Ngày 11/11/2011, Luật Lưu trữ được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 2 thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2012. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Luật Lưu trữ trong thời gian qua cũng còn một số hạn chế.

Cụ thể, trong Luật Lưu trữ năm 2011 các quy định về quản lý tài liệu lưu trữ điện tử, số hóa tài liệu tại Lưu trữ cơ quan, quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ, việc đưa tài liệu lưu trữ ra khỏi Lưu trữ lịch sử,... chưa được tổ chức thực hiện, chậm ban hành, hiệu quả thấp.

Là luật về một lĩnh vực chuyên ngành nhưng nhiều điều khoản tại Luật Lưu trữ còn mang tính nguyên tắc chung chung hoặc chưa có các điều, khoản giao cho cơ quan nhà nước có đủ thẩm quyền chủ trì hoặc các cơ quan nhà nước có liên quan để nghiên cứu, ban hành văn bản quy định và hướng dẫn cụ thể như: Tiêu chí tài liệu lưu trữ quý hiếm, đăng ký tài liệu lưu trữ quý hiếm; phí bảo quản tài liệu ký gửi; quản lý tài liệu lưu trữ tại doanh nghiệp nhà nước; các định mức kinh tế, kỹ thuật của ngành; các quy trình nghiệp vụ của ngành,...

Một số điều, khoản tại Luật Lưu trữ chưa mang tính quy phạm pháp luật, còn mang tính lý luận, học thuật, khó áp dụng trong thực tế.

Một số điều khoản tại Luật Lưu trữ chưa thống nhất, đồng bộ với một số luật khác. Ví dụ, về thời gian giải mật tài liệu quy định tại điểm b, c khoản 4 Điều 30 của Luật Lưu trữ “Sau 40 năm, kể từ năm công việc kết thúc đối với tài liệu có đóng dấu mật nhưng chưa được giải mật; sau 60 năm, kể từ năm công việc kết thúc đối với tài liệu có đóng dấu tối mật, tuyệt mật nhưng chưa được giải mật”. 

leftcenterrightdel
Ảnh minh hoạ. 

Trong khi đó tại Điều 19 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước quy định về thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước gồm “30 năm đối với bí mật nhà nước mức độ tuyệt mật, 20 năm đối với bí mật nhà nước độ tối mật và 10 năm đối với bí mật nhà nước độ mật”. 

Ví dụ khác như khoản 2 Điều 30 Luật Lưu trữ quy định về tài liệu hạn chế sử dụng gồm tài liệu bị hư hỏng nặng, tài liệu đang trong quá trình xử lý nghiệp vụ và tài liệu không thuộc bí mật nhà nước nhưng có nội dung thông tin nếu sử dụng rộng rãi có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong khi đó Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 chỉ quy định ba loại thông tin công dân được tiếp cận, không được tiếp cận và được tiếp cận có điều kiện. Như vậy, hình thức tiếp cận thông tin quy định trong Luật Lưu trữ và Luật Tiếp cận thông tin chưa có sự thống nhất.

Luật Lưu trữ cũng còn một số vấn đề khác có tính khả thi chưa cao như việc quy định giao nộp tài liệu của các ngành quốc phòng, công an, ngoại giao vào Lưu trữ lịch sử.

Một số vấn đề phát sinh, phát triển mới trong công tác lưu trữ chưa được quy định đầy đủ trong Luật Lưu trữ...

Theo cơ quan chủ trì, việc xây dựng, ban hành Luật Lưu trữ sửa đổi nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc quản lý nhà nước về tài liệu lưu trữ cũng như các hoạt động lưu trữ để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính và hội nhập quốc tế.

Việc xây dựng Luật phải đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành Bộ Luật dân sự, Luật Di sản văn hóa, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật tiếp cận thông tin, Luật An ninh mạng, Luật Công chứng, Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch điện tử...

Cũng theo cơ quan chủ trì, Luật được xây dựng trên cơ sở tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm thực tế thực hiện Luật Lưu trữ trong 10 năm qua; bảo đảm tính kế thừa, ổn định, khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Lưu trữ năm 2011 và các quy định của pháp luật về công tác lưu trữ. Đồng thời, bảo đảm nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý hoạt động lưu trữ.

Về nội dung, Luật Lưu trữ quy định về nguyên tắc, trách nhiệm, yêu cầu đối với các nội dung nghiệp vụ cơ bản; những nội dung mang tính nghiệp vụ chuyên sâu sẽ được giao cho Chính phủ và Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan quy định, hướng dẫn cụ thể.

Luật được xây dựng trên cơ sở tham khảo có chọn lọc nội dung các quy định pháp lý hiện hành về lưu trữ của các nước trong khu vực và trên thế giới, phù hợp với tình hình thực tiễn Việt Nam và xu thế hội nhập quốc tế.

Về phạm vi điều chỉnh, Luật Lưu trữ sửa đổi quy định về hoạt động lưu trữ; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động lưu trữ; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ lưu trữ; quản lý Lưu trữ tư; quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ; quản lý nhà nước về lưu trữ.

Luật này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân và cá nhân.

P.V