Sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra là cần thiết
Theo Thanh tra Chính phủ, cơ quan được giao chủ trì sửa đổi Luật Thanh tra, trên cơ sở những chủ trương, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển ngành Thanh tra, yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và nhu cầu khắc phục những hạn chế, bất cập trong tổ chức và hoạt động của ngành Thanh tra hiện nay, việc sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra hiện hành là cần thiết.
Luật Thanh tra đã được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2010 và có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2011. Qua gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật Thanh tra đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao hoạt động thanh tra, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện, Luật Thanh tra cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, gây khó khăn vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, không còn đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ.
Trong đó, địa vị pháp lý, tính độc lập của cơ quan thanh tra và người đứng đầu cơ quan thanh tra nhà nước trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước còn hạn chế, chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao, còn phụ thuộc quá nhiều vào cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp về tổ chức, nhân sự, kinh phí, chương trình, kế hoạch thanh tra, tiến hành thanh tra, kết luận, kiến nghị xử lý.
Tổ chức và hoạt động thanh tra của thanh tra các bộ, ngành chưa phù hợp với đặc điểm của từng bộ, ngành; chưa phân biệt rõ giữa thanh tra theo lĩnh vực quản lý (thanh tra chuyên ngành) với thanh tra việc thực hiện chức trách nhiệm vụ, công vụ (thanh tra hành chính); giữa thanh tra và các hình thức kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý. Sự phân định về phạm vi thanh tra giữa các cơ quan thanh tra chưa rõ ràng, còn có sự chồng chéo, trùng lắp giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.
Các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thanh tra thiếu chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu tính pháp quyền; không đề cao trách nhiệm của cơ quan thanh tra và cán bộ thanh tra; các cuộc thanh tra quá thời hạn cũng khá phổ biến.
|
|
Quang cảnh một cuộc công bố kết luận thanh tra nghiệp vụ tại VKSND cấp tỉnh. (Ảnh minh hoạ) |
Cơ sở pháp lý thực hiện việc giám sát hoạt động đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra còn thiếu; quy định lỏng lẻo, đơn giản và chưa đi vào cuộc sống. Chưa đề cao trách nhiệm của cơ quan thanh tra và cán bộ thanh tra; kiểm soát nội bộ thanh tra với Đoàn thanh tra mờ nhạt, chưa phù hợp với thực tiễn.
Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, quá trình nghiên cứu, soạn thảo Luật Thanh tra sửa đổi cần quán triệt những quan điểm, nguyên tắc đó là phải thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 phù hợp với chức năng, nhiệm vụ về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Đồng thời, phải đáp ứng yêu cầu đồng bộ với cải cách tư pháp, với đổi mới và tăng cường công tác kiểm tra của Đảng, bảo đảm phối hợp có hiệu quả giữa các công cụ giám sát, thanh tra, kiểm tra của bộ máy Nhà nước và cả hệ thống chính trị đối với hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Tổ chức các cơ quan thanh tra theo hướng tinh gọn, hoạt động thực sự hiệu quả, hiệu lực trở thành một thiết chế kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước và việc thực hiện công vụ trong các cơ quan hành chính nhà nước, góp phần chấn chỉnh và hoàn thiện cơ chế quản lý, xây dựng một nền công vụ liêm chính và phục vụ, phù hợp với yêu cầu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính và hành động hiện nay.
Phân định rõ hoạt động thanh tra và kiểm tra
Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 10 chương và 131 điều, trong đó đã quy định những nội dung cơ bản như: Phân định rõ hoạt động thanh tra và kiểm tra; trách nhiệm quản lý nhà nước và thẩm quyền tổ chức thực hiện hoạt động thanh tra của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh; về tổ chức, chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính; về cơ quan thanh tra theo ngành; việc phối hợp trong hoạt động thanh tra và việc xử lý chống chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa thanh tra và kiểm toán; về việc xử lý sai phạm trong quá trình thanh tra; về Thanh tra nhân dân...
Liên quan đến tổ chức, hoạt động thanh tra trong các cơ quan khác của nhà nước, theo cơ quan soạn thảo, để tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động các cơ quan khác của nhà nước, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đã quy định mang tính nguyên tắc như tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thanh tra theo nhóm các cơ quan có đặc điểm chung.
Cụ thể là: TAND tối cao, VKSND tối cao, Kiểm toán nhà nước thành lập cơ quan thanh tra giúp Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước thực hiện nhiệm vụ thanh tra nội bộ, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của TAND tối cao, VKSND tối cao, Kiểm toán nhà nước.
Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước căn cứ vào quy định của Luật này ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động thanh tra của TAND tối cao, VKSND tối cao, Kiểm toán nhà nước.
Ngoài ra, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) còn quy định cụ thể về các hành vi bị nghiêm cấm, gồm: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Thanh tra không đúng thẩm quyền, phạm vi, nội dung thanh tra được giao, Kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt.
Cố ý không ra Quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; bao che cho đối tượng thanh tra; cố ý kết luận sai sự thật; kết luận, quyết định, xử lý trái pháp luật.
Cung cấp thông tin, tài liệu không chính xác, thiếu trung thực; chiếm đoạt, tiêu hủy tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra.
Chống đối, cản trở, mua chuộc, đe dọa, trả thù, trù dập người làm nhiệm vụ thanh tra, người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan thanh tra; gây khó khăn cho hoạt động thanh tra.
Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động của Đoàn thanh tra; đưa, nhận, môi giới hối lộ trong hoạt động thanh tra; các hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật.