Theo cơ quan chủ trì xây dựng, việc xây dựng dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự là rất cần thiết. Một trong những lý do đó là qua các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới những năm gần đây và dự báo chiến tranh trong tương lai cho thấy, ngoài chiến tranh truyền thống còn xuất hiện các loại hình chiến tranh mới, như: Chiến tranh thông tin, không gian mạng, sử dụng vũ khí công nghệ cao; phương thức, phạm vi không gian, thời gian, môi trường, lực lượng và thủ đoạn tác chiến trong chiến tranh cũng có nhiều thay đổi, khó dự báo, đan xen với các yếu tố phi truyền thống.

Đồng thời, qua các cuộc chiến tranh cũng cho thấy, bên cạnh các yếu tố về lực lượng và vũ khí trang bị tham gia chiến tranh thì các công trình quốc phòng và khu quân sự có ý nghĩa rất quan trọng trong tác chiến phòng thủ. Thực tiễn này đặt ra yêu cầu phải quan tâm xây dựng, củng cố, hoàn thiện hệ thống công trình quốc phòng và khu quân sự theo quyết tâm, kế hoạch, phương án tác chiến đã xác định; tổ chức quản lý, bảo vệ bảo đảm chặt chẽ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Việc xây dựng Luật nhằm mục đích thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong tổ chức thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong tình hình mới. 

Đồng thời, hoàn thiện quy định về nội dung quản lý và xác định phạm vi bảo các vệ công trình quốc phòng và khu quân sự hiện hữu để làm cơ sở tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; xây dựng chính sách đối với các khu vực bị hạn chế các hoạt động do yêu cầu của công tác bảo vệ, bảo đảm an toàn cho công trình quốc phòng và khu quân sự; thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ.

Về bố cục, dự thảo Luật gồm 6 chương, 35 điều. Dự thảo Luật đề xuất 4 chính sách bao gồm: Hoàn thiện quy định về nội dung quản lý, xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; quy định những nguyên tắc cơ bản; nội dung quản lý; cách xác định ranh giới các khu vực thuộc phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; quy định về tiêu chí phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự. Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về cách xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; việc phá dỡ, di dời công trình quốc phòng và khu quân sự.

Chế độ quản lý, bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn, vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống anten quân sự của các công trình quốc phòng và khu quân sự; quy định về tiêu chí, cách xác định phạm vi của các khu vực này thuộc công trình quốc phòng và khu quân sự (tùy theo loại, nhóm, tính chất, mục đích sử dụng, vị trí, địa bàn xây dựng, yêu cầu quản lý, bảo vệ mà ngoài khu vực cấm, Chính phủ quy định cụ thể phạm vi khu vực bảo vệ, vành đai an toàn của công trình quốc phòng và khu quân sự).

Chuyển đổi mục đích sử dụng, phá dỡ, di dời công trình quốc phòng và khu quân sự: Hoàn thiện quy định về các trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng, phá dỡ, di dời, công trình quốc phòng và khu quân sự (gồm; các trường hợp được chuyển đổi; nguyên tắc, thẩm quyền quyết định; trình tự, thủ tục trong chuyển đổi mục đích sử dụng; phá dỡ, di dời công trình quốc phòng và khu quân sự). Quy định về việc chi phí bồi thường nộp vào ngân sách nhà nước để xây dựng công trình mới theo phương án tác chiến phòng thủ khi chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự.

Chế độ, chính sách đối với địa phương, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn, khu vực phạm vi bị ảnh hưởng do yêu cầu của công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân về tổ chức sản xuất, kinh doanh, xây dựng, khai thác tại khu vực liên quan đến quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; xác định các chính sách hỗ trợ ưu tiên, các chương trình đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội đối với địa phương bị ảnh hưởng lớn về phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế đầu tư nước ngoài; chính sách hỗ trợ đối với người dân tại khu vực phạm vi bị ảnh hưởng do yêu cầu của công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: Xâm nhập trái phép; phá hoại, làm hư hỏng; chiếm đoạt, làm lộ, thu thập bí mật kiến trúc, kết cấu, trang thiết bị, tài liệu của công trình quốc phòng và khu quân sự.

Chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép, sử dụng sai mục đích công trình quốc phòng và khu quân sự.

Cản trở, chống đối việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng quản lý, bảo vệ hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Chuyển đổi mục đích sử dụng, phá dỡ, di dời công trình quốc phòng và khu quân sự trái quy định của pháp luật.

Lợi dụng việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự để xâm hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Các hành vi khác xâm hại đến an ninh, an toàn của công trình quốc phòng và khu quân sự.

P.V