổ chức liên quan khắc phục, phòng ngừa vi phạm; số kiến nghị được chấp nhận vượt 18,5% so với yêu cầu của Quốc hội.
|
|
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe các báo cáo công tác tư pháp |
Trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, toàn ngành Kiểm sát đã tăng cường các hoạt động công tố, kiểm sát chặt chẽ việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn.
Kiểm sát viên đã trực tiếp kiểm sát chặt chẽ 72.694 hoạt động điều tra thu thập tài liệu, chứng cứ của cơ quan điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, đạt tỷ lệ 99,4%; ban hành gần 60.000 yêu cầu điều tra vụ án, tăng 17%, chiếm tỷ lệ 85% số vụ án mới khởi tố; tham gia và trực tiếp hỏi cung bị can gần 45.000 vụ án; trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra hơn 24.000 vụ án…
Thông qua đó, đã kịp thời phát hiện, yêu cầu cơ quan điều tra thay đổi, bổ sung và khởi tố 650 vụ án, bị can; trực tiếp quyết định hủy bỏ 53 quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ vụ án, bị can và quyết định khởi tố 7 bị can để yêu cầu điều tra. Kết quả số người bị bắt, tạm giữ, chuyển xử lý hình sự đạt tỷ lệ 98%, tăng 0,6%; tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung tiếp tục giảm; tỷ lệ truy tố đúng tội danh vượt 4,9% so với chỉ tiêu của Quốc hội.
Trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử, Viện kiểm sát các cấp đã phối hợp với Tòa án tổ chức hơn 4.900 phiên tòa rút kinh nghiệm, ban hành gần 500 thông báo để rút kinh nghiệm, phòng ngừa thiết sót, vi phạm.
Chất lượng thực hành quyền công tố và kỹ năng tranh tụng của Kiểm sát viên tiếp tục được nâng lên. Tỷ lệ Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung giảm 0,46%; số kháng nghị phúc thẩm tăng 8,2%; tỷ lệ kháng nghị được Hội đồng xét xử chấp nhận đều vượt chỉ tiêu Nghị quyết 37 của Quốc hội.
Công tác điều tra tội phạm của Cơ quan điều tra VKSND tối cao tiếp tục đạt kết quả tích cực, tỷ lệ giải quyết nguồn tin về tội phạm tăng 10,1%; số vụ án được thụ lý, điều tra tăng 26,1%.
Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp tiếp tục được đẩy mạnh và có nhiều chuyển biến, phát hiện nhiều vi phạm pháp luật trong hoạt động giải quyết án dân sự, hành chính, tạm giữ, tạm giam, thi hành án và ban hành hơn 6.400 kháng nghị, kiến nghị yêu cầu cơ quan tư pháp, cơ quan hữu quan khắc phục, phòng ngừa, tăng 28%.
Tuy nhiên, Viện trưởng VKSND tối cao thẳng thắn nêu rõ, quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát vẫn còn những hạn chế, thiếu sót, chưa đạt yêu cầu như việc phê chuẩn, áp dụng biện pháp ngăn chặn thiếu chính xác; để xảy ra 33 bị can phải đình chỉ do hành vi không cấu thành tội phạm hoặc hết thời hạn điều tra nhưng không chứng minh được bị can phạm tội; một số quyết định truy tố thiếu chính xác; còn trường hợp Viện kiểm sát cấp trên phải rút kháng nghị của Viện kiểm sát cấp dưới. Việc giải quyết một số yêu cầu bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự còn chậm.
Về nhiệm vụ trọng tâm của ngành Kiểm sát năm 2020, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho biết, năm 2020, ngành Kiểm sát tiếp tục quán triệt thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; tập trung tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; nâng cao các chỉ tiêu nghiệp vụ, đặc biệt là chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội; giảm dần các trường hợp đình chỉ bị can do không phạm tội, Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội; nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại các phiên tòa; hoàn thành tốt chỉ tiêu kháng nghị và giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
Tập trung giải quyết tốt các vụ việc, vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án hình sự nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm./.