Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 1450/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, trong đó có nội dung về việc thành lập Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao.

Theo đó, mục đích của Kế hoạch nhằm xác định các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành, kết quả đầu ra và trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (Luật) kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả trên phạm vi cả nước.

Về yêu cầu, Kế hoạch nêu rõ: Xác định các nội dung công việc triển khai thi hành Luật một cách cụ thể, rõ ràng, đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về giám định tư pháp ở Trung ương và địa phương, cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương và các cơ quan có liên quan, bảo đảm chất lượng, tiết kiệm và tiến độ hoàn thành công việc.

Đồng thời, đảm bảo sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và TAND tối cao, VKSND tối cao, cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật; kịp thời phát hiện và xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.

leftcenterrightdel
 Các ĐBQH bấm nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. (Ảnh minh hoạ - quochoi.vn)

Nội dung Kế hoạch thực hiện gồm: Tổ chức quán triệt việc thi hành và phổ biến nội dung của Luật; tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến giám định tư pháp; đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật; sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật.

Đồng thời củng cố, phát triển đội ngũ cá nhân, tổ chức giám định tư pháp theo hướng gắn với nhu cầu giám định thực tế của hoạt động tố tụng (rà soát, đổi mới quy trình bổ nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp và công nhận, đăng tải danh sách người, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; rà soát, cập nhật danh sách cá nhân, tổ chức giám định tư pháp).

Bên cạnh đó, phân công đơn vị làm đầu mối trong việc quản lý chung công tác giám định tư pháp ở từng lĩnh vực giám định, đơn vị làm đầu mối tham mưu, thống kê về giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ giám định tư pháp và kiến thức pháp lý cho người làm giám định tư pháp; bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về giám định tư pháp cho người tiến hành tố tụng.

Tiến hành kiểm tra, thanh tra tình hình tổ chức, hoạt động, quản lý giám định tư pháp và thực hiện trách nhiệm về giám định tư pháp của các cơ quan tiến hành tố tụng; đánh giá công tác giám định tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý, tôn vinh, khen thưởng tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong hoạt động giám định tư pháp…

Liên quan đến nhiệm vụ của VKSND tối cao, Kế hoạch nêu rõ: Trong Quý IV/2020, VKSND tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và cơ quan có liên quan thành lập Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao.

Cùng với đó, tháng 1/2021, VKSND tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, TAND tối cao, Bộ Tư pháp ban hành chỉ tiêu thống kê và tổ chức thực hiện thống kê về giám định tư pháp trong hệ thống CQĐT, kiểm sát, tòa án các cấp để phục vụ cho việc báo cáo Quốc hội và cung cấp thông tin, số liệu cho cơ quan quản lý Nhà nước về giám định tư pháp.

P.V